Đô thị Thời đại – Sun Urban City sẽ tạo động lực phát triển cho Hà Nam
(PNTĐ) - Hàng loạt dự án quy mô “đổ bộ” vào Hà Nam gần đây đã đưa tỉnh cửa ngõ phía Nam Hà Nội trở thành địa phương có tốc độ thu hút đầu tư hàng đầu cả nước. Đáng chú ý, những dự án động lực như Đô thị Thời đại – Sun Urban City quy mô 420 ha do Tập đoàn Sun Group đầu tư vừa khởi công tuần qua được kì vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Không để Hà Nam lãng phí tiềm năng
Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, chỉ cách Hà Nội 45 phút lái xe và kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận, từ lâu Hà Nam đã là điểm sáng về thu hút đầu tư. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đã thu hút 29 dự án đầu tư mới, trong đó có 10 dự án vốn FDI và 19 dự án vốn đầu tư trong nước. Điều này đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, với vị trí thứ 4 cả nước và đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng.
Đáng chú ý, ngoài lĩnh vực công nghiệp, Hà Nam đang thu hút các “ông lớn” đầu tư phát triển đô thị, du lịch – dịch vụ - thương mại, để nâng tầm điểm đến sở hữu tới 2.000 di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Bởi, nói như PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có ca ngợi những lợi thế kiểu gì thì đó cũng chỉ là tiềm năng, muốn lợi thế trở thành năng lực cạnh tranh thật thì một trong những yếu tố quyết định là doanh nghiệp. “Muốn như vậy phải mời các doanh nghiệp đúng tầm đến. Hà Nam lâu nay cũng được gọi là lừng lẫy về thu hút đầu tư, nhưng là đầu tư chất lượng thấp, đầu tư đẳng cấp chưa cao nên chưa xoay chuyển được tình thế”, ông Thiên nói.
Là bởi suốt thời gian dài trước đây, ngoài khu du lịch Tam Chúc thì đa phần các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hà Nam vẫn chưa xuất hiện trên bản đồ du ngoạn của khách. Tỉnh cửa ngõ phía Nam Hà Nội vẫn chưa có những khu đô thị hiện đại. Nhận xét về điểm yếu của du lịch địa phương, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam thừa nhận, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng còn khá khiêm tốn, kết nối giao thông cũng chưa đồng bộ… Những hạn chế này khiến du lịch Hà Nam chưa thể thu hút được đông đảo du khách nước ngoài mà chủ yếu là khách trong nước. Vì vậy, Hà Nam quyết tâm hút “đại bàng” kiến tạo những dự án trọng điểm cho tỉnh.
“Với việc triển khai đồng loạt nhiều dự án mới về hạ tầng, giao thông, các dự án đô thị quy mô lớn kết hợp khu vui chơi, giải trí, công viên chuyên đề, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn như Sun Group, du lịch Hà Nam chắc chắn sẽ có nhiều bước tiến đột phá, thu hút đông du khách trong nước và quốc tế”, ông Huy tin tưởng.
Sức hút của những dự án động lực
Ngày 8/8 vừa qua, tỉnh Hà Nam đã khởi công dự án Đô thị Thời đại – Sun Urban City tại Bắc Châu Giang - khu vực đã được quy hoạch trung tâm hành chính mới của tỉnh trong tương lai. Dự án do Sun Group đầu tư với quy mô lên đến 420ha, với định hướng phát triển là thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô 1.001 tiện ích phía Nam Hà Nội, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng.
Theo ông Trương Quốc Huy, dự án sẽ đem lại diện mạo mới cho TP Phủ Lý với đa mục tiêu: Phát triển khu đô thị sinh thái, thân thiện môi trường; Xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, đem lại cuộc sống đa tiện ích cho người dân; Thay đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Nam, chuyển từ nông nghiệp sang kinh tế dịch vụ, thương mại, từ đó nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
“Những người dân trong diện thu hồi đất của dự án đô thị này sẽ được bố trí chuyển đổi việc làm sang dịch vụ du lịch, thương mại tại chính khu vực dự án, họ sẽ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn. Đứng ở góc độ quản lý đô thị, dự án này có mật độ xây dựng rất thấp – khoảng 18%, nhưng lại đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Từ nguồn ngân sách này, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện và các tiện ích xã hội khác để mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân địa phương”, ông Huy nói.
Chủ tịch tỉnh Hà Nam cũng kỳ vọng khu đô thị này, với sự tích hợp nhiều công viên lớn như công viên Sun World, công viên thể thao, công viên lễ hội, công viên văn hóa và công viên sinh thái sẽ mang đến cho Hà Nam một đô thị mang tầm thời đại, hài hòa giữa các yếu tố hiện đại với thiên nhiên. Khi hoàn thiện, Sun Urban City Hà Nam chắn chắn sẽ trở thành một thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô lý tưởng dành cho du khách Hà Nội và khu vực Đồng bằng sông Hồng vào mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần.
Nhìn lại những hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp BĐS đẳng cấp của Tập đoàn Sun Group đầu tư trên cả nước thì đó đều là dự án động lực, góp phần làm đẹp vùng đất, thu hút khách, đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, như Khu đô thị Quảng trường biển Sầm Sơn – Sun Grand Boulevard, Thị trấn Hoàng Hôn – Sunset Town tại Phú Quốc… Tại Sầm Sơn, với sự xuất hiện của Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội và công viên nước quy mô hoành tráng, lượng khách 6 tháng đầu năm nay đã đạt 6 triệu lượt, chiếm 65% lượng khách toàn tỉnh. Còn tại Quảng Ninh, năm 2016 khi Sun World Ha Long khánh thành, vùng đất mỏ mới đón 8,3 triệu du khách; đến năm 2019, con số này tăng gần gấp đôi, đạt 14 triệu lượt.
Tin tưởng rằng, với lợi thế sẵn có về du lịch và sự thăng hạng về hạ tầng giao thông, các đại dự án và chuỗi sự kiện đẳng cấp do Sun Group triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần gia tăng sức hút cho điểm đến Hà Nam, phấn đấu đạt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách vào năm 2030, đặc biệt là hướng đến mục tiêu xa hơn là đưa Hà Nam thành TP trực thuộc TƯ vào năm 2050 như quy hoạch đã được duyệt.