Tiêm vắc-xin tại nhà để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao

Chia sẻ

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các quận, huyện triển khai các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, kịp thời hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Đảm bảo an toàn tiêm chủng tại nhà

Thực hiện chỉ đạo của TP, các quận, huyện đang khẩn trương triển khai các dây chuyền tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ cao và phấn đấu hoàn thành công tác này trong trung tuần tháng 1.

Với 850 trường hợp là người cao tuổi có bệnh lý nền, người hạn chế khả năng di chuyển không thể đến các điểm tiêm, quận Ba Đình là một trong những địa phương sớm tổ chức tiêm và hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lưu động tại nhà.

Quy trình tiêm vắc-xin tại nhà được thực hiện như tiêm tại điểm tiêm cộng đồng, gồm: Khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm 30 phút. Trung tâm y tế quận đã phân công lực lượng hỗ trợ tham gia tổ tiêm chủng tại nhà. Để bảo đảm phản ứng nhanh với các nguy cơ sau tiêm, Trung tâm y tế quận đã liên hệ hỗ trợ cấp cứu và đội tiêm của các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn với 5 đội cấp cứu thường trực tại các phường Ngọc Khánh, Liễu Giai, Đội Cấn, Trúc Bạch, Điện Biên.

Tại phường Liễu Giai, có 2 dây tiêm được thành lập. Bà Trần Ngọc Minh - phụ trách trạm y tế phường cho biết: một tổ tiêm chủng tại nhà của phường gồm 8-10 thành viên, bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ phường, công an, ban chỉ huy quân sự, đại diện các đoàn thể.

Trên cơ sở danh sách được rà soát, tại các gia đình, sau khi tiếp nhận thông tin cá nhân qua kê khai, tổ tiêm lưu động đã khám và tư vấn rất kỹ với trường hợp có bệnh nền như huyết áp cao, có những trường hợp theo dõi một thời gian, đảm bảo điều kiện an toàn, các bác sỹ mới tiến hành tiêm. Đại diện gia đình bà Lê Thị Thu ở tổ 4A xúc động khi người thân tuổi cao sức yếu, không đi lại được nhưng đã được các bác sỹ đến tận nhà đo mạch, kiểm tra huyết áp cẩn thận, tiêm vắc-xin và dặn dò kỹ lưỡng.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, những ngày qua, các phường trên địa bàn quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên đã thành lập các dây chuyền tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người có bệnh lý, bệnh nền tại nhà theo quy trình hướng dẫn của Sở Y tế.

Mỗi tổ tiêm chủng tại nhà của các phường có từ 5-6 thành viên, bao gồm bác sĩ, y tá, công an, đại diện các đoàn thể. Ông Trần Xuân Hà - Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn phường có đông dân cư, số người cao tuổi, sức khoẻ yếu không thể đến các điểm tiêm chủng khá nhiều. Để bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ cao, phường đã quyết tâm cố gắng triển khai việc tiêm chủng đến từng gia đình đảm bảo đúng quy trình, hướng dẫn của quận và Sở Y tế.

Quận Ba Đình triển khai tiêm tại nhà cho người cao tuổiQuận Ba Đình triển khai tiêm tại nhà cho người cao tuổi (Ảnh: Lê Duy)

Hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, hiện nay, để phòng, chống dịch Covid-19 cần tập trung 3 giải pháp chính là tăng cường tiêm vắc-xin, cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân (F0) điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.

Hiện nay, số ca F0 điều trị tại nhà là khá lớn nhưng Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, công tác quản lý F0 đang được triển khai tích cực. Sở Y tế đã có hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà; triển khai cấp phát các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ.

Hiện, các túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà gồm gói A, B, C. Bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh: Hà Nội không thiếu thuốc kháng virus Molnupiravir - thuốc điều trị Covid-19, sắp tới TP được Bộ Y tế bổ sung thêm 200.000 liều Molnupiravir. Vì vậy, các quận, huyện phải nhanh chóng phân bổ thuốc cho các F0 điều trị tại nhà, không để bệnh nhân chuyển tầng...

Ngoài ra, để thuận tiện cho việc thông báo các ca bệnh F0 của người dân cũng như để các F0 điều trị tại nhà nhanh chóng tiếp cận thông tin, sự hỗ trợ của bác sỹ, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các quận huyện tuyên truyền mạnh mẽ để người dân và F0 có thể biết các kênh hỗ trợ.

Đó là các nhóm zalo của khu dân cư, trạm y tế phường, trạm y tế lưu động, đặc biệt là tổng đài miễn phí 0241022 nhánh số 3 đang hoạt động rất hiệu quả. Tại đây, 50 tình nguyện viên là sinh viên trường y, dược, bác sĩ trực tổng đài hằng ngày, tổng hợp các trường hợp gọi đến, chuyển về các quận huyện để bác sĩ và tình nguyện viên mạng lưới tiếp tục chăm sóc. Trung bình mỗi ngày tổng đài 0241022 nhánh 3 nhận được 100 cuộc gọi từ người dân.

Tại các quận huyện trên địa bàn TP, 28 nhóm bác sĩ và tình nguyện viên hàng ngày cập nhật thông tin ca bệnh mới từ phần mềm quản lý F0 và gọi điện chăm sóc bệnh nhân theo quy trình. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành Đoàn Hà Nội, mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 cuộc gọi từ các bác sĩ và tình nguyện viên của Mạng lưới đến các bệnh nhân để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng; nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần...

Chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, phường, xã duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, tránh để xảy ra tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình, bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A - B...

Nâng cao năng lực, quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch, rà soát lại quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm điều hành thông suốt xuống tận phường, xã, thị trấn nhằm tránh tình trạng lúng túng trong việc hỗ trợ, phục vụ người dân. Từng đơn vị, địa bàn tiếp tục chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, chủ động phối hợp với các bệnh viện trung ương, bộ, ngành trên địa bàn… “Đặc biệt, các quận, huyện chỉ đạo tăng cường hỗ trợ người dân, nhất là các ca nhiễm Covid-19, không để người dân không được quan tâm kịp thời, không có thông tin. Thông tin cho người dân phải hết sức cụ thể dễ tiếp cận, tránh để người dân hoang mang” - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

ĐỨC HẠNH

Tin cùng chuyên mục

Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Nỗ lực cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

(PNTĐ) - Ngày 22 tháng 11 năm 2024 - Tổ chức Save the Children International – Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Vụ SKBMTE), Bộ Y tế và Sở Y tế hai tỉnh Sơn La, Đắk Lắk tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số”.
Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

(PNTĐ) - Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất và thuộc một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn ở một số người. Bởi, một số hóa chất trong thuốc lá có thể dẫn đến sự phát triển tế bào không kiểm soát được trong cơ thể.