“Vợ chồng mọn” tuổi xế chiều

Chia sẻ

PNTĐ-Đôi khi sự bận bịu, bìu ríu của những của vợ chồng tuổi xế chiều lại giống như ngọn lửa nhỏ giữ ấm tình cảm phu thê ở chặng cuối đường đời, thay vì là gánh nặng nhọc nhằn…

 
“Vợ chồng mọn” tuổi xế chiều - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
1 Bà dì của tôi năm nay 65 tuổi còn chồng 72 tuổi. Mấy năm trước hai ông bà về hưu sống lại cảnh vợ chồng son. Con cái trưởng thành lấy chồng, lấy vợ ra ngoài sống riêng nên họ có thời gian cùng nhau du lịch khắp nơi.
 
Không lâu sau, ông mắc bệnh chân tay run rẩy, lúc nhớ lúc quên. Con cái bận chẳng có thời gian chăm sóc ông. Chúng thống nhất đóng góp tiền thuê người giúp việc chăm sóc bố, đỡ đần cho mẹ. Bà nhận sự hỗ trợ của con cháu về kinh tế nhưng từ chối thuê giúp việc, bảo giờ mình vẫn còn sức khỏe sẽ tự tay chăm ông, khi nào già yếu hẳn mới cậy nhờ người khác. Vậy là từ đó, bà sống cảnh “chồng mọn” bìu ríu suốt ngày chẳng khác gì cảnh con mọn trước đây.
 
Mỗi lần ghé thăm, tôi thấy bà luôn tay luôn chân, đôi lúc “thấy” tiếng mà chẳng thấy người bởi đang bận giúp ông việc này việc nọ. Bà bảo bây giờ làm cái gì cũng phải sắp xếp không là cơm chẳng kịp ăn, nước không kịp uống.
 
Riêng cái khoản lo ăn uống cho ông ngày không biết bao nhiêu lần dọn ra dọn vào. Bởi ông lúc nhớ lúc quên, ăn rồi bảo chưa ăn cứ bắt bà dọn cơm cho kỳ được rồi lại bảo no rồi không ăn. Sáng sáng, bà trở dậy lên sân thượng làm vài động tác thể dục rồi xuống giúp ông vệ sinh. Hôm nào bệnh cải thiện một chút ông còn tự đánh răng, vệ sinh cá nhân, còn không thì bà phải làm hộ. Lo ăn sáng cho ông xong, bà tranh thủ ra chợ rồi về giúp ông tập thể dục, lấy thuốc cho ông uống. Hôm nào ông mệt nhiều, bà gọi taxi rồi hai ông bà dắt díu nhau vào viện. Nặng thì con cháu vào đỡ đần, nhẹ chữa ngoại trú và mọi việc lại chỉ có một mình bà lo liệu.
 
Mệt mỏi nhưng bà chẳng hề kêu ca, ngược lại còn có ý thức chăm lo sức khỏe của bản thân hơn. Bà bảo phải lo sức khỏe tốt để còn chăm ông chứ nếu để người khác làm ông sẽ khổ. Mấy chục năm sống cùng nhau chẳng ai hiểu ông bằng bà, từ thói quen ăn mặn ăn nhạt, ngủ nằm thế nào cho thoải mái, quần áo mặc kiểu gì cho dễ chịu, dị ứng với loại thức ăn nào… bà bận bịu bên ông bất kể ngày đêm, hội nọ, hội kia có mời bà tham gia hoạt động gì cũng phải từ chối. Nếu có bắt buộc phải tham gia, bà đến chốc lát rồi về với ông.
 
2 Ba năm nay, ông trở thành “người quen” của các bác sĩ ở bệnh viện không phải là tư cách bệnh nhân mà là… người nhà của bệnh nhân. Vợ ông (70 tuổi) bị bệnh thoái hóa xương khớp, đau dạ dày mãn tính. Cứ mỗi lần trở trời, bà lại nhập viện dăm bữa, nửa tháng. Người cận kề chăm sóc bà ngày đêm luôn là ông. Thời gian đầu, tôi cứ ngỡ ông bà không có con cháu nhưng hóa ra không phải vậy. Con cháu đầy đàn, sống gần sống xa đều có, chúng cũng thuê giúp việc cho ông bà. Nhưng giúp việc chỉ làm việc nhà còn việc chăm bà, ông một mình quán xuyến.
 
Ông bảo những năm tháng trẻ khỏe, gia đình, con cái đều do một mình bà quán xuyến. Ông phục vụ quân đội, công tác xa nhà, vợ sinh con ba lần thì chẳng lần nào có chồng bên cạnh. Bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ ốm đau cũng một tay bà lo liệu. Bao năm làm chồng, ông chỉ đỡ đần vợ bằng khoản lương vừa phải gửi về hàng tháng. Đến lúc về hưu, vợ chồng được gần bên nhau thì bà lại tất tả hết sang nhà con trai lại đến nhà con gái để trông cháu. Mấy năm nay, cháu chắt lớn, bà mới thảnh thơi ở bên ông thì sức khỏe xuống dốc, bệnh già sầm sập kéo đến hành hạ. Bà chẳng chăm sóc cho ông, ngược lại còn trở tính cáu gắt, la rầy chồng cả ngày đêm. Ông cần mẫn lo toan, nhẫn nhại trước sự cáu kỉnh của bà.
 
Cứ thế, ông ăn trái bữa, ngủ, thức theo giấc của bà với sự tận tụy, yêu thương. Ở viện, mỗi lần đưa bà đến phòng lấy máu xét nghiệm, chụp chiếu… ông nắm chặt tay bà dìu, dắt từng bước. Chiều chiều, họ nắm tay nhau dạo trong khuôn viên bệnh viện. Mỗi lúc bà mệt muốn nghỉ, ông ngồi xuống buộc lại tóc cho vợ, vuốt ve đôi bàn tay nhăn nheo, đầy gân xanh nổi lên của bà, thủ thỉ nói chuyện thiên hạ cho vợ nghe. Bao năm nay, ông từ bỏ mọi thú vui tuổi già, chẳng đi được đâu xa, đi đâu gần cũng vội vã về vì phải chăm… “vợ mọn”.

3 Với ai đó, việc bệnh tật là gánh nặng nhọc nhằn. Nhưng với dì tôi, ông và một số vợ/chồng già khác, gánh nặng nhọc nhằn đó hóa… “nhẹ nhàng”. Bởi họ làm điều đó với tất cả tình yêu, nghĩa vợ chồng và cả sự bù đắp cho người bạn đời của mình. Sự bìu ríu, bận rộn của “vợ, chồng mọn” tuổi xế chiều ấy giống như ngọn lửa nhỏ, giữ ấm tình nghĩa phu thê trong những năm tháng cuối đời. Để rồi khi một người ra đi, ngọn lửa đó sẽ giữ ấm cho người ở lại, xóa đi nỗi cô đơn cho đến khi họ lại được trùng phùng với nhau ở kiếp khác.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.