“Xanh hóa” môi trường làng nghề
Kỳ cuối: Phát triển kinh tế “xanh” từ du lịch
(PNTĐ) - Xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề mang tính đặc trưng vùng, miền chính là giải pháp hữu hiệu góp phần đáng kể, làm “xanh hóa” môi trường làng nghề, phát triển kinh tế “xanh” là hướng đi bền vững cho Thủ đô.
Biến làng ô nhiễm thành điểm “check in xanh”
Về làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông ở thời điểm diễn ra Tuần Văn hóa Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông, du khách hòa mình vào không gian đầy sắc màu, sinh động của phố Lụa, đường làng rực rỡ ô, cờ, hoa, shop trang phục, áo dài, khăn, túi… chất liệu lụa ngập tràn. Những bà, những cô, những chị, những em nhỏ vui tươi diện váy, áo dài tạo dáng, ghi lại những bức ảnh đẹp; du khách chọn mua hàng… sôi động cả dãy phố.
Giữa không gian rộn ràng ấy, ngồi bên khung cửi cỡ nhỏ được đặt ở cổng đền thờ Tổ nghề làng lụa, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề lụa Vạn Phúc không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào khi làng lụa thu hút hàng nghìn người đến tham quan, chụp ảnh và mua sắm. Ông Hà chia sẻ: “Toàn phường hiện có 142 hộ sản xuất, 110 hộ kinh doanh. Chúng tôi không chỉ sản xuất, kinh doanh về mặt hàng lụa, tạo nên những sản phẩm thời trang từ lụa mà còn phát triển du lịch làng nghề để đón du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn sản xuất và mua sắm”.
Ông Hà nhớ lại, chỉ hơn 10 năm trước, khi còn chưa phát triển du lịch làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng nói. Tiếng ồn từ những khung cửi, nước thải từ nhuộm vải không được xử lý cứ xả thẳng xuống cống rãnh, chế phẩm từ sợi, vải cũng khiến cho môi trường sống của cả làng bị ô nhiễm.
“Cùng với sự vào cuộc của Thành phố, quận Hà Đông, và Đảng ủy, chính quyền phường, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ý thức của người làm nghề thay đổi, chúng tôi đã chung tay hành động làm sạch môi trường làng nghề. Từ đầu tư công nghệ hiện đại vào dệt vải, nhập nguyên liệu thân thiện với môi trường, giảm bớt công đoạn nhuộm, đến cải tạo không gian sản xuất, kinh doanh...- ông Phạm Khắc Hà chia sẻ.
Cũng từng là điểm “nóng” về tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa có cả 6/6 làng làm nghề chẻ tăm hương, nghề thủ công truyền thống đã mang lại việc làm và thu nhập cho gần 3.000 hộ dân trong xã (chiếm 70% số hộ) và hàng nghìn lao động ở các địa phương lân cận. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường về không khí do bụi, khói, nước thải do nhuộm, người làm nghề đã đầu tư công nghệ máy móc vào sản xuất, áp dụng các giải pháp hút bụi, giảm nước nhuộm trực tiếp ra môi trường...
Đặc biệt là với định hướng phát triển về du lịch làng nghề, huyện Ứng Hòa tập trung từ chỉ đạo đến thực thi, xây dựng nơi đây thành điểm du lịch trải nghiệm văn hóa làng nghề. Du khách đến đây trải nghiệm quy trình sản xuất, chụp ảnh với sản phẩm làng nghề được sắp xếp đầy sáng tạo hình bông hoa, tạo hình chữ S bản đồ đất nước… thành sản phẩm du lịch.
Toàn huyện Ứng Hòa hiện có 21/138 làng có nghề được Thành phố công nhận, cùng với Quảng Phú Cầu, còn có nghề bún làng Bặt, may áo dài Trạch Xá, làm đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ), dệt Hòa Xá… Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, huyện đang tập trung phát triển 2 tuyến du lịch kết hợp giữa di tích lịch sử văn hóa với làng nghề truyền thống để thu hút du khách tham quan trải nghiệm.
Để tự tin đón du khách tham quan, từ các hộ làm nghề đến chính quyền địa phương đã nỗ lực làm sạch môi trường, tạo không gian đẹp. Bà Nguyễn Thị Thùy, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Phú Cầu cho biết: Hội LHPN xã đã chỉ đạo các chi hội tích cực đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, cảnh quan các khu vực công cộng, nhất là các cơ sở sản xuất áp dụng các khâu xử lý bụi, giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề bảo vệ môi trường
Các làng nghề được xây dựng thành điểm du lịch là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho thấy nỗ lực “biến” làng nghề ô nhiễm thành làng nghề “xanh”, sạch, đẹp. Điển hình như các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, lược sừng Thụy Ứng…, đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Để thu hút người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất hướng đến “xanh hóa” môi trường làng nghề, TS Lê Quang Thắng, Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và kinh tế hội nhập, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm giá cho các thiết bị và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Những năm qua, thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ và bảo vệ môi trường ở các làng nghề. Vừa qua, ngày 8/9/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND, về việc tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao...
“Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 do Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030 phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Tại Kế hoạch số 150/KH-UBND về việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội năm 2023, ngày 24/5/2023, UBND Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ chính, trong đó có tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiểm soát các nguồn chất thải nguy hiểm…
Thành phố cũng đã ban hành danh mục, lộ trình, kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023), phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.
Phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng “xanh hóa” môi trường, vừa tạo ra giá trị kinh tế vừa gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa sẽ là tiền đề để mỗi làng nghề hướng đến theo xu hướng kinh tế xanh của thời đại.