Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất thế giới

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việt Nam đứng thứ 5 châu Á và thuộc top 20 trong số 201 nền kinh tế thế giới được Fitch Solutions xếp hạng về độ mở kinh tế.

Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng

Tổ chức xếp hạng Fitch Solutions cho rằng, nhờ nền chính trị tương đối ổn định, sở hữu vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào nên Việt Nam có sức hấp dẫn như một điểm đến cho các doanh nghiệp tìm kiếm cứ điểm sản xuất mới.

Báo cáo mới phát hành của Fitch Solutions trong quý III 2022 có tên gọi: “Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam” đã đánh giá Việt Nam xếp thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở kinh tế. Cụ thể, theo báo cáo, Việt Nam đạt 74,6 trên 100 điểm về độ mở kinh tế, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46 và mức trung bình toàn cầu là 49,5 điểm.

Trong khi đó, xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 201 thị trường được tổ chức Fitch Solutions đánh giá. Với bộ chỉ số về độ mở kinh tế này, Việt Nam có điểm số chỉ đứng sau Singapore, Hong Kong, Macao và Malaysia.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất thế giới - ảnh 1
Tổ chức xếp hạng Fitch Solutions cho rằng, Việt Nam có sức hấp dẫn như một điểm đến cho các doanh nghiệp tìm kiếm cứ điểm sản xuất mới.

Trên góc độ rủi ro thương mại, đầu tư, Việt Nam được chấm 61,1 điểm, cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới. Việt Nam hiện đang xếp thứ 9 ở châu Á và 57 toàn cầu về rủi ro thương mại – đầu tư. Đối với mức độ rủi ro thương mại và đầu tư, điểm số càng thấp thì mức độ rủi ro càng cao.

Theo Fitch Solutions, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế do Chính phủ lãnh đạo và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế.

Việc Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như EVFTA cùng hàng loạt các thỏa thuận thương mại tự do đa dạng đem lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Fitch đánh giá thực tế này giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế và thương mại, mở rộng thị trường, nắm giữ nhiều lợi thế trong xuất khẩu, trao đổi thương mại – đầu tư.

Việt Nam khẳng định được sức hút của mình khi hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều hướng tới. Nhiều thông tin cho thấy Apple cùng các đối tác lắp ráp hàng đầu của mình như Foxconn, Luxshare, Goertek đang đàm phán để bắt đầu lần đầu tiên thử nghiệm sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook tại Việt Nam. Tập đoàn Samsung đã tuyên bố đầu tư thêm 3.3 tỷ USD và sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy tại Việt Nam, một phần trong khoản đầu tư này đã được phía Samsung hiện thực hóa, bao gồm 1,187 tỷ USD cho nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên; và 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC - SEHC.

Fitch Solutions nhấn mạnh, các yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc quy định hạn chế sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ, vận tải, nông nghiệp, tiện ích công cộng, khiến xếp hạng độ cởi mở đầu tư của Việt Nam chỉ đứng thứ 8 châu Á và 62 toàn cầu, đạt 60 điểm.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất thế giới - ảnh 2
Xuất khẩu phục hồi là điểm sáng mới của nền kinh tế Việt Nam.

Dự báo xuất khẩu tích cực

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến hết 20/7 theo Cục Đầu tư với nước ngoài bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng gần 15,54 tỷ USD.

Về dự báo xuất khẩu trong năm nay, Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021. Đây vẫn là kết quả tích cực, theo Bộ Công Thương.

“Nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn. Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc”, Bộ Công Thương tin tưởng.

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong xây dựng hòa bình

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong xây dựng hòa bình

(PNTĐ) - Báo cáo mới nhất của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình hòa bình mang lại kết quả bền vững hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các cuộc đàm phán chính thức, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với việc giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình.