Đổi mới sáng tạo "mở "và những thách thức cho doanh nghiệp Việt
(PNTĐ) -Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là thuật ngữ và cũng là xu hướng phổ biến trong hơn thập niên vừa qua. Nhưng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi mọi nền tảng mở ra thì đổi mới sáng tạo “mở” lại trở thành tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia.
Báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi trò chuyện với bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUp (nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo đầu tiên ở Việt Nam) để hiểu hơn về bức tranh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở nước hiện nay.
- Với tâm thế là người sáng lập nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo đầu tiên ở Việt Nam, bà có đánh giá và nhìn nhận như thế nào về HST khởi nghiệp, ĐMST của nước ta hiện nay?
CEO Nguyễn Hương Quỳnh: Trong thời gian qua, HST khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam đã chuyển mình, lớn mạnh hơn, đang ở giai đoạn “vàng”, có nhiều thay đổi về mặt “chất” cũng như mở rộng ra nhiều lĩnh vực, và đang ở bước rất ban đầu trong HST khởi nghiệp, ĐMST “mở”. Theo đánh giá chung, HST khởi nghiệp của Việt Nam năm 2021 là 1 trong 3 HST năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả đạt được sau nhiều nỗ lực trong hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, dù khởi nghiệp phát triển mạnh nhưng mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, còn không ít khoảng trống cơ hội ở các lĩnh vực mà Việt nam gần như chưa có, chẳng hạn: chăm sóc người già, nghiên cứu sinh học… Vì thế, thời điểm này đòi hỏi hành trình khởi nghiệp, ĐMST cần có sự bứt phá, thay đổi tốt hơn về “chất” của HST.
Một vấn đề đáng quan tâm của hoạt động khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam hiện nay là thành công của các startup đang dưới 10%. Qua tìm hiểu, hơn 60% startup cho biết khó khăn, vướng mắc chính ở khâu đầu ra, thị trường, tìm kiếm khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

- Bà vừa nhắc tới thuật ngữ khởi nghiệp, ĐMST “mở”. Đây có phải là xu hướng mới trong khởi nghiệp? Và ĐMST “mở” có gì khác so với ĐMST chúng ta đã, đang làm?
CEO Nguyễn Hương Quỳnh: Ở Việt Nam, ĐMST “mở” là một xu hướng mới. Theo báo cáo thì chúng ta đang ở bước rất ban đầu trong hệ sinh thái ĐMST “mở”. Trong đó, ĐMST “mở” gồm 3 loại: “mở” trong cơ quan quản lý Nhà nước, “mở” của xã hội, “mở” trong các tập đoàn, doanh nghiệp. Và muốn tập đoàn, doanh nghiệp họ mở thì cơ quan quản lý Nhà nước phải làm gương, sẵn sàng “mở” trước, chủ động đặt “đầu bài”, trao cơ hội hợp tác cho các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ và thậm chí là người dân cũng có thể đóng góp ý kiến để giải quyết những đầu bài cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy mới khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp cởi mở hơn, đầu tư và tạo cơ hội hơn cho các startup.
So với khái niệm ĐMST thì ĐMST “mở” được hiểu theo nghĩa rộng hơn và được khẳng định là một xu hướng, là nguồn đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong tương lai, thay vì chỉ gói gọn trong một doanh nghiệp, đơn vị. ĐMST nếu chỉ diễn ra trong nội bộ một doanh nghiệp thì không thể đem lại quá nhiều ý tưởng hoặc có những hạn chế nhất định. Nhưng khi ĐMST “mở”, doanh nghiệp sẽ phải liên kết và kết nối với rất nhiều các doanh nghiệp khác, cùng tập trung các nguồn lực lại với nhau, ý tưởng ĐMST cũng trở nên là vô hạn và năng lực triển khai các ý tưởng đó sẽ mạnh mẽ hơn.
Tôi đã gặp gỡ, làm việc với nhiều startup trong cộng đồng khởi nghiệp, thực sự họ có quá nhiều ý tưởng hay, trong khi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cần những ý tưởng đó lại không biết tìm kiếm hay gặp ai. Như vậy rõ ràng là trên thị trường thiếu cầu nối kết nối giữa bên cung - cầu các sản phẩm, giải pháp ĐMST. Sự khác biệt giữa một tập đoàn, doanh nghiệp với một startup là rất khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, sẽ cần những chuyên gia trong các lĩnh vực vào cuộc để hỗ trợ kết nối.
- Là một xu hướng có thể nói rằng tất yếu, vậy Việt Nam và các doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở vị trí nào trong HST khởi nghiệp ĐMST “mở”? Những rào cản đặt ra đối với các doanh nghiệp là gì, thưa bà?
CEO Nguyễn Hương Quỳnh: Hiện nay chúng ta chưa có một thống kê hay chỉ số nào đánh giá về HST khởi nghiệp, ĐMST “mở”. BambuUp đã làm một khảo sát đánh giá liên quan mức độ sẵn sàng cho HST khởi nghiệp, ĐMST “mở” ở Việt Nam và thấy rằng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và còn rất nhiều việc cần làm tiếp theo. Nói tới mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã nắm được một số khái niệm ban đầu về ĐMST “mở”. Đó là điều rất mừng bởi chỉ một năm trước đây, chẳng ai biết ĐMST mở là gì.

Tuy nhiên còn không ít doanh nghiệp chưa có khái niệm gì về vấn đề này. Đặc biệt từ khái niệm đến triển khai không hề dễ, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có kỹ năng ĐMST để đưa ra đề bài hay làm việc với các công ty khởi nghiệp, các đối tác bên ngoài. Vì thế, trong thời gian 1 - 2 năm tới, công tác cung cấp kiến thức và kỹ năng về ĐMST, tạo môi trường để hỗ trợ và thúc đẩy cho ĐMST “mở” nên được coi là một trong những công tác quan trọng nhất, áp dụng không chỉ cho tập đoàn doanh nghiệp mà từ các cơ quan quản lý nhà nước đi xuống. Các tập đoàn, doanh nghiệp và thậm chí là kể cả các công ty khởi nghiệp hay công ty công nghệ thì tất cả đều nên sẽ cần phải được cập nhật, đào tạo về những kiến thức và kỹ năng đó.
Thời điểm này, các doanh nghiệp đều có nhu cầu phải ĐMST để sống trong điều kiện gọi là bình thường mới. Tuy nhiên, họ đang thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để triển khai. Đó có lẽ là khó khăn và thách thức lớn với các doanh nghiệp. Vì vậy, những chương trình đào tạo cho doanh nghiệp, cung cấp kiến thức và kỹ năng rất quan trọng. Tiếp theo là vẫn còn thiếu những công cụ, nguồn thông tin. BambuUP là nền tảng kết nối sáng tạo đầu tiên của Việt Nam, nhưng có lẽ một mình chúng tôi thì chưa đủ, cần rất nhiều người cùng chung tay vào để đẩy sự kết nối lên hơn nữa thì các doanh nghiệp mới có thêm nguồn thông tin được cập nhật một cách liên tục, được tư vấn để có thể triển khai tốt hơn những ĐMST trong doanh nghiệp của mình.
- Bà có thể thông tin thêm về hành lang pháp lý cũng như những chính sách, đề án của Nhà nước đối với khởi nghiệp, ĐMST, nhất là ĐMST “mở” hiện nay như thế nào?
CEO Nguyễn Hương Quỳnh: Trong thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra khá nhiều chính sách để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam. Đề án 844 là một minh chứng điển hình cho việc tập trung thúc đẩy cái HST khởi nghiệp ĐMST. Tính đến thời điểm này, Đề án 844 đã đưa ra được nhiều tác động tích cực. Từ việc chúng ta không có HST khởi nghiệp, chỉ trong thời gian vài năm, HST khởi nghiệp ĐMST của chúng ta đã định hình, nhận được sự chú ý và ủng hộ của tất cả các chủ thể trong nền kinh tế.
Sau khi khuấy động và tạo ra nhận thức, thì bây giờ có lẽ đã đến bước chúng ta phải khẳng định về “chất” nhiều hơn; đồng thời nhìn lại các chính sách, làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho HST khởi nghiệp ĐMST, từng bước chuyển nó thành HST khởi nghiệp, ĐMST “mở”, chuyển hướng tất cả chính sách hỗ trợ bắt đầu đi theo một định hướng mới và đảm bảo yếu tố phát triển bền vững. Như vậy mới có sự thay đổi về chất và thực sự là lúc đấy HST của chúng ta mới cất cánh hơn.
Chắc chắn cần nhiều thời gian thực hiện và điều chỉnh. Bản thân các nước khác họ đang làm, chúng ta là người đi sau cũng có những lợi thế, hoàn toàn có thể tham khảo những mô hình trên thế giới nhưng tất nhiên cần có quá trình thử nghiệm và sửa liên tục. Bởi không có mô hình nào là công thức tròn trịa và đã chính xác ngay. Tất cả những mô hình đều cần phải được chạy thử nghiệm thực tế và trong quá trình thử nghiệm thì chúng ta phải kiên nhẫn, cởi mở để cùng nhau nhận định và điều chỉnh, dần dần Việt Nam cũng sẽ có một mô hình định hướng đúng cho mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà và chúc BambuUp cùng HST khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam ngày càng phát triển.