Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - TP Hà Nội với vai trò là Thủ đô - “trái tim” của cả nước đang thể hiện khát vọng lớn lao trở thành đầu tàu cùng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, mọi người dân ấm no, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để xây dựng kỷ nguyên vươn mình bền vững, Hà Nội đã có chủ trương phát triển xanh, trong đó phải giữ được môi trường xanh.

Kỳ 1: Đứng trước thách thức lớn

Môi trường có vai trò nền tảng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Khi môi trường bị suy thoái sẽ tác động tiêu cực trực tiếp đến sản xuất và đời sống của con người, làm tổn thất đến kinh tế cũng như kéo theo nhiều thiên tai, dịch bệnh, gây nên sự bất ổn xã hội. Đây là thách thức lớn cho TP Hà Nội trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.  

Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh - ảnh 1
Thủ đô Hà Nội đã mất dần những không gian xanh trong quá trình đô thị hóa.

Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng
Tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại Hà Nội, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, nâng cao chất lượng sống.

"Đó là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội, quyết định đến sự thành công. Đây chính là con đường giúp các đô thị hiện thực hóa khát vọng trở thành nơi đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nhanh và bền vững"- ông Hà Minh Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng, TP Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như: Mật độ dân cư đông đúc, quá tải hệ thống y tế và giáo dục, cùng những vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội thông tin tại diễn đàn, nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 tại TP Hà Nội đang ở mức báo động, vượt xa tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí này lan rộng khắp thành phố, đặc biệt nghiêm trọng ở các quận nội thành do mật độ dân số cao và hoạt động giao thông sôi động. Bên cạnh đó, các chất ô nhiễm khác như NO2 và O3 cũng được ghi nhận ở một số khu vực.

Ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở TN&MT cho biết: TP Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, một phần lớn do hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Theo ông Nam, với 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, và hơn 8 triệu phương tiện cơ giới, thành phố đang phải đối mặt với lượng khí thải khổng lồ.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ TN&MT, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại TP Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Hệ thống ao, hồ, cây xanh của TP Hà Nội cũng đang có chiều hướng giảm dần trong “cơn lốc” đô thị hóa trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ...

Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540m2.

Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận trung tâm của nội thành Hà Nội. Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án…
Phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo môi trường sống 
Bài học phát triển nhanh nhưng không đi đôi với việc giữ môi trường xanh đã diễn ra tại các nước phát triển cho thấy những hậu quả nặng nề sau đó, buộc các nước phải nhanh chóng có những giải pháp để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường. Tại Nhật Bản trong thập niên 60 của thế kỷ XX, tốc độ phát triển quá nhanh của các ngành nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những gánh nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và nước ngày càng gia tăng.

Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh - ảnh 2
Tình trạng bụi mịn tại TP Hà Nội ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất.

Đối với Trung Quốc trong giai đoạn 1990 - 2016, nền kinh tế có bước phát triển vượt bậc, vươn mình trở thành quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về tổng sản phẩm nội địa (GDP). Tuy nhiên, môi trường của Trung Quốc trong giai đoạn này cũng đã tồi tệ đi một cách đáng kể, chỉ số bụi mịn PM 2.5 tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó buộc Trung Quốc phải chính thức tuyên chiến với ô nhiễm không khí vào đầu năm 2014, đề ra chính sách hành động để bảo vệ chất lượng không khí yêu cầu các khu vực đô thị phải giảm mức độ bụi mịn ít nhất là 10%. Thủ đô Bắc Kinh còn được yêu cầu phải giảm lượng bụi mịn nhiều hơn, ở mức 25%. 

Nhìn lại quá trình phát triển trên thế giới, không chỉ Trung Quốc hay Nhật Bản, mà cả những quốc gia phát triển như Mỹ hay Anh cũng đã từng phải trải qua giai đoạn ô nhiễm trầm trọng trong quá trình phát triển. Một sự kiện bi thảm do ô nhiễm môi trường đã từng xảy ra ở Thủ đô London của Anh vào tháng 12/1952, được gọi là “London smog” hay là “sương mù do ô nhiễm ở London”, đã khiến cho 12.000 người chết. Trong năm 1952 ở London, chỉ số bụi mịn PM 2.5 được đo lên mức rất cao, tới 300µg/m3, thậm chí nhảy vọt gấp 10 lần lên tới mức 3.000µg/m3 trong tháng 12. Thành phố Los Angeles ở nước Mỹ trong những năm 1970 cũng bị coi là “Thủ đô sương mù công nghiệp” của thế giới vì mức độ ô nhiễm không khí. Nhưng cũng vì vậy, Anh và Mỹ đã phải ra các đạo luật để bảo vệ không khí sạch ngay sau đó để tạo ra các quy chuẩn giảm thiểu ô nhiễm. 

Tại Việt Nam, ý thức được rõ tầm quan trọng của môi trường xanh trong phát triển kinh tế - xã hội, trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng xuyên suốt từ năm 2001 đến 2021 đều thể hiện rõ ý chí phát triển kinh tế bền vững phải gắn liền với bảo vệ môi trường, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế thân thiện với môi trường. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai chứ không phải để khai phá, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”.
(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần

Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần

(PNTĐ) - Với sự phát triển công nghệ, điện thoại thông minh là vật bất ly thân của số đông người dân Việt Nam, việc tạo ra những bức ảnh chỉ trong tích tắc. Mặc dù vậy, ở Hà Nội, một số họa sĩ vẫn cần mẫn với những nét vẽ truyền thống, truyền thần lại những bức tranh vượt thời gian. Từng nét vẽ bằng muội than của các hoạ sĩ nơi phố cổ Hà Nội vẫn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc, khiến thời gian như lắng đọng để gợi nhớ về ký ức xưa cũ thời ông cha.
Sau Tết, đông đảo công nhân trở lại Hà Nội làm việc

Sau Tết, đông đảo công nhân trở lại Hà Nội làm việc

(PNTĐ) - Sau Tết Nguyên đán, nhiều công nhân, người lao động từ các miền quê đã trở lại Hà Nội, khẩn trương vào việc ngay từ những giờ đầu, ngày đầu của năm mới. Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.
Nhộn nhịp trên các công trình trọng điểm của Thủ đô

Nhộn nhịp trên các công trình trọng điểm của Thủ đô

(PNTĐ) - Hoà vào không khí Tết Nguyên đán đang tới gần, không khí nhộn nhịp cũng xuất hiện trên khắp các công trình trọng điểm của Thủ đô. Với phương châm “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, nhiều dự án phục vụ đời sống người dân TP Hà Nội đang “chạy đua” tiến độ để đi vào hoạt động trước Tết.
Độc đáo những phiên chợ quê ngày giáp Tết

Độc đáo những phiên chợ quê ngày giáp Tết

(PNTĐ) - Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, mọi mặt hàng đều được bán trên không gian mạng tiện lợi, nhanh chóng thì nhiều nơi ở Hà Nội vẫn giữ lại những phiên chợ quê truyền thống, nhất là những phiên chợ quê Tết. Đây không chỉ là nơi trao đổi buôn bán mà còn là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí Tết đang đến gần, tái hiện bức tranh văn hoá của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.