Nỗi lo khi lương cơ sở tăng

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở tăng thêm 20,8%, từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Cùng với niềm vui được tăng lương, nhiều người lại lo ngại điệp khúc “lương tăng thì giá cả cũng tăng theo”.

Nỗi lo khi lương cơ sở tăng - ảnh 1
Các tiểu thương bán buôn vịt tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín.

Là giáo viên có thâm niên hơn 10 năm trên bục giảng, chị Đỗ Hà Thủy ở quận Cầu Giấy có mức lương bậc 3, với mức tăng lương cơ sở từ 1/7 tới, chị sẽ được tăng thêm 930.000 đồng/tháng (từ 4.470.000 lên 5.400.000 đồng/tháng). Mức tăng này sẽ hỗ trợ phần nào chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Tuy nhiên, lương chưa tăng thì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã rục rịch tăng theo. Mỗi ngày đi chợ, chị Thủy thấy rõ một vài mặt hàng đã có dấu hiệu tăng giá. Đơn cử các mặt hàng thực phẩm như: Thịt lợn, trứng, một số rau củ… đã tăng giá theo lương. Cụ thể, giá thịt lợn ba chỉ từ 10.000 đồng/lạng lên 12.000 đồng/lạng. “Tôi lo ngại mức tăng lương không bù được tốc độ tăng giá” - chị Thủy lo ngại.

Chia sẻ về giá bán trứng đã tăng hơn 1 tuần nay, bà Dương Thị Huệ, tiểu thương ở chợ Hà Đông cho hay: “Giá bán trứng các đại lý đổ buôn đã tăng mạnh so với thời điểm 1 tuần trước, nếu như trước đây, trứng gà ta chỉ khoảng 2.400-2.500/quả thì nay đã lên 2.800-3.000 đồng/quả. Giá tăng cũng khiến việc buôn bán của chúng tôi trở nên khó khăn hơn, sức mua vì thế sẽ giảm theo. 

Liên quan tới vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Tài chính chiều ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm, trong đó bao gồm cả việc tính toán mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, hiện có rất nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát và để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần làm tốt truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương cơ sở đã cận kề, để cả xã hội và người tiêu dùng ổn định tâm lý. Điều này được lý giải, tăng lương cơ sở nằm trong chính sách đã được dự định trước.

Về các biện pháp cụ thể, theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thời gian tới, Bộ này sẽ tập trung bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược như xăng dầu. 

Với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp từng thời kỳ. Các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai giá và bán theo giá niêm yết, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Hiện nay, cơ bản lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, vẫn còn dư địa cho điều hành từ nay đến cuối năm. Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, yêu cầu doanh nghiệp công khai giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường, tránh để tình trạng “té nước theo mưa” khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng.

Để tránh lạm phát tâm lý, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì

Hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì

(PNTĐ) -Là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, huyện Ba Vì luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố về công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em dịp Tết Trung thu

Bảo đảm an toàn cho trẻ em dịp Tết Trung thu

(PNTĐ) - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam vừa có công văn đề nghị sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu năm 2023.