Bà nội “tò vò” nuôi “cháu tu hú”

Chia sẻ

5 năm bỏ chồng ở quê một mình theo con lên thành phố chăm cháu nội. Rồi, bỗng một ngày, tôi biến thành bà nội "tò vò" nuôi đứa "cháu tu hú" với nỗi cay đắng tột cùng.

Thương cháu nên chấp nhận dâu "ăn cơm trước kẻng"

Người phụ nữ ấy được một người bà con ở Hà Nội đưa đến phòng tư vấn. Bà quê ở Thái Bình, 5 năm nay ra Hà Nội để trông cháu cho vợ chồng con trai đi làm. Nhờ bà đảm đang, hết lòng chăm cháu nên vợ chồng con trai rảnh tay để lo công việc cơ quan, đứa cháu trai khỏe mạnh, bụ bẫm, ai nhìn cũng yêu, cũng thích. Bà nói bận bịu mấy, vất vả mấy cũng chấp nhận, miễn là cháu khỏe mạnh, con cái sống hạnh phúc.

Vợ chồng bà sinh được ba đứa con, một trai, hai gái. Tất cả đều được ông bà đầu tư học hành đến nơi đến chốn. Hai đứa con gái đỗ đại học sư phạm, học xong về quê làm việc rồi lấy chồng, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chỉ duy nhất có mỗi đứa con trai út "mải chơi" mãi chẳng chịu lấy vợ. Tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, nó xin được việc làm ở một công ty phần mềm, thu nhập đủ sống.

Thấy con công việc ổn định, ông bà nhiều lần giục con lấy vợ. Nhưng nó số đào hoa, yêu nhiều nhưng chẳng chịu cưới cô nào, lần nào bố mẹ giục là tưng tửng bảo rằng "để yêu cho sướng đã, chứ cưới rồi sẽ sống khổ với đủ thứ trách nhiệm, bao giờ yêu chán rồi cưới". Chuyện con lấy vợ đều phải phụ thuộc vào nó, nên dù có muốn lắm, ông bà cũng đành phải đợi con quyết lúc nào thì cưới hỏi lúc đó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi một ngày, con trai gọi điện về quê cười "giả lả" với bố mẹ bảo rằng chuẩn bị cưới vì cô người yêu vừa thông báo có bầu. Hóa ra cả hai trót "ăn cơm trước kẻng" nhiều lần. Ông bà từ xưa đến nay vốn trọng nền nếp gia phong nên rất không đồng ý chuyện con dâu có bầu trước khi cưới. Nhiều lần, ông bà nhắc nhở con trai không được làm mấy chuyện dang dở con gái người ta, và cũng đừng để cha mẹ phải "muối mặt" cưới hỏi một cô con dâu "ăn cơm trước kẻng". Ấy vậy mà, con trai ông bà nghe xong để đấy, cuối cùng nó vẫn làm cái chuyện không nên ấy.

Chồng bà ban đầu nhất quyết không chấp nhận chuyện cưới hỏi cho con trai. Ông vẫn giữ quan điểm, con dâu về nhà này phải "chính chuyên", không được được sống buông thả, dễ dãi trước khi cưới như thế. Nhưng bà nghĩ thương đứa cháu vô tội kia, nghĩ nếu gia đình mình không chấp nhận cưới hỏi cho con, cô gái kia chắc phải bỏ thai, hoặc làm mẹ đơn thân, cháu mình sinh ra không có thân phận rõ ràng thì tội lắm. Vì thế, bà thuyết phục ông chấp nhận cô con dâu "ăn cơm trước kẻng" đó. Trước sự nài nỉ, tỉ tê thấu đáo của vợ, ông cuối cùng cũng thuận tổ chức cưới hỏi cho con, dù trong lòng không được thoải mái lắm.

Cưới xong, vợ chồng con trai ra Hà Nội mua nhà sống riêng. Được 6 tháng, con dâu sinh con, cả hai vợ chồng gọi điện về nhờ vả bà ra thành phố trông cháu hộ. Ban đầu bà tính chỉ đi giúp con trong thời gian ở cữ, chứ không thể bỏ ông một mình ra phố trông cháu lâu dài được. Nhưng, con dâu vụng nuôi con, công việc lại bận, thường xuyên đi sớm về muộn, bà đành phải ngọt nhạt với ông thuận cho mình ra phố chăm cháu 1, 2 năm.

Công cuộc nuôi cháu của bà cứ tiếp tục kéo dài thêm khi đứa cháu hay ốm đau, ăn uống khó khăn. Ai cũng bảo nếu không có bà khéo tay chăm cháu thì nó chẳng thể nhanh chóng bụ bẫm, khỏe mạnh trong điều kiện thỉnh thoảng lại vào viện Nhi chữa bệnh mỗi khi thay đổi thời tiết. Thấy bà nội chăm cháu nên con dâu được thể phó mặc con nhỏ cho mẹ chồng. Hai vợ chồng rảnh tay đi làm cả ngày, tối về chơi với con rồi lại chuyển qua ngủ với bà nội. Với lòng yêu con, thương cháu, bà chẳng nề hà vất vả, thậm chí còn thuyết phục chồng chịu khổ một thời gian, đợi cháu đi học lớp 1 rồi bà về với ông. Vì con, vì cháu, 5 năm nay, ông bà sống cảnh mỗi người một nơi. Thỉnh thoảng, ông nhớ bà, nhớ cháu lại tay nải ra thành phố thăm một, hai tuần rồi lại về quê lủi thủi một mình.

Nỗi đau nuôi "cháu của người ta"

Trước mặt chuyên viên tư vấn, bà không cầm lòng được sụt sùi khóc, bảo già chừng này tuổi rồi mà phải chịu nỗi đau đớn đầy tủi nhục. Bà kể không quên cái ngày một người đàn ông đèo một người phụ nữ (tầm tuổi của bà) đến nhà con trai đòi nhận con, nhận cháu của họ. Hôm ấy, con trai bà gần như phát điên lên trước sự thật mình là kẻ "đổ vỏ" cho người khác. Hóa ra, con dâu bà trong thời gian yêu con trai bà vẫn đi lại với người yêu cũ. Hậu quả, trong một lần buông thả, cô ấy đã chấp nhận quan hệ với người yêu cũ. Kết quả cô có thai sau đó. Biết rõ mình mang thai với người yêu cũ nhưng do anh ta không dũng cảm thừa nhận, và chịu trách nhiệm với cuộc đời cô nên cô đã trút lại hậu quả đó cho con trai bà gánh. Do buông thả trong quan hệ nam nữ nên con trai bà cứ ngỡ mình là "tác giả" của cái thai người yêu đang mang nên chấp nhận chuyện cưới hỏi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện vỡ lở, con trai bà đòi ly hôn trong thời điểm con dâu bà đang mang bầu đứa thứ hai. Bên nhà kia đang lâm vào tình cảm con trai lấy vợ không sinh được con, lại khát cháu trai nên cứ một mực đến đòi con, đòi cháu của mình mang về. Lòng bà đau như cắt, vì đã quá yêu thương thằng bé. Nhưng điều mà quan tâm là nếu chuyện vỡ lở ra không biết danh dự nhà bà "đổ đi" đâu, chồng bà có chấp nhận việc này nữa hay không? Thế nào ông cũng đổ lỗi lại cho bà chuyện trước đây cố thuyết phục ông để chấp nhận cô con dâu "ăn cơm trước kẻng", để rồi giờ nhận lại kết cục nhục nhã này. Bà còn kể, con trai cũng yêu thương con nên từ hôm biết chuyện nó cũng đau khổ, cứ ôm thằng bé khóc lóc, dằn vặt suốt. Giờ bà không biết phải làm thế nào trong tình cảnh này?!

Chuyên viên phân tích cho bà hiểu rằng sự thật dù phũ phàng và cay đắng đến đâu thì đứa trẻ vẫn là vô tội. Nó xứng đáng nhận được tình yêu thương của bố mẹ, ông bà. Bao nhiêu năm nay, mọi người đã yêu thương nó nhiều như thế nên tình cảm không dễ dàng thay đổi mà ngay lập tức mất đi được. Dân gian vẫn có câu "cá vào trong ao ta là cá của ta", "công sinh không bằng công dưỡng", bao dung, vị tha là điều mà con dâu và đứa cháu đang cần ở bố mẹ chồng và người chồng hơn bao giờ hết. Nhất là trong hoàn cảnh, con dâu bà đang mang thai. Về luật pháp, người chồng không có quyền ly hôn trong thời gian người vợ đang mang thai. Về tình nghĩa, đó là cháu của ông bà, là con của con trai ông bà. Nếu ly hôn, đứa trẻ sẽ ở với mẹ bởi còn nhỏ. Như vậy, ngay một lúc, ông bà mất đi một cô con dâu và hai đứa cháu, con trai bà đổ vỡ hạnh phúc.

Ngược lại, nếu vị tha, bao dung, tổ ấm của con trai vẫn giữ được, ông bà vẫn có hai đứa cháu để yêu thương. Tất nhiên, để làm được điều này cần có sự cố gắng của gia đình bà và con trai bà rất nhiều. Nhưng nếu tình yêu thương được đặt lên trên hết, mọi thứ sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Chuyên viên cũng khuyên bà có thể dẫn con trai đến phòng tư vấn để nghe khuyên giải, thuyết phục anh chấp nhận thực hiện và tìm cách giữ hạnh phúc gia đình. Gia đình kia có quyền nhận con cháu nhưng việc họ có được phép mang con, cháu mình về bên kia thì còn phải liên quan đến pháp luật. Và Tâm Giao tin, trong trường hợp này, pháp luật sẽ bảo vệ đứa bé và để nó được sống trong môi trường gia đình yêu thương, đủ bố mẹ như từ trước đến nay gia đình bà đã cho cháu.

Bà rời phòng tư vấn với tâm thế nhẹ nhõm hơn nhiều, ít ra trong lòng bà cũng đã vơi bớt đi nỗi đau khổ dẵn vặt. Và hôn nhân của con trai bà cũng đã nhìn thấy hướng để giải quyết sáng sủa hơn thay vì toàn thấy bế tắc từ khi sự việc vỡ lở đến nay.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.