Liên hợp quốc đề xuất bộ quy tắc ứng xử quốc tế chống tin giả

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh "những hồi chuông cảnh báo về AI đang được gióng lên và chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét những cảnh báo đó".

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất một bộ quy tắc ứng xử quốc tế chống tin giả, đồng thời ủng hộ các ý kiến đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng khi được ứng dụng vào các công cụ chatbot, tạo hình ảnh, nhân bản giọng nói..., làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu về khả năng tạo ra những hình ảnh giả và những thông tin sai lệch.

Liên hợp quốc đề xuất bộ quy tắc ứng xử quốc tế chống tin giả - ảnh 1
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Trong một cuộc họp báo về chính sách đối với vấn đề này, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh "những hồi chuông cảnh báo về AI đang được gióng lên và chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét những cảnh báo đó."

Tổng thư ký Guterres cho biết ông ủng hộ ý kiến của một số nhà quản lý AI đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế giám sát AI tương tự IAEA.

Tuy nhiên, ông nêu rõ "chỉ những quốc gia thành viên mới có thể thành lập và vận hành cơ quan như vậy, không phải Ban Thư ký Liên hợp quốc."

Gần đây, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cảnh báo công nghệ AI đang gây ra một “nguy cơ hiện hữu” đối với nhân loại, do đó cần thành lập một cơ quan giám sát quốc tế có mô hình giống như IAEA.

Theo ông Altman, cơ quan này có thể đặt ra các hạn chế đối với việc triển khai hoạt động, kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và theo dõi việc sử dụng năng lực tính toán.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng ủng hộ đề xuất trên, đồng thời bày tỏ mong muốn Anh trở thành quốc gia áp dụng quy định an toàn AI toàn cầu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cũng nhấn mạnh rằng trong khi báo động về sự phát triển nhanh chóng của AI, thế giới không được sao lãng những tác hại mà các nền tảng công nghệ số với tin giả tràn lan đang gây ra hiện nay.

Ông nêu rõ "việc phổ biến tư tưởng thù hận và dối trá trên không gian số đang gây ra những tác hại nghiêm trọng trên toàn cầu, theo đó kích động xung đột, chết chóc và hủy diệt."

Tổng thư ký Guterres cho biết Liên hợp quốc đang phát triển một "bộ quy tắc ứng xử về thông tin nguyên vẹn trên các nền tảng kỹ thuật số," dự kiến sẽ được giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai (Summit of the Future) của Liên hợp quốc vào năm tới.

Bộ quy tắc ứng xử bao gồm một loạt đề xuất, trong đó có việc các nhà quảng cáo kiếm tiền từ nội dung gây tác hại phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chi tiêu của họ.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, thế giới "phải rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ." Ông nhấn mạnh: "Các nền tảng số đã được cho ra đời mà không có sự nhận thức và đánh giá giá đầy đủ về những tác hại tiềm ẩn đối với xã hội và các cá nhân".

Tin cùng chuyên mục

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

(PNTĐ) - Khu vực châu Phi cận Sahara đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ lên tới 70% - cao nhất toàn cầu. Tình trạng đáng báo động này tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của châu lục và đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia.
Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.