Vi phạm an toàn giao thông tại bến xe: Phạt nguội bằng camera

Chia sẻ

PNTĐ-Các cơ quan chức năng của TP đang đẩy mạnh thực hiện lắp đặt camera giám sát quanh các bến xe, góp phần giải quyết triệt để vi phạm trật tự an toàn giao thông.

 
Trước hiệu quả của việc phạt nguội xe vi phạm qua hệ thống camera quan sát tại nhiều điểm nóng về giao thông trên địa bàn TP, các cơ quan chức năng của TP đang đẩy mạnh thực hiện lắp đặt camera giám sát quanh các bến xe, góp phần giải quyết triệt để vi phạm trật tự an toàn giao thông. Việc lắp đặt dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2019. 
 
Vi phạm an toàn giao thông tại bến xe: Phạt nguội bằng camera - ảnh 1
Phạt nguội xe vi phạm qua camera giám sát phát huy hiệu quả

 
Những vi phạm đã tồn tại nhiều năm
 
Ghi nhanh tại các tuyến đường Giải Phóng, Kim Đồng, Pháp Vân... – khu vực quanh bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, có nhiều xe khách chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... thường xuyên đi chậm, dừng đỗ sai quy định, kể cả đỗ ngay bên trái đường, dừng xe giữa đường hoặc đột ngột rẽ phải để bắt khách, mặc kệ dòng xe di chuyển phía sau. Một số nhà xe lợi dụng nút giao phố Kim Đồng - Giải Phóng phức tạp, đông dân đã tạo một “bến cóc” tại cuối phố Kim Đồng, hướng đi ra đường Giải Phóng để giao dịch vận chuyển. Tại bến xe Nước Ngầm, dù lực lượng công an phường, quận liên tục dùng loa phóng thanh nhắc nhở, lực lượng chức năng thường tuần tra nhưng xe khách rời bến lại đi “rùa bò”. 
 
Theo định hướng tổ chức giao thông ở khu vực bến xe Giáp Bát, xe khách từ bến Giáp Bát đi theo trục đường Giải Phóng - Kim Đồng - Tam Trinh lên đường Vành đai 3. Song, do đường Tam Trinh vẫn chưa hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng nên xe khách rời bến phải quay đầu tại nút giao Kim Đồng - Giải Phóng đi về hướng Quốc lộ 1 cũ ra Pháp Vân. Vì thế một số xe khách đã tranh thủ bắt khách tại bến xe Nước Ngầm. 
 
Tình trạng vi phạm cũng được ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình. Từ sáng đến chiều tối, dọc theo đường Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông do một số xe khách di chuyển chậm để đón khách dọc đường. Gần bến xe Mỹ Đình có nút giao với đường Vành đai 3 nên nhiều xe khách bất chấp biển cấm, dừng xe đón trả khách dọc đường, còn hành khách vì ngại vào bến dù, cách đó chỉ mấy trăm mét, sẵn sàng băng qua những làn xe đông đúc, đi bộ lên đường trên cao chờ xe. 
 
Khẩn trương “phủ sóng” camera
 
Trung tá Nguyễn Vân Thuý - Đội trưởng đội Chỉ huy giao thông và điều chuyển đèn tín hiệu giao thông, phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường thuỷ, CA TP Hà Nội cho biết: tháng 6 năm 2018, UBND TP thí điểm lắp camera giám sát tại bến xe Giáp Bát, nút giao đường Kim Đồng - Giải Phóng. Sau 3 tháng thực hiện, các cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm với 278 trường hợp dừng, đỗ trước biển cấm, trong đó có 118 xe khách; phạt gần 160 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 45 trường hợp. Tuy nhiên, sau khi dừng hoạt động thí điểm để đánh giá kết quả, khắc phục một số tồn tại về đường truyền thì 9 tháng đầu năm năm 2019, Trung tâm chỉ phát hiện 56 xe khách trong tổng 1.500 trường hợp vi phạm. Điều này cho thấy, việc lắp đặt “mắt thần” tại các bến xe là cần thiết.
 
Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết thêm, ngoài hệ thống camera thí điểm lắp đặt tại khu vực bến xe Giáp Bát, các bến xe đã tự lắp đặt hệ thống camera trong bến xe để giám sát xe ra vào bến, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự khu vực xung quanh bến. Kết hợp với đó là hệ thống camera giao thông trên các tuyến đường Phạm Hùng, Vành đai 3 trên cao, Pháp Vân, Giải Phóng… nhưng không thể kiểm soát hết được sai phạm do sự né tránh một cách tinh vi các điểm không có “mắt thần” của lái xe” dẫn đến những vi phạm vẫn tồn tại.
 
Trước thực trạng trên, UBND TP đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phê duyệt dự án và triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát đồng bộ trên địa bàn TP.
 
Theo tờ trình của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trình UBND TP phê duyệt tiêu chí kỹ thuật và phương án lắp đặt, hệ thống camera này có yêu cầu cao như phải có nhiều tính năng nhận diện, xử lý vi phạm; có khả năng kết nối thông tin với hệ thống điều khiển đèn tín hiệu; bảo đảm điều khiển, phối hợp trên tuyến chính theo làn sóng xanh; xử lý theo sự cố giao thông, cấp cứu…
 
Khi phát hiện được tình huống vi phạm giao thông, hệ thống có thể thu phóng hình ảnh phạm vi hiện trường tai nạn để lưu trữ hình ảnh phục vụ điều tra, khám nghiệm hiện trường, đồng thời thông báo phương tiện vi phạm chạy khỏi khu vực quan sát đến phạm vi quan sát liền kề và gửi thông báo tin nhắn tự động đến lực lượng chức năng để tổ chức truy bắt. Bên cạnh việc xử lý, hình ảnh vi phạm của xe khách cần được sử dụng để gửi về các bến xe để từ chối phục vụ (đình tài) hoặc cắt “lốt” (vị trí) với những nhà xe cố tình tái phạm. 
 
Hiểu Lam 

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” (loài chim mỏ dài  bay quanh mặt trời khắc trên trống đồng Đông Sơn) trở về cội nguồn đoàn tụ.
Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.