Chuyển đổi số trong sứ mệnh xiển dương Phật giáo
(PNTĐ) -Trong sự phát triển vũ bão của cách mạng khoa học và công nghệ như hiện nay, Phật giáo đã bước đầu tham gia vào việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào các hoạt động của mình. Hai trong số những sự ứng dụng đó thuộc về công tác chuyển đổi số và công tác truyền thông xã hội mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã bước đầu triển khai trong những năm qua.
Truyền thông xã hội đã thể hiện ưu thế của mình trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai. Tin tức về công tác thiện nguyện, lời khuyên chăm sóc sức khỏe, pháp thoại của chư Tôn đức đã được xã hội hưởng ứng nhiệt tình. Tiếng nói của dư luận xã hội Phật giáo đã kịp thời đến được các cấp hữu quan, góp phần vào sự thành công của chương trình “ATM oxy”, “ATM gạo”, phân phát hàng cứu trợ… Mặt khác, chính nhờ truyền thông mà GHPGVN có thể xây dựng dòng chảy dư luận một cách tích cực, ứng phó hữu hiệu với một số trường hợp cá biệt như báo, đài đã đưa tin. Rõ ràng, thông qua truyền thông xã hội, đặc biệt là qua tương tác trên Facebook và Youtube, triết lý “chỉ ác, tác thiện” đã thâm nhập vào quảng đại xã hội, nhất là giới trẻ.

Theo Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, hiện nay, chiến lược truyền thông xã hội vẫn còn cần nghiên cứu tiếp tục và đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa. Các kênh truyền thông xã hội cần đầu tư nhiều hơn vào giao diện để thật sự bắt mắt. Với đặc thù đa số người sử dụng Internet là giới trẻ, cần triển khai các nội dung đi sâu vào đời sống, tình cảm của giới trẻ để thu hút lực lượng này gắn bó với Phật giáo. Tiếp đó, cần đa dạng hóa tin tức: có hàng trăm trang tin có nội dung về Phật giáo, nhưng nhiều kênh đều lấy lại bài của nhau. Chỉ có một số ít trang online tự sản xuất bài hoặc tác nghiệp bài bản. Do đó, xét về tổng quan, nội dung cho độc giả đọc là còn hạn chế, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Khắc phục điểm yếu này sẽ giúp tăng vượt bậc số lượng người đọc và chia sẻ tin tức Phật giáo. Đồng thời, cần đào tạo nhân sự truyền thông bài bản và xem đây là nhân tố cốt lõi quyết định sự thành công của truyền thông xã hội Phật giáo.
Bên cạnh truyền thông mạng, công tác chuyển đổi số cũng chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong thời gian qua. Với Phật giáo Việt Nam, việc tự thành lập Văn phòng hành chính điện tử GHPGVN và triển khai các dự án số hóa lưu trữ tài liệu, phổ biến Tam tạng Kinh điển trên mạng là những dấu ấn tiêu biểu trong công tác tin học hóa, chuyển đổi số của Giáo hội. Văn phòng hành chính điện tử được xây dựng nhằm phục vụ các tiện ích về giải pháp họp trực tuyến với các tỉnh thành và kết nối với Trung tâm điều hành điện tử tại Văn phòng TWGH (Hà Nội), giải pháp họp không giấy, nhận dạng giọng nói, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, số hóa văn bản hành chính, kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Văn phòng Ban Trị sự (BTS) các tỉnh, thành và kế hoạch triển khai lắp đặt phòng họp trực tuyến tại Văn phòng BTS Phật giáo của một số tỉnh, thành.

Sự hình thành văn phòng hành chính điện tử vừa nằm trong việc phát triển chung của Chính phủ điện tử, để ứng dụng những thành tựu của Khoa học hiện đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến vào trong công việc quản trị hành chính và đời sống hằng ngày, vừa thúc đẩy các hoạt động Phật sự của Giáo hội được phổ biến một cách nhanh nhất đến BTS Phật giáo các tỉnh, thành. "Bước đầu tiên của chuyển đổi số là tin học hóa, chúng ta đang thực hiện tốt và dần hoàn thành bước đầu này khi lượng lớn các văn bản, Tam tạng Kinh điển đã được lưu trữ trên mạng". Bước tiếp đến là thiết kế những quy trình, mô hình tổ chức số, phương và thức mới. Một số khâu đột phá đã được thực hiện, như họp trực tuyến, chương trình Học Phật online, thuyết pháp qua mạng xã hội.
Chuyển đổi số giúp tổ chức các hoạt động của Giáo hội một cách khoa học hơn trên nền tảng công nghệ, đồng thời bắt kịp nhịp vận động của xã hội. Thời gian tới, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN kiến nghị nhằm hoàn thiện trụ cột cho chuyển đổi số Phật giáo. Đó là xây dựng một kho lưu trữ Tam tạng Kinh điển hoàn bị giúp cho toàn thể Tăng, Ni, Phật tử và người dân có thể tiếp cận kho tàng Pháp bảo của Phật giáo thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Các ứng dụng đọc Kinh Phật trên AppStore (hệ điều hành IOS) và CHPlay (hệ điều hành Android) hiện nay tương đối phong phú nhưng không đầy đủ về số lượng bản Kinh, Luật, Luận, giao diện, chưa thân thiện, độ ổn định chưa cao và chưa mang tính chính thống cao nhất vì chủ thể phát hành ứng dụng chưa phải là GHPGVN. Điều này gây khó khăn cho người tụng, đọc, nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Đặc biệt, giới trẻ có xu hướng thích thao tác trên các app hơn là website.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống lưu trữ văn bản hành chánh điện tử của Giáo hội từ Trung ương đến Giáo hội cấp địa phương và liên kết có sự thống nhất nhằm thuận tiện tra cứu, trao đổi dữ liệu thông tin hướng đến thay cho việc phát hành văn bản giấy, chuyển đổi giấy chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới truyền thống thành thẻ từ thông minh để thuận tiện quản lý và kiểm tra để hạn chế việc giả danh tu sĩ và những tác hại tiêu cực khác, đồng thời đáp ứng và theo kịp sự phát triển của thời đại kỷ nguyên số.