Biếu quà Tết nội ngoại, sao cho hợp lý

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, việc biếu quà gia đình nội - ngoại vốn rất ý nghĩa đôi khi lại trở thành nguyên nhân dẫn đến cãi vã của không ít cặp vợ chồng.

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn và quan trọng trong năm của người Việt. Đây không chỉ là dịp để ăn mừng, tổ chức lễ hội hay nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả mà còn là thời gian quý báu để gắn kết tình cảm gia đình, báo hiếu cha mẹ về tinh thần và cả vật chất. Chẳng thế mà cứ tới tháng Chạp là nhiều cặp vợ chồng đã bắt đầu bàn bạc chuyện biếu Tết nhà nội, nhà ngoại thế nào cho hợp lý... Từ đó mà  không ít bất đồng quan điểm, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn đã nổ ra với nhiều gia đình nhỏ.

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng vợ chồng chị Vân vẫn đang chưa thống nhất được sẽ biếu Tết bố mẹ hai bên bao nhiêu cho hợp lý. Đã 5 năm chị Vân về làm dâu, dịp Tết năm nào cũng như vậy, hai vợ chồng cũng phải bàn đi bàn lại vấn đề này. Chị Vân lấy chồng xa, ở quê chỉ còn bố mẹ già, quanh năm chị không được ở gần đỡ đần bố mẹ. Vì vậy, chị muốn dịp Tết có thể báo hiếu cho bố mẹ, gọi là tấm lòng thơm thảo của con gái.

Biếu quà Tết nội ngoại, sao cho hợp lý - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vợ chồng chị Vân hàng năm thường dành ra 15 triệu để biếu Tết nội ngoại. Chị bàn với chồng biếu mỗi bên đều như nhau nhưng anh lại không bằng lòng. Lý do là anh muốn biếu bên nội 10 triệu tiêu Tết vì với anh, nhà nội mới là “gốc”, là nơi chị gắn bó cả đời về sau, còn nhà ngoại thì chị đã đi lấy chồng rồi nên không cần quá đắm đuối.

Mọi năm, hai vợ chồng chị Vân đều kiếm được tiền tương đương nhau, vì vậy mà anh còn miễn cưỡng đồng ý với mong muốn của chị. Nhưng năm nay, anh Tú, chồng chị làm ăn có phần “phất” hơn, thu nhập cao hơn chị Vân. Vậy là anh liền bỏ ngoài tai đề nghị của chị. Anh tự mình quyết định sẽ biếu nhà nội gấp đôi nhà ngoại. Anh giải thích: “Bố mẹ anh già cao tuổi hơn bố mẹ em, chẳng biết hai cụ còn sống được bao lâu nên biếu quà nhiều hơn một tý cho phải nghĩa. Thêm nữa, gia đình nội thì đông, cần chi tiêu nhiều, còn bố mẹ em thì ở một mình, có gì cần tiêu đâu. Đây cũng là tiền anh kiếm ra thì anh có quyền biếu ai thì tùy”.

Lời anh nói khiến chị thấy buồn, cảm thấy anh không tôn trọng chị. Của chồng công vợ, tiền kiếm ra dù thế nào cũng là của chung hai vợ chồng. Vậy mà anh lại nghĩ rằng, anh kiếm được nhiều tiền hơn vợ thì muốn biếu nhà nội bao nhiêu chị cũng không được có ý kiến.

Biếu quà Tết nội ngoại, sao cho hợp lý - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cùng hoàn cảnh với nhà chị Vân, vợ chồng chị Hoa – anh Trọng cũng không ít lần “cơm không lành, canh không ngọt” vì bàn chuyện biếu Tết nội, ngoại. Cuối năm chị Hoa vừa “nhảy việc” nên thưởng Tết chẳng được bao nhiêu. Còn chồng chị được nhận khoảng 15 triệu tiền thưởng nhưng cả nhà còn biết bao thứ phải tiêu dịp Tết này. Anh Trọng sống ở thành phố, gia đình anh vẫn đang ở quê. Hễ dịp gì được cơ hội “ra oai”, như những đợt về nhà lễ Tết hay giỗ chạp, anh Trọng lại muốn thể hiện đẳng cấp của gia đình thành đạt. Khi thì anh Trọng mua bánh kẹo đắt tiền, lúc lại hoa quả nhập khẩu xịn biếu bên nội.

Năm nay với 15 triệu thưởng Tết, anh quyết định biếu hết hai bên gia đình, rồi mua giỏ quà Tết đẳng cấp. Anh bảo với vợ, năm nay sẽ mua giỏ quà thật đẹp, sang trọng, kèm theo phong bì nữa thì ông bà tha hồ mà đi khoe với họ hàng, làng xóm có con biếu quà Tết chất lượng. Chị Hoa không ích kỷ, vô tâm với bố mẹ nhưng theo chị, biếu quà bậc sinh thành là để thể hiện tấm lòng của các con, đâu phải để “ra oai” với hàng xóm.

Kiếm được bao nhiêu, anh biếu nội ngoại hết nên để có tiền tiêu Tết, chị lại phải đau đầu lo trước, đắp sau, rồi có năm còn phải xin cơ quan ứng trước cả lương tháng sau. Còn anh Trọng, không phải không biết đến tình hình tài chính của gia đình nhưng vì thói quen vung tiền quá trán, thích ra oai nên không ít lần hai vợ chồng chị xung đột.

Đối với gia đình chị Linh, sau nhiều lần vợ chồng cãi cọ về vấn đề mang tên “cuộc chiến biếu quà Tết gia đình”, may mắn là cả hai đã tìm được tiếng nói chung. Vì tuổi còn trẻ, lấy nhau kinh tế lại ít dư dả, không có nhiều tiền “góp Tết” nhưng vợ chồng chị Linh vẫn có cách được lòng cả 2 bên bố mẹ. Từ năm ngoái, vợ chồng chị đã biếu Tết đủ đầy theo cách riêng phù hợp. Thay vì biếu tiền mặt hay những giỏ quà có mức giá tương đối cao, nàng dâu quyết định xắn tay vào bếp làm mứt hay những loại bánh ít đường phù hợp với người lớn tuổi.

Do chị tự tay làm nên thành phẩm vừa ngon, lại bổ, rẻ, nhất là đúng sở thích của bố mẹ hai bên khiến ông bà đều khen tấm tắc. Năm nay, vợ chồng chị Linh áp dụng “công thức” cũ với dự định sẽ trổ tài gói bánh chưng biếu bố mẹ. Do năm nào hai bên gia đình cũng phải đi mua, đặt bánh chưng ngoài hàng nên chị Linh tự tin khi bố mẹ nhận được bánh tự tay con dâu – con gái làm sẽ ưng ý.

Biếu quà Tết nội ngoại, sao cho hợp lý - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, đến sát Tết hai vợ chồng chị Linh lại giúp ông bà 2 bên dọn dẹp nhà cửa và tự trang trí tổ ấm. Năm ngoái, thấy có nhiều mẫu đồ trang trí Tết handmade đẹp, chị Linh lại mày mò mua đồ về tự làm để trang hoàng nhà cửa. Đối với gia đình thu nhập thấp như chị Linh, quà Tết không cần phải là các món xa xỉ hay những phong bao lì xì dày cộp mà chính là tấm lòng chân thành của con cái, có thể là chút bánh kẹo nhỏ, hay là việc dành thời gian chăm chút cho gia đình thôi thì đối với đấng sinh thành đã đáng trân quý rồi.

Một số gia đình khác chia sẻ, họ còn tiết kiệm “đút lợn” từ giữa năm ngoái để có điều kiện biếu Tết bố mẹ. Mỗi tháng, họ lại bỏ vào lợn tiết kiệm một số tiền. Vậy là đến Tết, vợ chồng sẽ có riêng một khoản để biếu Tết nội – ngoại, tuy nhỏ thôi nhưng đó là việc làm có kế hoạch, “của ít lòng nhiều”, phù hợp với những gia đình có thu nhập không cao. Để đến khi cận Tết, vợ chồng sẽ chẳng phải cãi cọ: Lấy tiền đâu mà biếu Tết.

Chị Linh chia sẻ, mỗi cặp vợ chồng, dù thu nhập nhiều hay ít cũng nên suy nghĩ tích cực về chuyện biếu quà Tết nội – ngoại. Bên nào cũng cần biếu Tết hợp lý, có sự đồng thuận của hai vợ chồng, tránh bên trọng bên khinh. Không phải con gái đi lấy chồng rồi là chỉ cần lo Tết nhà nội mà không cần nhớ về nhà ngoại.

Quà biếu Tết cho nội hay ngoại là những gì, nhiều hay ít tùy thuộc vào thu nhập của từng gia đình. Và quan trọng nhất là tấm lòng các con hướng về cha mẹ, sự quan tâm và mong muốn được gắn kết gia đình ngày xuân. Biếu quà Tết to cho bố mẹ, mà các con mâu thuẫn, hay phải vay mượn thì chẳng bố mẹ nào vui lòng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.