Bài tham dự cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay|"

“Viên gạch - tình thương yêu” của cha mẹ tôi

PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cha tôi là GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục (giai đoạn 1946-1975) còn mẹ tôi là họa sĩ Vi Kim Ngọc, con gái của nguyên Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Sau khi cha tôi du học Pháp trở về, năm 1936, cha mẹ tôi kết hôn. Dưới nếp nhà của cha mẹ, 4 chị em chúng tôi đã lần lượt ra đời, lớn lên, trưởng thành.

“Viên gạch - tình thương yêu” của cha mẹ tôi - ảnh 1
Đại gia đình yêu thương của chúng tôi (ảnh chụp năm 1965)

Cha mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục con cái. Song, khi các con mắc lỗi, hay nghịch ngợm, cha mẹ tôi không bao giờ mắng con nặng lời. Dù giận mấy cha mẹ vẫn xưng hô là “cậu”, “mẹ” và “con” chứ không dùng “mày”, “tao”. Buổi tối cha và mẹ tôi thường kể những câu chuyện cổ tích như Tấm Cám, Cây khế, đọc thơ, ca dao tục ngữ cho chúng tôi nghe, sau này là cho các cháu nghe. Cha mẹ còn khuyến khích con, cháu viết nhật ký hay tóm tắt những gì đọc được. Thông qua đó, cha mẹ dạy các con phải biết yêu thương nhau, hiếu kính cha mẹ… 

Cha mẹ tôi còn lấy bản thân mình để làm gương cho các con. Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng cha tôi không bao giờ lợi dụng quyền thế để mưu lợi. Cần kiệm và tự lực đã đi vào máu thịt ông. Ông tận dụng những mảnh giấy trắng còn lành hay giấy một mặt của những tờ bản tin Thông tấn xã để viết hay giữ những mẩu xà phòng nhỏ, khi đủ nhiều thì nắm lại thành miếng đủ để giặt; chiếc cốc thủy tinh bị nứt, ông dán băng dính để dùng làm ống đựng bút trên bàn làm việc; khăn mặt trắng đã mòn, quần áo cũ cũng được ông giặt sạch, cất đi làm giẻ lau. Cha tôi  thường tự tay giặt quần áo chứ không bao giờ nhờ người phục vụ. 

Từ cách đây gần thế kỷ, cha mẹ tôi đã coi trọng vấn đề bình đẳng giới. Ông bà là mẫu hình ứng xử bình đẳng, tôn trọng nhau. Ông chiều bà, đi đâu cũng tìm món quà hợp ý bà; không bao giờ quyết đáp một mình mà vợ chồng cùng bàn bạc đồng thuận mọi việc lớn nhỏ. Cha mẹ không phân biệt giữa con trai và con gái, con dâu và con rể, các cháu trai và cháu gái, cháu nội, ngoại. Dưới nếp nhà của cha mẹ, mọi người đều được đối xử bình đẳng, được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt như nhau. 

Trong một lá thư viết vào năm 1959, cha tôi đã nhắc chị gái Nguyễn Kim Nữ Hiếu (sau này là Đại tá, PGS-TS, Thầy thuốc Ưu tú, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) về “cái vinh quang của con gái”. Ông chia sẻ: “Cậu nhớ khi cậu bằng tuổi con thì cậu có một sự thay đổi rất lớn trong học tập. Cậu hiểu biết nhiều hơn, tin ở mình, tin nhất là ở chỗ chỉ có bản thân mới giải quyết được thật sự vấn đề của mình. Mà muốn giải quyết được thì phải quyết tâm. Từ đó cậu tiến bộ không ngừng.” Mấy lời này của cha đã trở thành phương châm sống của chị em chúng tôi: Tự tin và tự biết giải quyết mọi khó khăn của mình.

Là mẹ của 4 người con, sau này còn có thêm các con rể, con dâu, rồi cả khi các cháu ra đời, với cách ứng xử tinh tế, mẹ tôi vẫn luôn là người giữ lửa ấm, là linh hồn của đại gia đình. Tôi biết, để có thể giữ hòa thuận trong một nhà “đông con, nhiều cháu”, nhất là khi các con rể, con dâu lại đến từ nhiều gia đình với nền tảng khác nhau, nếp sống, thói quen không giống nhau, tính cách mỗi người mỗi khác. Mẹ tôi có thể nhìn ra ưu, nhược điểm của từng con nhưng bà không bao giờ nói ra hay than phiền về tính cách người này hay người khác. Mẹ luôn dung hòa các mối quan hệ, âm thầm ứng xử nhẹ nhàng với những gì chưa hài lòng và luôn khơi gợi điểm tốt ở các con/cháu. Ngay năm đầu tiên khi con dâu về nhà, bà đã tin yêu, tự mình lui về phía sau để con dâu chủ động lo việc Tết, giỗ chạp cũng như cuộc sống gia đình; các chị em gái cũng ngay lập tức ủng hộ em dâu, giúp em mau chóng trở thành trụ cột thực sự của gia đình. Kinh nghiệm xóa rào cản “mẹ chồng nàng dâu” đã lan tỏa tới thế hệ sau của đại gia đình. Khi trong nhà có việc, mẹ hỏi ý kiến và rất trân trọng nghe góp ý của con rể, con dâu. Cũng nhờ vậy, tất cả các con đều yêu quý, kính trọng mẹ. 

Tôi còn nhớ năm 1975, khi cha tôi qua đời, anh rể tôi (chồng chị gái Nguyễn Kim Bích Hà, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hóa học, Hiệu trưởng trường dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) sắp được bổ nhiệm làm một giám đốc ở TP Hồ Chí Minh, được cấp nhà. Song khi cha tôi đột ngột qua đời, anh rể đã nói với chị Hà: Giờ cậu mất rồi, đã đến lúc mình báo hiếu mẹ. Hơn nữa, chỉ có ở đây với bà và các anh, chị em quây quần thì các con mình mới có môi trường giáo dục an toàn nhất. Sự vĩ đại của mẹ đã cảm phục anh rể, giữ chân anh ở lại Hà Nội và sẵn sàng bỏ hết danh lợi, vật chất.

Mẹ tôi là thế, luôn thương yêu các con hết mực và từng con cũng đều cảm nhận được những gì mà mẹ đang làm cho mình. Chúng tôi luôn tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với tấm lòng của mẹ. Hồi chị Hà du học ở  Moskva, hè năm 1962, mẹ tôi có ý định mua vé tàu hỏa cho chị về nước nghỉ hè thăm nhà. Nhưng, chính anh rể tôi đã can ngăn, nói với chị tôi mẹ không giàu có gì, mấy trăm đồng mua vé cho em, chúng mình sẽ tự lo. Sang năm anh sẽ tích lũy thêm tiền, cộng với tiền của em thì đủ để em về nước. Rồi khi anh chị chuẩn bị làm đám cưới, anh rể tôi tích cóp được một khoản tiền định sắm giường, tủ mới... Mẹ lại khuyên anh để dành tiền lo việc quan trọng sau này, còn giờ cứ tạm dùng chiếc giường cũ. Dù rất háo hức về một căn phòng cưới mới, anh rể tôi đã nghe mẹ giữ lại tiền. Sau này, khi chiến tranh xảy ra, anh đã dùng tiền để mua xe đạp cho vợ đi sơ tán. Kể ra điều này để thấy tầm nhìn và sự lo xa của mẹ. Mẹ không cần đao to búa lớn, nhưng lời chỉ bảo của mẹ rất thấm thía, có tình, lý khiến con cháu nể phục. 

Trong cuộc sống, gia đình nào rồi cũng không thể tránh mâu thuẫn, trục trặc lúc này lúc nọ. Nhưng mẹ tôi chính là hạt nhân đoàn kết của gia đình. Chị em chúng tôi luôn ghi nhớ lời mẹ dạy, tài sản lớn nhất cha mẹ để lại cho các con không phải là tiền bạc mà chính là tình thương yêu, biết chia sẻ lẫn nhau. Khi vợ chồng chị Hà tôi xin mẹ cho chia bếp, không ăn cơm chung đại gia đình nữa vì anh rể tôi phải mổ dạ dày, sức khỏe yếu, ăn uống sinh hoạt cũng khác, mẹ tôi đã đồng ý ngay. Chúng tôi vui vẻ chia thành 3 bếp, sau 4 bếp. Nhà cửa sau này chúng tôi cũng chia đều, sống vui vẻ cho đến giờ, không một sư tranh chấp, tị nạnh nào cả. Ai cũng vì cái chung mà giữ.

Có thể nói, cha mẹ tôi đã suốt cả cuộc đời nỗ lực đặt từng viên gạch-tình thương yêu để xây nên nếp nhà cho các con, cháu. Giờ, cha mẹ tôi đều đã khuất núi, nhưng nếp nhà của cha mẹ vẫn còn đó, vững chãi, là chỗ dựa tinh thần, nơi đoàn tụ các con, các cháu. Và yêu thương vẫn luôn là sợi chỉ đỏ, dẫn lối cho chúng tôi đi.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tôn vinh, lan toả nét đẹp gia đình Việt qua ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2024

Tôn vinh, lan toả nét đẹp gia đình Việt qua ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; vận động hội viên, thanh niên tích các xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, văn minh.
Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

(PNTĐ) - Những câu nói như “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “con gái học nhiều để làm gì”… đã trở thành quan niệm định kiến, tạo nên rào cản vô hình đối với nhiều phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã dũng cảm đứng lên khẳng định quyền làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi những định kiến xã hội vốn gò bó vai trò của họ trong suốt nhiều thế hệ.
Hơn 1.000 người sẽ tham dự lớp học “yêu thương và tự chữa lành” miễn phí

Hơn 1.000 người sẽ tham dự lớp học “yêu thương và tự chữa lành” miễn phí

(PNTĐ) - Diễn giả Tuệ An dự định sẽ tổ chức một khoá học “yêu thương và tự chữa lành” miễn phí cho cộng đồng vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tới đây. Đây là khoá học thường niên nhằm lan toả những phong cách sống hạnh phúc tự thân, lãnh đạo cuộc đời cho mỗi người.
Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn

Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn

(PNTĐ) - Nhiều cặp vợ chồng khi đến với nhau thì vui vẻ “góp của” cho hôn nhân. Nhưng, khi mâu thuẫn tới mức ly hôn, họ bắt đầu gặp rắc rối trong việc phân chia tài sản. Người yêu cầu nhận lại phần tài sản đã góp, người lại cho rằng, đó đã trở thành tài sản của chung. Những mệt mỏi khi ly hôn vì thế càng nhiều thêm.