Chất lượng bếp ăn tập thể tại trường học: Vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bước vào năm học mới, việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể của các trường học vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên, mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai, góp phần tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, mang lại những bữa ăn chất lượng, đủ dinh dưỡng cho học sinh.

Nhiều trường kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm và bếp ăn

Trên website và bảng tin hàng tuần của trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều công khai đơn vị cung cấp suất ăn, thức ăn bữa cơm hằng ngày của học sinh. Theo bà Phạm Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phương Liệt, trong các buổi họp phụ huynh học sinh, nhà trường cũng đã công khai đơn vị cung cấp suất ăn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến, thực đơn bữa ăn, danh sách ban giám hiệu, giáo viên, học sinh tham gia giám sát. “Chúng tôi không chỉ tạo điều kiện mà còn đề nghị phụ huynh, học sinh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn bán trú từ khâu giao nhận thực phẩm, kiểm tra chế biến, định lượng, góp ý xây dựng thực đơn cùng nhà trường” – bà Huyền nói. 

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Nam cũng khẳng định, việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh trường THCS Thanh Xuân Nam hiện đang thực hiện theo phương thức ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn. Nhà trường chỉ ký hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, đầy đủ giấy chứng nhận ATTP... “Nhà trường luôn xác định rõ công tác ATTP tại bếp ăn tập thể trường học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Để làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi tiếp tục duy trì các quy trình bảo đảm tuyệt đối an toàn bữa ăn trong trường học, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho phụ huynh khi giao phó con em cho nhà trường” – bà Thanh Hương nói. 

Theo ông Đặng Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, để đảm bảo chất lượng ATTP trong các trường học, từ năm 2019, quận đã triển khai thực hiện và duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn quận; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo ATTP theo quy định..., nhờ đó, công tác đản bảo ATTP tại bếp ăn tập thể đã có sự chuyển biến tích cực, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và mắc bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm, đảm bảo bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng cho học sinh…

Chất lượng bếp ăn tập thể tại trường học: Vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh - ảnh 1
Đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân, báo Hànôịmới và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chủ trì tọa đàm 'Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học''

Còn tại quận Đống Đa, theo bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa cho biết, hiện nay, 100% số trường trên địa bàn quận đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đồng thời niêm yết công khai, đầy đủ chứng nhận này; 100% cán bộ tại các trường được được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% số bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP; 100% nhà trường có tổ giám sát về ATTP… Ông Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh thì khẳng định, từ năm 2018, huyện Đông Anh đã ban hành Đề án về việc bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục. Hằng năm, huyện cũng đã ban hành văn bản về ATTP, đồng thời tổ chức kiểm tra thường xuyên. “Chúng tôi quan niệm phải tuyên truyền thật tốt để các cơ sở giáo dục kịp thời điều chỉnh hành vi và thực hiện đúng. Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban chỉ đạo; phối hợp cha mẹ học sinh kiểm tra, giám sát thường xuyên; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát thực phẩm tại các cơ sở giáo dục… Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm túc theo quy định; công khai kết quả xử lý vi phạm trên các cơ quan thông tin đại chúng” – ông Nghĩa nói. 

Kiên quyết không để các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm: Tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn (trung bình khoảng 480-500 suất ăn/ngày/trường). Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1%.

Trước thực tế trên, trong các năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai. Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu: 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP; niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường; 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% bếp ăn tập thể tại các trường thành lập tổ tự giám sát, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên…

Chất lượng bếp ăn tập thể tại trường học: Vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh - ảnh 2
Minh họa bếp ăn tập thể

Tại buổi tọa đàm “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học'” mới đây, ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, kế hoạch mô hình thí điểm kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường tiểu học này đã được đánh giá 1 kỳ học (học kỳ 2 năm học 2021-2022), bước đầu có kết quả tốt. Tuy nhiên, để có quyết định nhân rộng mô hình này thì phải chờ đến kết thúc năm học 2022-2023. 

Ông Phong cũng nhấn mạnh: Hiện trên toàn thành phố có 4.526 cơ sở giáo dục, gồm các cơ sở mầm mon, tiểu học và THCS, trong đó có hơn 6.700 bếp ăn. Với khối lượng các bếp ăn lớn như vậy, đơn vị quản lý sẽ khó phát hiện được cơ sở vi phạm. Do đó, để giải quyết khó khăn này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phân cấp đối với các tuyến quận huyện, quản lý các bếp ăn ở các trường trung học phổ thông, tiểu học, mầm non trên địa bàn. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ dựa vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý. Theo đó, các đơn vị không lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử phạt hành chính tới 8 triệu đồng.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lo ngại, so với các trường mầm non, việc kiểm soát tình hình dinh dưỡng bữa ăn tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục có phần khó hơn. Sau dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặc biệt tăng cường tuyên truyền, kiểm tra để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố, huy động sự tham gia giám sát của cha mẹ trẻ; các đoàn thể tại địa phương; đồng thời, xây dựng các nhóm lớp điểm về chăm sóc nuôi dưỡng… “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục để bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố” – bà Hương cho biết.

Còn ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì kiến nghị, khi phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP, các đơn vị cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.