Phòng chống rác thải nhựa: Nhìn từ thành công của các mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cần Thơ
(PNTĐ) - Thành phố Cần Thơ nổi tiếng với những điểm du lịch sông nước, trong đó có chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn, một hòn đảo nhỏ trên sông Hậu. Đây cũng là hai điểm triển khai các hoạt động của dự án Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ.
Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD), do Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam (Dow Việt Nam) tài trợ, với sự ủng hộ và đồng hành của người dân địa phương, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Cần Thơ, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Thành phố Cần Thơ và chính quyền địa phương hai Quận Bình Thủy và Cái Răng.
Bà Mai Hà Thanh Uyên, Giám đốc Phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, Công ty DOW, cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề nan giải, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, sông ngòi và các kênh rạch. Sông Mê Kông là một trong 10 dòng sông ô nhiễm nhất trên thế giới. Công ty DOW và các đối tác đã có ý tưởng xây dựng dự án này, với mục tiêu thiết lập một mô hình kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa trên chợ nổi cũng như các cồn du lịch dọc sông Mê Kông. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên để chứng tỏ sự quản lý hiệu quả sẽ mang lại những lợi ích, hiệu quả nhất định cho cuộc sống, cho cộng đồng và cho đất nước”.
Sau một năm kể từ ngày khởi động, Hội nghị Tổng kết và Chia sẻ Kết quả Dự án sẽ diễn ra ngày 29/5/2023 tại Thành phố Cần Thơ, nhằm tổng kết các kết quả và mô hình hoạt động của Dự án, chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và các giải pháp duy trì bền vững trong tương lai. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các ban, ngành liên quan tại Thành phố Cần Thơ và một số tỉnh lân cận, các cơ quan chính quyền địa phương Thành phố Cần Thơ, Lãnh đạo Dow Việt Nam, GreenHub, RECERD và đại diện người dân tham gia thực hiện các mô hình dự án.
Trong suốt quá trình thực hiện, dự án luôn nhận được sự hỗ trợ và phối hợp từ phía chính quyền địa phương và người dân tại hai khu vực dự án. Các mô hình thực hiện đều trải qua các bước truyền thông, lấy ý kiến người dân, thực hiện thí điểm với sự phối hợp của chính quyền địa phương và người dân, và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Các cuộc họp giữa chính quyền địa phương và dự án cũng được thực hiện thường xuyên nhằm cập nhật thông tin và tìm kiếm các giải pháp tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả tại cồn Sơn và chợ nổi Cái Răng ngay cả khi dự án kết thúc.
Dự án đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, trong đó hoạt động khảo sát được thực hiện khi bắt đầu xây dựng dự án, trong suốt quá trình thực hiện và khi chuẩn bị kết thúc dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, đánh giá kịp thời các hoạt động, mô hình, có sự điều chỉnh hiệu quả, cũng như đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Dự án đã tổ chức các khóa tập huấn cho người dân về phân loại, thu gom rác thải, các biện pháp giảm rác và xử lý rác thải hiệu quả tại hộ gia đình. Từ đó, giúp người dân thay đổi tư duy, hình thành thói quen xử lý rác thải một cách khoa học, thân thiện môi trường và hiệu quả. Người dân tại hai điểm triển khai dự án làm quen và bước đầu triển khai các mô hình Vòng tròn chuối - ủ phân từ rác hữu cơ và Làm nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây. Những biện pháp này hiệu quả, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí vận chuyển rác cũng như chi phí mua phân bón, mua nước tẩy rửa, được người dân hết lòng ủng hộ.
Người dân cồn Sơn gom rác hữu cơ vào Vòng tròn chuối để ủ phân
Ông Mai Hồng Sử, Bí thư, trưởng khu vực 1 Cồn Sơn, nhận định: “Nhờ các tập huấn về phân loại và thu gom rác thải, người dân đã có ý thức hơn. Trước đây, người dân địa phương thường xử lý rác bằng cách đốt, gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ, rác thải được thu gom mỗi tuần 2 lần đưa về nhà máy rác xử lý. Thông qua lớp tập huấn, người dân còn học cách tái chế, tái sử dụng để phục vụ gia đình và làm quà lưu niệm phục vụ du khách”.
Ngoài ra còn các mô hình thu gom nông sản cho bếp ăn từ thiện, thu gom vỏ dừa từ các hộ kinh doanh trên và ven chợ nổi làm chất đốt, hay tận thu phụ phẩm nông sản để chăn nuôi bò sữa, cũng được người dân đồng tình ủng hộ. Đến tháng 4 năm 2023, đã có hơn 30 tấn nông sản được đưa đến các bếp ăn; khoảng 13 tấn vỏ dừa được thu gom làm chất đốt, và 150 tấn phụ phẩm nông sản đã được thu gom và sử dụng hiệu quả cho chăn nuôi.
Bên cạnh đó, dự án còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hệ thống thu gom rác có giá trị tái chế thấp từ các hộ gia đình tại các điểm triển khai dự án. Tại Cồn Sơn, rác được thu gom 2 lần/tuần, cân xác định khối lượng và chuyển về điểm tập kết rác chung của phường bằng tàu vận chuyển rác được mua từ nguồn kinh phí của dự án và đối ứng của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, PCT UBND Phường Bùi Hữu Nghĩa, nhận định: “Tại Cồn Sơn và phạm vi sông thuộc phường rất khó khăn trong việc xử lý rác, phương tiện vận chuyển rác. Nhờ Dự án mà trước mắt địa phương đã xử lý được hai khó khăn đó. Việc Dự án tổ chức cho bà con nhân dân và các tình nguyện viên thu gom rác góp phần tạo hiệu ứng trong công tác tuyên truyền, thể hiện rõ trong ý thức, trách nhiệm của người dân Cồn Sơn, tiến tới tạo thành thói quen để bà con giữ gìn môi trường sạch đẹp hơn”.
Tại chợ nổi Cái Răng, rác được thu gom hàng ngày từ các ghe dân sinh. Đến nay, có khoảng 10 tấn rác thải được thu gom từ các hộ gia đình sinh sống trên chợ nổi Cái Răng, trong đó hơn 8 tấn là rác thải nhựa có giá trị tái chế thấp.
Ông Tiêu Chí Nguyện, PCT UBND Phường Lê Bình, Quận Cái Răng, chia sẻ: “Dự án và địa phương đã phối hợp với nhau rất hiệu quả. Rất mong Dự án tiếp tục trong thời gian tới để bà con duy trì được thói quen này, và địa phương cũng tiếp tục vận động bà con tiếp tục thực hiện việc này từ kinh phí xã hội hóa”.
Thông qua các hoạt động tổ chức hệ thống phân loại, thu gom và xử lý rác thải, và triển khai các mô hình xử lý rác hữu cơ hiệu quả, Dự án Vì sông Mê Kông không rác – thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ đã góp phần giảm thiểu tình trạng rác thải ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo sức khỏe cho người dân và cải thiện cảnh quan, môi trường sống của người dân.