Hà Nội đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua hoạt động triển lãm
(PNTĐ) - Thông qua triển lãm cũng là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất và thân thiện với môi trường.
Mới đây nhất, triển lãm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2024 do Sở Công thương Hà Nội chỉ đạo, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thạch Thất và các đơn vị tổ chức từ 14-17/11/2024 là một hoạt động tiêu biểu.
Triển lãm có quy mô khoảng 100 gian hàng, trưng bày, giới thiệu 600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn và đưa ra thị trường hơn 300 mẫu sản phẩm theo thiết kế mới hoặc sản phẩm phát triển từ các thiết kế mới được công nhận và trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm là một trong những hoạt động của ngành Công Thương Thủ đô hỗ trợ các làng nghề, nghệ nhân, chuyên gia, nhà thiết kế trẻ trên địa bàn huyện Thạch Thất nói riêng và trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung nhằm giới thiệu các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Triển lãm là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, phục vụ phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình OCOP Hà Nội nói riêng; tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa các nhà thiết kế với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ.
Tham gia triển lãm lần này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn... sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có dịp tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất của nghệ nhân, thợ giỏi, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà thiết kế trẻ và cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm xuất khẩu.
Từ đó đưa các thiết kế này vào sản xuất sản phẩm và đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa, từng bước mở rộng thị trường hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và quốc tế.