Trao truyền nét đẹp của Tết cổ truyền
(PNTĐ) - Hiện nay, trong nhiều gia đình trí thức, các phong tục truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền vẫn được giữ gìn, phát huy, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Đón Tết nay lại nhớ Tết xưa
Những ngày này, không khí Tết đã ngập tràn trong gia đình GS.TS Đặng Cảnh Khanh (con trai trưởng của cố Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu) và GS.TS Lê Thị Quý. Khi tôi đến nơi, GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh đang chăm chú vẽ tranh Tết, viết thư pháp, câu đối Tết cho các tổ chức, cá nhân đến xin chữ treo trong những ngày Tết đến xuân về.
GS.TS Lê Thị Quý cho biết, gia đình bà vẫn giữ phong tục đón Tết cổ truyền. Trước đây, khi GS Vũ Khiêu còn sống, sáng mồng Một Tết, tất cả con cháu lại tụ họp chúc Tết ông, nghe ông dặn dò. GS Vũ Khiêu thì khai bút lấy may, để tạo thói quen nghiên cứu trong suốt một năm.

Vợ chồng GS.TS Lê Thị Quý ở cùng con trai, con dâu và các cháu nội. Ngày 30 Tết, gia đình GS.TS Lê Thị Quý tổ chức nấu cơm cúng Tất niên. Đêm Giao thừa, đại gia đình cùng nhau chúc rượu đón năm mới.
“Ngày Tết, cả gia đình sum vầy bên nhau, cùng nhau ăn nhẹ và uống chút rượu vang đón chào năm mới khi thời khắc Giao thừa đến. Ông bà lì xì các cháu nhỏ, chúc các cháu khỏe mạnh và học giỏi. Con cháu lại chúc sức khỏe ông bà…”, GS.TS Lê Thị Quý cho biết.
Theo GS.TS Lê Thị Quý, ngày mồng Một Tết là ngày Tết sum họp của gia đình bà. Đến mồng Hai Tết, gia đình bà mới đón những vị khách đầu tiên đến chúc Tết. GS Lê Thị Quý và GS Đặng Cảnh Khanh cũng đến các gia đình người thân, họ hàng, đồng nghiệp để chúc Tết, chào năm mới…
Điều đặc biệt là trong những ngày Tết và cả những ngày thường, gia đình GS Lê Thị Quý không có sự phân định ai là người vào bếp sửa soạn mâm cỗ. Nữ GS hàng đầu về giới ở Việt Nam cho biết, con trai bà cũng thường xuyên đứng bếp sửa soạn đồ ăn cho cả gia đình. Mỗi người một tay để chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm.
GS Lê Thị Quý kể, các cụ thân sinh ra ông bà rất coi trọng ngày Tết. Những phong tục Tết cổ truyền vẫn được lưu giữ theo thời gian, qua các thế hệ. Trong các câu chuyện đầu năm, vợ chồng GS Lê Thị Quý giải nghĩa cho các cháu hiểu thế nào là ngày Tết, tại sao mọi người lại đi chúc Tết, tại sao lại có những kiêng cữ ngày Tết… Trẻ con trong gia đình không chỉ coi Tết là có quần áo mới, được mừng tuổi mà còn được học hỏi về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc…

“Ngày xưa, khi tôi còn bé, các chị, các mẹ ngày Tết đi đâu cũng mặc áo dài, trong túi bao giờ cũng có một túi đựng phong bao lì xì. Trong nhà có một cơi trầu đã têm sẵn, lúc nào có khách đến chơi nhà thì xếp cơi trầu ra mời khách. Trong bàn nước mời khách không thể thiếu bánh kẹo, hạt bí, cơi trầu, thuốc lá… Còn bây giờ, những thứ đó có thể đã được tiết giảm. Ngày xưa, cứ Tết là về nhà sum vầy bên nhau, còn giờ đây, nhiều gia đình đã lựa chọn xuất ngoại, đi du lịch trong mấy ngày Tết. Tôi cho rằng, đó là những xu hướng mới, tạo ra không khí mới, hứng khởi mới”, GS. TS Lê Thị Quý cho biết.
Theo GS.TS Lê Thị Quý, mặc dù chúng ta có thể giảm đi một số tục lệ đã cũ không còn phù hợp, song vẫn cần giữ gìn các giá trị đạo đức và chuẩn mực văn hóa gia đình được xây dựng trong ngày Tết. Trong gia đình, ngày đầu năm mới, cha mẹ có thể nhắc nhở các con về các chuẩn mực giá trị đạo đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Các con có thể lựa chọn đón Tết theo cách của mình, nhưng vẫn nên dành thời gian để về với bố mẹ, dù nhiều dù ít vì Tết là để sum họp, quây quần.
Phong tục lễ nghĩa cần thực chất và phù hợp
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, ông nội của bà là cụ Bùi Trình Khiêm, một nhà Nho yêu nước - đại biểu Quốc hội khóa 1 của tỉnh Nam Định. Bố bà là nhà văn, nhà báo, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn. Bà có 5 anh, em, sau này là 5 gia đình lớn. Khi bố, mẹ bà còn sống, năm nào cũng vậy, 5 gia đình các con cùng các cháu, chắt luôn cùng nhau quây quần ăn bữa Tất niên.
Khi cụ mất, năm gia đình anh, em của PGS.TS Bùi Thị An vẫn giữ nếp cùng nhau về quê 2-3 lần trong năm vào những ngày trước giỗ hoặc sát Tết. Đến nay, các anh chị em tuy đã lớn tuổi (anh cả 85 tuổi, em út 72 tuổi), sức khỏe kém xưa nhưng luôn quấn quýt, yêu thương nhau.

Ngày nay, gia đình PGS.TS Bùi Thị An đón Tết khá gọn nhẹ do chỉ có 2 vợ chồng. Gần Tết, bà đặt cặp bánh chưng, khoanh giò lụa, con gà, mâm ngũ quả để thắp hương. Trên bàn thờ ngày Tết luôn có một cành đào nhỏ. “Có cành đào trong nhà là thấy hương vị Tết; kèm cây quất, chậu hoa dơn, lọ hoa hồng… không cần lớn nhưng phải đẹp” – PGS.TS Bùi Thị An nói.
Tuy không ở cùng bố, mẹ nhưng gia đình con trai của PGS.TS Bùi Thị An vẫn qua lại thăm nom, đặc biệt dịp Tết thì cả nhà (cháu đi học xa thì chúc Tết ông, bà qua camera) lại về đón Tết cùng nhau; rồi mọi người thực hiện truyền thống mừng tuổi đầu xuân. Và vì thế, tinh thần của Tết sum vầy vẫn được gia đình bà bảo toàn nguyên vẹn.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, ngày Tết, chúng ta có thể bỏ qua bữa ăn linh đình hay tập trung đông người vì điều kiện làm việc và sức khỏe, nhưng phải giữ được nếp quan tâm đến bố mẹ. Tùy điều kiện của từng gia đình (kinh tế, sức khỏe, nhu cầu...) có thể tổ chức các chuyến vãng cảnh du xuân, nhưng nên bỏ tập tục bẻ cành cây, hái lộc vào đêm Giao thừa làm ảnh hưởng môi trường...