Bánh mỳ nóng giòn và hương vị mùa đông phố cổ

Chia sẻ

Trong rất nhiều món ăn mang đặc trưng hương vị Hà Thành như phở, bún chả, bún đậu mắm tôm, bún riêu cua thì bánh mỳ lại là một thứ quà rất bình dị nhưng lại được không chỉ người Hà Nội mà cả bà con ở xa ghé thăm nhất định cũng phải mua mang về quê mấy cái làm quà.

Đó là bánh mì - một thức quà vặt rất bình thường nhưng cũng rất thú vị của Hà Nội mùa đông phố cổ.

Có rất nhiều tài liệu cho biết lịch sử ra đời của chiếc bánh mỳ tại Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung nhưng ai cũng có thể hiểu lúa mì không có ở nước ta thì bánh mì chỉ có thể đến từ nước ngoài. Trên báo giới, các nhà nghiên cứu ẩm thực đều khẳng định bánh mì Việt Nam được Việt hóa từ một loại bánh nổi tiếng của Pháp và ra mắt vào khoảng năm 1958 tại Hà Nội. Điều này hẳn rất thú vị với những ai yêu thích món bánh mì tại thủ đô. Nhưng với những đứa trẻ từ quê xa Hà Nội từ mấy chục năm về trước như chúng tôi thì chỉ cần biết bố mẹ hay anh chị từ Hà Nội về mang theo mấy ổ bánh mì Ngã Tư Sở là thích lắm rồi, ăn ngốn ngấu mà chỉ ăn bánh mì không, chẳng có sữa Ông Thọ, còn bơ hay phô mai, pa-tê vẫn là những khái niệm xa lắc xa lơ ở đâu đó.

Tới khi lên Hà Nội học những năm 2000, bánh mỳ Ngã Tư Sở vẫn là một “thương hiệu” nổi danh và duy nhất mà chúng tôi biết. Khi ấy, bánh mì vẫn “cô đơn” không nhân kẹp hay có món gì ăn cùng nhưng thích hơn khi ăn lúc ở quê là nó nóng hổi, thơm phức. Hội bạn thân còn rủ nhau quyết tâm tìm bằng được nhà làm bánh mì để mua rẻ và ăn nóng bỏng miệng. Bẵng đi một thời gian lao vào học, đi làm thêm với ngày ba bữa cơm nhà, tới một ngày, khoảng 5-6 năm sau bỗng nhiên thấy bánh mì xuất hiện ở khắp nơi cùng với rất nhiều tiệm bánh ngọt. Bánh mỳ cũng không đơn giản như xưa nữa mà còn có cả bánh mì ngọt, bánh mì ruốc, bánh mì kẹp kem, bánh mì lát, bánh mì đen, bánh mì gối, bánh mì dài… đến hoa cả mắt. Khi có lương rồi, chúng tôi không chỉ ăn bánh mì vì sở thích rất nguyên sơ nữa mà bắt đầu thưởng thức bánh mì: phải ăn bánh mì bít tết và ăn ở đâu thì ngon còn muốn ngồi thì chỗ nào ăn bánh mì bít tết xong có thể ngồi tại đó thư giãn, uống thức uống nào đó… Nào là bánh mì bít-tết Hòa Mã, nào bánh mì bít-tết Hàng Buồm rồi bánh mì Lê Văn Hưu nổi tiếng người ta phải xếp hàng dài để mua...

Bánh mỳ nóng giòn và hương vị mùa đông phố cổ - ảnh 1

Cứ như thế, hòa vào nhịp sống, món bánh mì cũng có những thay đổi theo cung bậc đời thường. Cho tới 10 năm sau, tức từ những năm 2015-2016 bánh mì không chỉ nằm trong các tiệm sang trọng, nổi tiếng hay những tủ kính nữa; nó cũng không phải là món bánh ăn tạm mà ai đó chở xe rao bán trong các ngõ ngách mà nó tràn ra các con phố lớn nhỏ, giống như bánh mì Ngã Tư Sở nhưng nhiều vô số và có đủ các cách để ăn bánh mì vừa ngon lại vừa rẻ không tưởng.

Bánh mì chuột có thể chấm sữa đặc hoặc kẹp phô mai, kẹp bơ với 2k-3k một cái; bánh mì nhỡ nhỉnh hơn với 4k-5k một cái đặc ruột có thể kẹp chả ăn tại chỗ thay bữa chính; ở những tiệm bánh mì bụi, các bác bán hàng dễ tính còn bán nửa chiếc bánh mì to kèm nhân tự chọn với 10k một cái đầy đủ cả thịt nguội, chả, giò, ruốc, rau, ớt, sốt; ai đó ăn nhiều có thể mua cả cái với giá 15k/1 chiếc và 20k/1 chiếc thì xem như ăn thay bữa chính rồi. Chưa kể còn có cả bánh mì gà Hội An, bánh mì que Hải Phòng… và mấy năm trở lại đây, còn có rất nhiều các hãng bánh mì lớn nhỏ theo kiểu quầy hàng bán đồ ăn nhanh với giá chỉ từ 10-16-20k/1 chiếc cùng nhiều loại “nhân” kèm phong phú khiến dân tình mê mẩn món ăn này tha hồ lựa chọn. Ở những cổng trường học còn xuất hiện loại bánh mì rất đặc trưng bán cho trẻ em: bánh mì nướng mật ong, kẹp chả xiên cùng những thứ nước uống mà con trẻ yêu thích như: trà sữa thái, trà sữa trân châu, sữa ngô non, sữa đậu nành, sữa chua hoa quả…

Những năm Covid-19 này, thời gian giãn cách nhiều, chị em xoay qua trổ tài khéo tay hay làm để có thực phẩm an toàn, sạch sẽ lại tăng cường tình cảm gia đình với món tự nấu, thì trên các kênh mạng xã hội, chị em còn phổ biến cách làm bánh mì tại nhà đơn giản ai cũng làm được dù có lò nướng hay không. Và không thể phủ nhận hương bánh mì nóng giòn quyện vào hương café và sữa nóng thật ấn tượng trong cái lạnh của mùa đông như thể chính nó là một phần tạo nên hương vị ấn tượng của thời điểm cuối năm này.

ĐÔNG ÂM

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.