Nam giới và trẻ em trai ngày càng tích cực tham gia thúc đẩy bình đẳng giới

PHẠM MAI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, khoảng 6.100 hoạt động truyền thông đã được tổ chức, thu hút gần 1 triệu lượt người tham gia, với khoảng 30% là nam giới. Công tác truyền thông của sự kiện này đã góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Ngày 8/5, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Cơ quan của Liên hợp quốc về trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá công tác truyền thông năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Nam giới và trẻ em trai ngày càng tích cực tham gia thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 1
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH Lê Khánh Lương phát biểu khai mạc chương trình.

Đồng chủ trì Hội thảo là Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH Lê Khánh Lương và Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Caroline Nyamayamombe. T

ham dự hội thảo có đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Quỹ vì Tầm vóc Việt…

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH Lê Khánh Lương cho biết, những năm qua, công tác truyền thông luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức. 

Năm 2023 đã ghi nhận những thành quả hết sức nổi bật về truyền thông trong Tháng hành động. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch và tổ chức sự kiện này với nhiều hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hoạt động truyền thông trong Tháng hành động đã đạt được những con số khá ấn tượng. Cụ thể như, 6.145 hoạt động truyền thông đã được tổ chức, với gần 1 triệu lượt người tham gia (trong đó nam giới chiếm khoảng 30%). Gần 480 nghìn sản phẩm truyền thông được phát hành; gần 3.800 cuộc hội nghị, hội thảo truyền thông, nói chuyện chuyên đề được tổ chức, gần 60 nghìn hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với hơn 36 nghìn tin, bài về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được đăng tải, tiếp cận tới 1,3 triệu lượt người.

Nam giới và trẻ em trai ngày càng tích cực tham gia thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 2
Đồng chủ trì Hội thảo là Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH Lê Khánh Lương và Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Caroline Nyamayamombe.

Năm 2023 cũng đánh dấu sự tham gia tích cực, rộng rãi của khối các doanh nghiệp trên cả nước, tiêu biểu như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn TH, hệ thống các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bắc Á… Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp một doanh nghiệp là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật của Cơ quan của Liên hợp quốc về trao quyền cho phụ nữ tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Với những thành quả của công tác truyền thông nói riêng và những nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, cùng với các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới, kết quả công tác bình đẳng giới trong hầu hết các lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH Ngô Diệu Linh khái quát: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về Bình đẳng giới. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới rất quan trọng, thiết thực và cấp thiết. Từ ngày 10/11- 15/12/2023, tổng cộng đã có hơn 16.000 sáng kiến được thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố với sự phối hợp của các đối tác bao gồm các cơ quan Liên hợp quốc, chính phủ, các bộ, ngành, đại sứ quán, tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

“Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 đã tạo được hiệu ứng truyền thông rất mạnh mẽ, truyền tải quy mô lớn các thông điệp về bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới”- Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới đánh giá.

Nam giới và trẻ em trai ngày càng tích cực tham gia thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 3
Toàn cảnh hội thảo

Tại hội nghị, bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đặc biệt đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc thúc đẩy thành công công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần tổ chức nhiều sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Nhấn mạnh Tháng Hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là nền tảng quan trọng để đẩy nhanh tiến độ đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững về bình đẳng giới vào năm 2030, bà Caroline Nyamayemombe khẳng định: UN Women, cùng với các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác, cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định một chiến dịch có sức lan tỏa cao với các kết quả đo lường được cho năm 2024.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận xung quanh tham luận của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Quỹ Vì tầm vóc Việt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, TP Hồ Chí Minh, đề xuất các hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024…

Các ý kiến đều khẳng định: Với những thành quả của công tác truyền thông nói riêng và những nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, kết quả công tác bình đẳng giới những năm qua đều có những chuyển biến tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. 

Dù vậy, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn cần phải quan tâm hơn nữa. Các định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra khá phổ biến trong xã hội;  tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao và có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn chưa tương xứng với vị thế, vai trò và tiềm năng của phụ nữ; công việc nội trợ và chăm sóc gia đình vẫn do phụ nữ đảm nhiệm là chính…

Để giảm thiểu tình trạng này, cần có sự tham gia, sự chung tay, vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong cả nước.

Kết thúc hội thảo đã đưa ra dự kiến chủ đề 16 ngày hành động cho năm 2024: Đầu tư cho phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.

Phó Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hiệp Trí đề xuất xây dựng kênh truyền thông hướng đến mục tiêu đa dạng đối tượng như các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, Instagram…

Đề xuất này đã được đông đảo đại biểu đồng ý cùng với đề xuất phủ cam các bảng chỉ dẫn giao thông của Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội, Uỷ viên Thường trực Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi ” Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội“

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi ” Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội“

(PNTĐ) - Hưởng ứng Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 được Hội LHPN Hà Nội phát động từ tháng 1 đến hết tháng 3/2024, Hội LHPN huyện Thanh Trì đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội và phát động cuộc thi tới 100% Hội cơ sở.