Căn hộ tầng trên và bé gái ở Kon Tum
Đây là hai câu chuyện có thật mà tôi chứng kiến từ nhiều năm trước nhưng vẫn để lại cho tôi nhiều suy ngẫm về vấn đề an toàn cho phụ nữ, trẻ em và cách ứng xử của chúng ta.
Câu chuyện thứ nhất: Người vợ trong căn hộ tầng trên
Tôi ở trong một khu chung cư thuộc một quận mới của Hà Nội. Cùng khu nhưng khác tầng với tôi có một cặp vợ chồng trẻ. Theo cách hai vợ chồng nói chuyện với nhau, tôi vẫn nghĩ quan hệ giữa họ hoàn toàn bình thường.
Nhưng rồi một lần, tôi vô tình nói chuyện với người hàng xóm ở cạnh nhà cặp vợ chồng đó. Người đàn ông này kể cô vợ rất hay bị chồng bạo hành. “Lúc nào vợ chồng đánh nhau to quá, tôi chỉ biết đứng cạnh cửa nghe. Nếu thấy vợ vẫn khóc nghĩa là không vấn đề gì. Nếu chồng đấm, đá mà vợ không gào khóc thì mới là…nặng”. Tôi liền nói với người đàn ông, từ những lần sau, nếu gặp sự việc tương tự, anh hãy tìm cách can thiệp, hoặc là gọi bảo vệ tòa nhà, công an để trợ giúp người vợ. Nhưng người đàn ông đó lắc đầu: “Mình chả hơi đâu… Vợ nó chả có ý kiến gì còn chồng thì không phải dạng dễ động vào”.
Lòng nặng trĩu, tôi dừng cuộc nói chuyện rồi về nhà... Tôi tìm số điện thoại trợ giúp của các tổ chức dành cho nạn nhân bị bạo lực gia đình rồi gửi lên group zalo chung của tòa nhà, kèm theo lời nhắn: “Các nạn nhân bị bạo lực gia đình hãy liên hệ theo số điện thoại này để được hỗ trợ”. Sau đó, tôi viết 1 bài lên facebook của khu chung cư lên án hành vi bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ… Bài viết của tôi đã nhận được lượng tương tác cao nhất so với những bài viết trước đó tôi viết về những vấn đề khác. Tuy nhiên, khi tôi nhìn vào các lượt thả tim, like… thì đều là từ nick của phụ nữ.
Từ khi biết chuyện, tôi đã cố gắng tiếp cận và trò chuyện với người vợ. Tôi muốn khuyên em đừng cam chịu bạo lực và đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng em luôn lảng tránh và trả lời theo kiểu muốn chấm dứt cuộc nói chuyện càng sớm, càng tốt. Phải chăng, em đã và đang quá quen với việc bị chồng bạo hành? Và những người xung quanh em hình như cho rằng, chấm dứt bạo lực với phụ nữ không phải việc của mình?
Câu chuyện thứ 2: Bé gái ở Kontum
Năm 2017, tôi vào Kon Tum công tác. Trong chuyến đi, tôi đã gặp một em học sinh nữ lớp 5 người nhỏ thó với ánh mắt buồn. Em kể: “Mẹ con mất năm ngoái do bị bệnh. Chị gái lớn của con đã đi lấy chồng ở huyện khác, còn con ở nhà với bố và chị gái thứ hai. Buổi tối, bố hay bảo con đi mua rượu, đường đến quán vừa xa, vừa tối. Nhiều khi bố không đưa tiền, người bán lại không cho mua chịu, thế là về nhà con sẽ bị bố đánh. Một tuần, bố đánh con 3, 4 lần. Bố lấy chân đạp, lấy cái ghế phang vào người, có hôm bố lấy cả cái chai rượu đập vào đầu con, đau lắm”.
Em vén áo, chỉ cho tôi những vết sẹo chằng chịt trên lưng. Tay em cũng đang bầm tím và không giơ cao được. Dù là một người có kiến thức về phòng chống bạo lực, đó cũng không phải lần đầu tôi nghe kể về các vụ việc và thấy những vết tích trên thân thể nạn nhân, nhưng tôi vẫn không thể kìm nén được cảm xúc. Tôi đã khóc và thấy phẫn nộ, xót thương, cả bất lực đan xen.
Sau cuộc gặp, tôi tìm chị Phó Chủ tịch xã, hỏi chị có biết là cháu bé hay bị bố đánh đập không. Chị trả lời: “Xã đã nhắc nhở bố nó mấy lần. Bố nó lành mà cục tính thôi. Con bé bị đánh cũng thương nhưng biết làm sao được”.
Hãy chung tay bảo vệ phụ nữ, trẻ em
Việt Nam đã có Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Tuy nhiên, có khi nào chính khoản 1, Điều 1:“Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam” lại khiến cho nhiều người dân ở cộng đồng, người có thẩm quyền ở cấp cơ sở coi chuyện bạo lực gia đình là vấn đề “nội bộ” của gia đình? Và cũng sẽ khiến nhiều người cho rằng, “văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam” là phải giữ gìn hạnh phúc gia đình theo cách “đóng cửa bảo nhau” và “hòa giải nội bộ”? Đã có nhiều trường hợp, khi được trợ giúp, chính người vợ còn tự từ chối quyền được bảo vệ và phủ nhận tất cả hành vi bạo hành của chồng. Còn người ngoài thì lại nghĩ, hãy để yên cho họ tự giải quyết vấn đề của mình.
Theo tôi, nếu như các điều khoản luật được thi hành một cách nghiêm túc, quy trình nhận diện, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được truyền thông và thực thi một cách chuyên nghiệp, có nhạy cảm giới, tôn trọng nạn nhân và bảo vệ quyền của những người có liên quan (đặc biệt là trẻ em), thì có lẽ, những người như người phụ nữ ở “căn hộ tầng trên” sẽ được tiếp cận và hỗ trợ một cách hiệu quả hơn nhiều. Khi nhận thức của nạn nhân bị bạo lực được nâng cao, họ cũng sẽ không tiếp tục cam chịu như vậy.
Tương tự, từ năm 2004, Việt Nam đã có đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567. Thời gian đầu, chức năng của đường dây là để chia sẻ, giải đáp những vướng mắc trong cuộc sống, trong gia đình, học tập hoặc quan hệ bạn bè của các trẻ em. Sau đó, khi các cuộc gọi yêu cầu tư vấn ngày càng đa dạng và phức tạp, đường dây đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực tư vấn như tâm lý, giáo dục, sức khỏe, pháp luật, chính sách. Đến năm 2010, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 chính thức hoạt động 24/24. Tính đến năm 2017, đã có hơn 2,5 triệu cuộc gọi trên phạm vi cả nước, kết nối trợ giúp và can thiệp cho hơn 2.000 trẻ em với các dịch vụ khẩn cấp. Tiếp đó, năm 2017, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trực thuộc Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH được thiết lập. Trong 3 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 77.920 cuộc gọi đến, trong đó có 7.270 cuộc gọi được lập hồ sơ, 2.476 cuộc gọi tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, các mối quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, chính sách, pháp luật về trẻ em, 280 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột, mua bán và vi phạm quyền trẻ em.
Có thể thấy, nếu như quy trình về bảo vệ quyền trẻ em được phổ biến, thực thi một cách mạch lạc, rõ ràng, thông suốt từ cấp địa phương; nếu như các cán bộ có thẩm quyền nhận thức bạo hành trẻ em là vấn đề xã hội cần được cấp thiết dành sự quan tâm đặc biệt, nếu họ được trang bị kỹ năng và tuân thủ quy trình bảo vệ trẻ em theo luật định, đạt chuẩn về thực thi công vụ thì những trường hợp như “em bé Kon Tum” sẽ được hỗ trợ hiệu quả và kịp thời hơn.
TRẦN THỊ PHƯƠNG NHUNG
Nguyên Giám đốc quản lý Sáng kiến về Bình đẳng giới và Giáo dục trẻ em gái của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam