“Ăn cơm mẹ thì ngon, ăn cơm con thì đắng”

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cứ chiều đến, cụ Tứ lại lập cập ra chiếc ghế ở sân tập thể ngồi. Cụ ngồi mãi cho tới quá cả giờ cơm, trên mảnh sân chung đã chẳng còn ai. Một lần, tôi giục cụ: “Muộn rồi, cụ về nhà kẻo con cháu mong. Cụ ngồi đây gió máy, nhỡ lại bị cảm thì tội”.

Cụ Tứ nhìn tôi bằng ánh mắt buồn rồi đáp: “Tội gì đâu cô. Tôi còn đang mong ông Trời cho chết thật nhanh để tôi mừng, con cháu cũng mừng”.

Sau khi hiểu cảnh ngộ của cụ đã lâu, tôi chẳng biết nói gì thêm ngoài việc nắm chặt đôi bàn tay già nua, gầy gò của cụ.

Cụ Tứ mới chuyển đến ở với con gái trong khu nhà tôi khoảng 2 năm trước. Cũng từ khi cụ xuất hiện, tôi thường xuyên nghe được những lời nhiếc móc, đay nghiến của con cháu trong nhà dành cho cụ. Con gái nói cụ là “loại người không ra gì”, “trọng nam khinh nữ”, “lúc có tiền thì chả nhớ tới con gái, khi thất cơ lỡ vận thì lại về ăn bám con”.

Nhưng cụ Tứ kể với tôi: “Cô biết không, tôi già rồi, nó mắng thế nào tôi cũng phải chịu. Âu cũng là lỗi của tôi không đủ giàu, để lo cho mỗi đứa con một cơ ngơi”.

Theo lời kể, cụ Tứ sinh được hai con, gái trước, trai sau. Chồng cụ mất sớm nên một mình cụ phải bươn chải nuôi con. Cụ Tứ không được học hành nhiều nên chỉ có thể kiếm được mấy công việc chân tay nặng nhọc, thu nhập lại thấp và bấp bênh. May mắn là ba mẹ con còn có một ngôi nhà nhỏ để chui ra chui vào ở mạn ngoại thành, dù hơi heo hút. 

Sau khi học xong cấp 2, con trai cụ bỏ học rồi phiêu bạt vào miền Nam, nói là tìm đường mưu sinh. Nó không muốn chôn vùi cuộc đời trong ngôi nhà liêu xiêu của mẹ. Con gái cụ mấy năm sau cũng lấy chồng. Anh con rể cụ làm nghề lái xe ôm. Cô về làm dâu ở nhà chồng, sau khi mẹ chồng chết thì để lại nhà cho hai vợ chồng cô. Cụ Tứ vậy là yên tâm phần nào về đường con gái.

“Ăn cơm mẹ thì ngon, ăn cơm con thì đắng” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lại nói về anh con trai, mấy năm vào Nam, anh chẳng gửi ra được đồng nào đỡ đần gia đình mà thi thoảng còn phải cầu cứu mẹ. Khi thì anh nói là cần tiền mua xe máy để chạy grab, khi thì anh than thiếu tiền thuê nhà vì bị chủ nợ lương mấy tháng không trả. Cụ Tứ chắt bóp chi tiêu hàng tháng, được đồng nào thì gửi cho con dăm trăm, một triệu.

Rồi thời cuộc thay đổi, huyện ngoại thành nơi nhà cụ Tứ ở có dự án xây dựng khu đô thị. Chỉ trong vòng hơn một năm mà xung quanh nhà cụ thay đổi chóng mặt. Đường xá mở rộng, nhà cửa mọc lên khang trang, người dân tứ xứ kéo đến sinh sống tấp nập. Nhà cụ Tứ từ chỗ ở ngõ chỉ rộng đủ cho một chiều xe đi bỗng nhiên được ra mặt phố lớn.

Cụ Tứ và các con mừng khôn xiết, nhưng cái khó bó cái khôn, cũng chưa thể nghĩ cách để làm cho “đất đẻ ra tiền”. Ngôi nhà của cụ lụp xụp, cụ lại chẳng có tiền xây lại nên không thể cho người ta thuê cửa hàng lấy tiền. Có chăng, một chị bán nước chè ngồi nhờ trước cửa nhà, mỗi tháng trả cho cụ được vài trăm ngàn đồng. Thế là cụ nghèo vẫn hoàn nghèo.

“Dạo đó, con gái và con rể tôi định mở cửa hàng sửa chữa xe máy nên cần vốn đầu tư. Cô con gái đề nghị tôi bán nhà để lấy tiền đưa cho chúng, một phần chia thừa kế cho con trai. Còn tôi dọn về nhà chúng ở, chúng sẽ nuôi hết đời nên tôi không cần giữ tiền làm gì”, cụ Tứ kể.

Song, lúc đó, tôi nghĩ, bán nhà chỉ là bần cùng bất đắc dĩ. Nhà bán đi thì dễ chứ mua lại mới khó. Thực tâm, tôi muốn giữ lại ngôi nhà để sau này các con còn có chỗ đi lại. Đất càng để càng ra tiền, đó âu cũng là của để dành tôi cho lại các con, lúc xuôi tay nhắm mắt cũng yên lòng. Hơn thế, tôi không muốn phải cậy nhờ con cái, mẹ nuôi con thì dễ, con nuôi mẹ thì khó vô cùng, cô ạ”, cụ Tứ kể với tôi.

- Vậy mảnh đất đó đâu, tại sao cuối cùng cụ vẫn dọn về đây ở với con gái? Tôi hỏi cụ.
Bỗng nhiên cụ Tứ ôm mặt khóc. Trên gương mặt nhăn nhúm, khô héo của cụ chảy ra mấy giọt nước mắt. Ở tuổi của cụ, không dễ dàng gì mà khóc được như vậy vì còn nước mắt đâu.

Thì ra, khi cụ đang ở yên ổn thì nhận được tin, con trai cụ vay tiền xã hội đen để chơi cá độ bóng đá, giờ bị vỡ nợ. Nghe nó nói chỉ vay vài trăm triệu, nhưng rồi lãi mẹ đẻ lãi con, giờ số tiền vay đã lên tới cả tỷ đồng. Nếu không trả nợ, e rằng không xong, có khi còn liên lụy đến cả người nhà.

“Trong hoàn cảnh ấy, cô bảo tôi còn có cách nào khác là phải bán nhà để trả nợ cho con. Thôi thì con dại cái mang, tôi là mẹ, lẽ nào để con một mình bạt xứ ở trong thế hiểm nguy như vậy”, cụ run rẩy nói.

“Ăn cơm mẹ thì ngon, ăn cơm con thì đắng” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cũng vì phải bán gấp nên ngôi nhà của cụ bị chủ mới ép mua với giá rẻ, thiệt khá nhiều tiền. Con gái của cụ nghe tin không đồng ý để cụ bán nhà, vì cho rằng, mình cũng có phần ở trong đó, cụ không thể vì con trai mà hy sinh con gái được. Nhưng, do ngôi nhà đứng tên mình cụ, nên để cứu con trai, cụ vẫn quyết bán nhà. 

“Khoản tiền đó giúp con trai tôi trả được nợ, tính mạng của nó cũng không còn bị đe dọa nữa. Song, sau đợt đó, nó sợ bị mẹ và chị mắng nên tới giờ vẫn chưa dám về nhà. Mấy năm rồi, tôi không được thấy mặt con, thi thoảng lắm nó mới gọi điện về, báo là vẫn khỏe, hẹn ngày ăn nên làm ra sẽ về báo hiếu rồi… tắt máy”.

Nhà bán, cụ Tứ bỗng nhiên tay trắng, bị ra đường. Không còn cách nào khác, cụ đành về nhà con gái tá túc trong sự lạnh nhạt, hậm hực của các con, cháu. Hai con của cụ Tứ cũng vì tranh chấp tiền bán nhà mà không nhìn mặt nhau. Cô chị tuyên bố không có đứa em tham lam, bất hiếu như thế.

Đó cũng là lý do vì sao, nhiều lúc, trong bữa cơm tối, tôi lại nghe con gái cụ chu chéo mắng cụ: “Bà ăn nhanh lên cho tôi còn dọn. Sao đời tôi khổ thế, tiền có thì bà đưa cho con trai, rồi khi trắng tay, bà về đây bắt tôi hầu”. Rồi các cháu cũng cho rằng, bà là “khách không mời mà đến”, tự dưng chiếm mất một khoảng không gian khiến ngôi nhà chúng ở chật chội, bí bách hơn.

- Chúng không muốn thấy mặt tôi nên thôi, tôi cứ ngồi ngoài này càng lâu càng tốt. Khi nào không ngồi được nữa thì tôi về. Vợ chồng con gái và các cháu tôi bây giờ cũng không còn đợi tôi về ăn cơm nữa mà chúng ăn trước, để lại chút cơm cho tôi. Thế cũng được cô ạ, tôi thà ăn một mình cho nhẹ lòng. Ăn xong thì về giường nằm, không phải đụng mặt con cháu. Tôi chỉ băn khoăn không biết bao giờ ông Trời mới cho tôi đi, để tôi đỡ phải sống trong cảnh khổ tâm này.

Tôi nhìn cụ Tứ cam chịu ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đá mà lòng cũng buồn rười rượi. Tôi hình dung ngày xưa khi còn trẻ, cụ đôn đáo mưu sinh để nuôi các con. Nếu không có đôi bàn tay cụ, làm sao con trai, con gái của cụ được như ngày hôm nay? Tôi tin rằng, lúc đó, dù vất vả nhưng chưa bao giờ cụ dằn hắt, đay nghiến các con làm khổ cụ. Rồi cũng vì thương một nhúm ruột bị sa cơ (tôi không bình luận việc anh con trai cụ vay tiền chơi cá độ) mà cụ đành bán nhà cứu con. Tôi nghĩ, người mẹ nào trong hoàn cảnh đó cũng làm vậy. Và rồi cuối cùng thì cụ bị con gái ghẻ lạnh, coi thường.

“Ăn cơm mẹ thì ngon, ăn cơm con thì đắng”. Đó là lời cụ nói với tôi trong một buổi chiều muộn hiu hắt.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cho con

Chỗ dựa cho con

(PNTĐ) - Trong khi các con tập trung hết tâm sức để ôn luyện trước các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh sắp tới, bố mẹ đóng vai trò không thể thiếu để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và trở thành chỗ dựa tin cậy giúp các em giảm bớt áp lực, để vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Con giời

Con giời

(PNTĐ) - Nghe vợ bảo tháng này chịu khó đi làm bằng xe máy, Dũng giật nảy mình: “60 cây số cả đi lẫn về mà em bảo anh đi xe máy thì về tới nhà, anh tắm bằng bụi à?”.
Hạ mình xuống để yêu

Hạ mình xuống để yêu

(PNTĐ) - Để có một cuộc hôn nhân lâu dài, điều đáng quý nhất là cả người phụ nữ và người đàn ông đều dành cho nhau sự trân trọng và chân thành. Đôi khi, để tìm thấy điều quý giá đó, người ta còn phải hạ mình xuống.
Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

(PNTĐ) -Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thạch Thất. Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Xây chắc nếp nhà” lần thứ XIII năm 2023 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức trên Báo Phụ nữ Thủ đô là một chủ đề thiết thực, gần gũi với đời sống. Chủ đề của cuộc thi cũng mang tính thời sự, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội đang ít nhiều ảnh hưởng tới tính bền vững của nếp nhà.