Vì đất mà mất tình thân
(PNTĐ) - Chỉ vì tranh chấp đất đai mà tình cảm mẹ con, anh em, họ hàng, người thân trong gia đình lao vào vòng kiện tụng. Để rồi tình cảm gia đình theo đó cũng ra đi...
Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa mở lại phiên tòa vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế mảnh đất 1.213m2, giữa 11 anh em ruột cùng trú huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nguyên đơn là ông V - con trưởng và bị đơn là ông H - con trai thứ 4. Vụ án từng qua nhiều lần xét xử, hòa giải nhưng các đương sự không tìm được tiếng nói chung, vẫn quyết đưa nhau ra tòa.
Theo đơn khởi kiện, cha mẹ những người này sinh được 11 con chung. Năm 1984, cha mẹ cho ông H 138m2 đất để làm nhà riêng, hơn 1.000m2 còn lại gồm nhà, cây cối, công trình xây dựng của cha mẹ. Năm 2001 và 2015, cha mẹ lần lượt qua đời, không để lại di chúc. Năm 2014, một trong số 11 người con cũng mất. Năm 2020, ông V họp anh chị em bàn xây nhà từ đường của dòng họ trên phần đất hơn 1.000m2 vì đây là tài sản thừa kế chung.
Tuy nhiên, ông V "bất ngờ và sốc" khi ông H không đồng ý và biết được toàn bộ 1.213m2 đất đã đứng tên ông H, được cấp sổ đỏ từ năm 2005.
Ông V đại diện cho 9 anh chị em cùng khởi kiện (vợ và con trai của người đã mất ủy quyền cho ông V khởi kiện), đề nghị hủy sổ đỏ đã cấp cho ông H, chỉ cho ông H được hưởng 138m2, phần còn lại chia đều cho các anh chị em khác.
Là bị đơn, ông H khẳng định từ năm 1992, cha đã tới UBND xã làm thủ tục cho ông toàn bộ 1.213m2 đất. Suốt quá trình sử dụng, ông đã tôn tạo, trồng trọt, chăn nuôi, đóng thuế đất... đến năm 2005 thì được UBND huyện Thanh Thủy cấp sổ đỏ.
Ông H cho biết sau khi cho ông toàn bộ 1.213m2 đất, cha mẹ mua một khu đất khác cùng xã để sinh sống ổn định đến khi qua đời. Đến nay, thửa đất này đã bán để lấy tiền chia cho 11 anh chị em.
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 8-2022, TAND tỉnh Phú Thọ đánh giá ông H được cấp sổ đỏ mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hoặc di chúc. Tòa cũng cho rằng UBND huyện không có hồ sơ về việc tách, hợp hai thửa đất là không đúng quy định. Do đó tòa tuyên hủy sổ đỏ đã cấp để phân chia tài sản thừa kế.
Không chấp nhận phán quyết này, ông H kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Tại phiên phúc thẩm lần thứ nhất hồi đầu tháng 4/2023, dù được chủ tọa nhiều lần khuyến khích hòa giải, đôi bên đều khẳng định không thay đổi quan điểm, nói sẽ khiếu kiện đến cùng.
Có thể thấy rằng, trong thời buổi tấc đất tấc vàng, khi giá đất đai chỉ tăng mà không giảm thì những mâu thuẫn nảy sinh về đất cũng ngày càng nhiều, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp ngay chính các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc; và rồi không ai nhường ai, không ai nhịn ai dù đã được pháp luật phân xử đúng, sai.
Theo Luật sư Trần Hoàng Vũ – Giám đốc Công ty Luật AEC (Đoàn luật sư Hà Nội), đa số những vụ tranh chấp đất đai hoặc di sản thừa kế giữa những người trong dòng tộc thường gay gắt hơn so với các tranh chấp giữa các bên không có quan hệ thân thuộc, tỷ lệ hòa giải thành công những vụ tranh chấp như thế này cũng không cao, do mâu thuẫn lợi ích giữa các bên đã trầm trọng, khó có thể dung hòa.
“Để có thể hạn chế được tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra như hiện nay, nhất là đối với tranh chấp trong dòng họ, gia đình, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan, chính quyền địa phương, phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về đất đai” - luật sư Trần Hoàng Vũ chia sẻ
Suy cho cùng, đất đai là tài sản có giá trị nhưng theo thời gian sẽ vơi đi, còn tình cảm ruột thịt, tình cảm gia đình tuy là thứ vô hình nhưng vô giá. Đừng vì một vài tấc đất mà làm rạn nứt tình thân, để rồi đánh mất đi và không bao giờ có lại được.