Tổ ấm hạnh phúc của người lính
(PNTĐ) - Ai cũng biết làm vợ người lính sẽ phải chịu nhiều hy sinh, vất vả khi chồng đi biền biệt, mái ấm lúc nào cũng thiếu vắng hơi ấm của người chồng. Nhưng hạnh phúc vẫn cứ nở hoa ở nơi tưởng như thiệt thòi ấy.
Những yêu thương không thể nói thành lời
Gần 20 năm là người yêu và hơn 14 năm là vợ của lính biển, hơn ai hết, chị Minh Ngọc (sống tại quận Hải An, thành phố Hải Phòng) thấu hiểu những vất vả, sự thiếu thốn về tình cảm và vật chất của những người lính hải quân như chồng mình. “Ngày mới quen và yêu nhau, mình không nghĩ rằng mình có thể yêu và lấy một người chồng cứ đi xa biền biệt, thời gian lênh đênh trên biển nhiều hơn ở nhà. Một năm 12 tháng thì mất 10 tháng anh đi làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi. Ngày mới biết yêu, mình cứ nghĩ sẽ chẳng chịu đựng được nếu như yêu một người mà thời gian gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay như thế”- chị Ngọc tâm sự.
Nhưng giờ đây trải qua làm vợ lính ngót nghét 15 năm thì chị đã hiểu được vì sao mình chịu đựng được như vậy. “Bởi vì đã là vợ lính thì sẽ yêu chồng và yêu cả cái nghề mà chồng mình đang cống hiến cho đất nước. Mình cảm nhận được những nhọc nhằn của lính hải đảo hay nhà giàn, hiểu hết những mặn mà mà những lần biển khơi giận dữ, những con sóng hất tung đẩy đưa những con tàu đang lênh đênh”.
Chị Ngọc đùa, khi yêu anh, chị cũng yêu thêm chương trình “dự báo thời tiết”. Những lúc sóng yên biển lặng, chị yên tâm phần nào khi anh và đồng đội được ăn bữa cơm yên bình nhẹ nhàng trên con tàu. Ngược lại, chị thấy lo âu khi đài báo gió mùa về, biển sẽ động vì hôm đó anh và đồng đội sẽ vất vả, cơm không nấu được, chỉ giữ được thăng bằng trên tàu thôi là đã an toàn rồi.
Theo chị Ngọc, cuộc sống hôn nhân khi trong nhà có người theo nghiệp lính, là trải qua bao nhiêu con sóng gập ghềnh, trắc trở, nhưng rồi những hiểu lầm, những giận hờn, trách móc cũng sẽ qua mau, như những cơn sóng biển đến rồi lại đi. Hiện tại, anh vẫn lênh đênh trên tàu, xung quanh chỉ có gió và sóng biển. Ở quê nhà, chị và các con luôn là hậu phương chờ anh về ngôi nhà hạnh phúc.
Hơn 10 năm hôn nhân đã đem lại cho chị Quỳnh Hoa (35 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) rất nhiều trải nghiệm của một người vợ, người mẹ khi chồng đi biền biệt tháng ngày. “Khi lấy anh, mình cũng đại khái xác định được là sẽ vất vả, thiệt thòi nhưng đời không như là…mơ, sau khi kết hôn mình bắt đầu một chuỗi những tháng ngày dài gần như phải một mình tự vượt qua tất cả”- chị Hoa nhớ lại.
Họ chỉ bên nhau 5 ngày trăng mật sau khi cưới rồi anh trở lại đơn vị và bắt đầu một hành trình dài xa nhau từ đó. Việc huấn luyện, hành quân và trực sẵn sàng chiến đấu khiến hai vợ chồng chỉ có thể nhắn tin hỏi han ngắn gọn, tranh thủ lúc anh đang được nghỉ giữa giờ. “Ngôi nhà mới của hai vợ chồng lúc nào vắng vẻ nhanh thì một tháng, còn không thì cứ khoảng gần hai tháng anh mới về phép vài ngày. Suốt hai năm đầu mới cưới là những chuỗi ngày như thế, mình thì chưa quen nên lúc nào cũng nhớ chồng, đêm nào cũng khóc. Xa nhau lâu quá nên phải sau 3 năm chúng mình mới có con. Như rất nhiều người vợ lính khác, mình cũng tự làm mọi thứ và sinh con một mình”.
Chị Hoa cố gắng gạt đi nỗi buồn bằng việc chăm chỉ đọc sách và tìm hiểu cách nuôi dạy con. Và chị nhận ra rằng, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, chồng đi xa chả mấy khi về nhưng như thế cũng tránh được mâu thuẫn, xích mích, ngược lại có khi tình cảm mỗi lúc gặp nhau lại được vun vén hơn.
“Với suy nghĩ ấy, sinh xong bé đầu mình đã suy nghĩ tích cực hơn và không còn liên tục rơi vào stress nữa. Mấy mẹ con tự đi du lịch với nhau khi bố vắng nhà. Được cái anh lúc nào cũng ủng hộ.
“Chồng là bộ đội thì vẫn có nhiều cách để biến cuộc sống xa xôi, thiếu thốn tình cảm ấy thành niềm vui cho mình. Nói thế để có bạn nào đang yêu hay đã là vợ bộ đội thì hãy luôn tự hào nhé. Đến giờ thì chính cuộc sống ấy đã rèn luyện cho mình một sự tự tin, mạnh mẽ và nghị lực nữa. Mẹ chồng mình vẫn động viên làm vợ bộ đội muốn được gần chồng thì chắc phải đợi lúc chồng…về hưu. Cứ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thì chắc chắn “gái có công, chồng không phụ”- chị hóm hỉnh.
Dạy con bằng kỷ luật và sự tự giác của người lính
Gia đình Đại tá Nguyễn Ngọc Toàn (64 tuổi) và vợ là Trung tá chuyên nghiệp Mai Thị Lệ Anh (tổ dân phố số 6 phường Phú Lãm, quận Hà Đông) vừa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen Hộ gia đình văn hoá Thủ đô tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Cả 2 ông bà đều có thời gian 40 năm công tác tại Quân chủng Phòng không không quân - Quân đội nhân dân Việt Nam. Trở về địa phương sau khi nghỉ hưu, ông Toàn tham gia cấp ủy Chi bộ Tổ dân phố 6 từ năm 2019, được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố 6 phường Phú Lãm và hiện nay ông làm Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố.
Bà Lệ Anh về địa phương tham gia công tác Hội Phụ nữ, đã tích cực tham gia các hoạt động Chi hội Phụ nữ, tham gia phong trào, động viên hội viên tham gia và Thành lập Câu lạc bộ Dân vũ khu dân cư, tổ chức phong trào hoạt động thể dục thể thao, phong trào Vệ sinh môi trường sáng thứ 7 hàng tuần. Họ được đánh giá là gia đình truyền thống chung sống hòa thuận, hạnh phúc, tham gia tích cực hoạt động của địa phương, được nhiều người dân quý mến bởi lối sống giản dị, hiền hòa. Nhiều năm liền, gia đình ông Toàn được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, được UBND phường Phú Lãm tặng Giấy khen đã có thành tích 3 năm liên tục đạt danh hiêu “Gia đình văn hóa 2020 - 2022”, công nhận đạt danh hiệu Gia đình văn hóa 2023.
Vợ chồng ông bà có 2 người con trai đều là kỹ sư và có sự nghiệp thành đạt. Tuy không tiếp bước nghiệp nhà binh như bố mẹ, nhưng hai người con của ông Toàn và bà Lệ Anh được thừa hưởng một sự giáo dục đúng chuẩn người lính. Bà Lệ Anh kể, vì đặc thù công việc rất bận, nhất là chồng bà - ông Toàn khi ấy là Phó hiệu trưởng đào tạo Trường Trung cấp Kỹ thuật phòng không không quân (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không không quân), nên việc nuôi dạy hai cậu con trai phải lấy sự kỷ luật và tính tự giác lên hàng đầu. Cũng như bao người vợ lính khác, bà Lệ Anh thấu hiểu sâu sắc những “đặc trưng” riêng có của những gia đình người lính. “Những bữa cơm thiếu vắng thành viên trong gia đình là chuyện hết sức bình thường, bởi ông ấy đi công tác, rồi đi học lên cao triền miên”- bà Lệ Anh kể. Nhưng thẳm sâu trong lòng người vợ - cũng là một quân nhân, bà luôn thông cảm và hy sinh cho chồng.
Là một giảng viên chuyên ngành y tại Trường Trung cấp Kỹ thuật phòng không không quân, bà Lệ Anh kể, có lần gặp ca cấp cứu mà không có ai trông con, bà đèo cả 2 đứa con trên xe đạp đi làm cùng với mình. “Hay như khi các cháu học bài khuya, khi nào con ngủ thì tôi mới đi ngủ. Mình ngủ trước con chẳng yên tâm chút nào. Nếu có mệt ngủ trước thì tôi cũng đặt báo thức 11 giờ đêm dậy để nhắc con đi ngủ. Vì có hôm cháu học mệt quá, ngủ lăn ra bàn học rồi”- bà Lệ Anh chia sẻ. Ông Toàn chồng bà cũng thừa nhận, chính sự hy sinh, tần tảo của vợ đã trở thành điểm tựa cho bố con ông.