Chị em ruột, nhà chung vách, sao như ao nước lã?

Chia sẻ

“Chị em gái như trái cau non, chị em dâu như bầu nước lã”, rồi thì “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, các cụ xưa nói vậy tưởng đã đúng, nhưng mà chả đúng với nhà em!” - Mai rưng rưng dốc bầu tâm sự - “Nhà em ở sát vách nhà chị gái, hôm qua giỗ mẹ chồng em, vợ chồng em sang tận nhà trân trọng mời anh chị và các cháu qua ăn giỗ, thế mà chả ai sang...

Nhà Mai có 3 chị em ruột. Bố mẹ chia đất ở ra 3 phần, chị Lan và Mai lập gia đình thì xây nhà riêng, còn cậu trai út thì ở với bố mẹ. Lạ là, nhà sát vách nhau, nhưng hầu như chả ai sang nhà ai chơi, chị em gái cũng không sang “buôn dưa lê” bao giờ. Mai thì nhiều lúc sang và muốn sang nhà chị gái, nhưng thấy không phải chỉ anh rể lạnh như băng mà cả chị gái cũng lạnh, nên cô chỉ dám ngồi 5-10 phút rồi về. Nhiều khi Mai nghĩ, có thể do nhà chị gái quá giàu mà nhà mình nghèo nên anh chị coi thường. Nhưng nghĩ lại thì tuy còn nghèo, nhưng vợ chồng Mai chưa bao giờ hỏi xin đồng bạc nào của nhà chị gái. Cuộc sống vợ chồng Mai hoàn toàn do 2 bàn tay tự làm ra, nuôi con ăn học, mua sắm đồ dùng, thậm chí xây nhà cũng là tự vay mượn rồi tự trả. Chưa bao giờ được cậy nhờ gì vợ chồng chị gái.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực ra những ngày vợ chồng mới ra ở riêng, xây nhà là cả một bước vô cùng khó khăn, chủ yếu phải vay mới xây được, rồi tính làm lụng tích cóp trả dần. Mai cũng gợi ý chồng là qua nhà chị Lan vay anh chị một ít, anh chị giàu thế, làm ăn thuận lợi nên phất như diều gặp gió, các em làm nhà thì ít nhiều anh chị cũng cho vay. Nhưng chồng Mai nghĩ khác. Anh chị là bề trên, lại là người có tiền, nếu thương em, muốn giúp em thì phải “bật đèn xanh” rồi hỏi vay mới dễ, chứ anh chị lờ đi như không, chả hỏi han xem các em xây nhà thế nào, bao nhiều tầng, dự kiến hết bao tiền, có lo đủ tiền xây không... Anh chị chả quan tâm, nên hỏi vay cũng khó, có khi bị từ chối lại đâm ngượng. Mai thấy chồng nói cũng có lý, nhưng cô cũng nói lý lại: “Em nghĩ ta cứ hỏi vay, nếu anh chị cho vay thì tốt, biết đâu anh chị lại... cho một khoản thì càng tốt nữa. Còn nếu không cho vay thì sau này cũng không thể cao giọng trách các em là ‘anh chị chuẩn bị sẵn rồi mà không thấy các em hỏi vay thì sao?”. Thấy vợ nói thế, chồng Mai bảo: “Tùy em! Anh thì không dám hỏi 2 bác ý đâu nhé!”.

Chồng không hỏi vay thì Mai là em ruột, Mai hỏi. Cô sang nhà, e dè gặp hỏi nhỏ chị gái, nếu anh chị đồng ý cho vay thì vợ chồng em xin phép sang đặt vấn đề vay 2 bác, bọn em viết giấy vay nợ, hẹn thời gian trả. Lan nghe em gái nói xong, trả lời gọn lỏn: “Vợ chồng tôi không có tiền cho vay!”. Mai chưng hửng, lí nhí chào ra về.

Mai về nhà, lấy ngay cái khăn mặt dấp nước thật ướt, úp mặt vào đó khóc. Cô không muốn ai đó (kể cả chồng) nghe thấy tiếng khóc tức tưởi của mình. Cô ngẫm lại, thấy mình luôn sống biết điều, ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, tháo vát, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Từ bé, chị em sống cùng bố mẹ, những việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, nhất là lau dọn toilet, chị Lan thường sợ hỏng bàn tay búp măng nên toàn đùn đẩy cho Mai. Mai chả nề hà, chăm chỉ làm tất. Những dịp chuẩn bị Tết, là lúc phải lau dọn nhiều, nhà cửa bàn ghế bụi bặm cần lau để khang trang đón năm mới, rồi rửa cốc chén, ly tách, bát đĩa... cũng chả bao giờ Lan làm, hoàn toàn vào một tay Mai. Cô luôn nhường nhịn chị, không lẽ nào trong lòng chị không có chút tình cảm yêu thương nào cho em gái? Hay chị quá giàu nên coi thường mình nghèo?

Hàng xóm nhà Mai có 2 nhà của 2 chị em gái, họ rủ nhau cùng bán nhà nơi khác, mua về đây để ở cạnh nhau cho vui, là chị Bích và chị Thu. Lúc các con còn bé, họ gửi con nhờ nhau trông; Lúc các con đi học, họ chia nhau đón đưa; Họ nấu món ngon đều chia sẻ cho nhau, thậm chí các chị có gì cũng hay cho nhà Mai. Lúc thì nải chuối, lúc nắm lá vối, mấy quả cam, quả bưởi ở quê gửi ra... Khi cha mẹ già ốm đau nằm viện, họ chia nhau trực, lo cơm cháo; Thứ 7, CN hay ngày giỗ ngày Tết họ tổ chức liên hoan... Nhìn anh chị em, con cháu họ ra vào nhà nhau tíu tít, cười nói xôn xao, vui như hội, khiến Mai chạnh lòng. Cô mơ một ngày chị em gái nhà mình cũng có được tình cảm yêu thương, chia sẻ, quấn quýt như thế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một lần Mai lấy can đảm sang nhà chị Thu, “tâm sự”, hỏi bí quyết. Chị Thu chân thành chia sẻ:

- Thực ra, chị em ruột thịt mà lạnh lẽo với nhau như chị em nhà Mai cũng hiếm. Nhưng còn hơn mấy nhà mà anh chị em chém nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí tước đoạt tính mạng ruột thịt chỉ vì tranh chấp tài sản cha mẹ để lại. Còn kinh nghiệm nhà chị Thu, cơ bản vẫn là được bố mẹ dạy dỗ từ tấm bé. Mẹ chị thường hát ru các con: “Anh em như chân với tay/ Như hoa liền cội, như cây liền cành”; “Con ơi nhớ lấy câu này/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”... Bố mẹ chị cũng luôn làm gương trong ứng xử, quan tâm, sẻ chia với anh chị em ruột thịt, họ hàng. Nhất là lúc anh chị em trong nhà, trong họ gặp khó khăn, cần giúp đỡ, bố mẹ chị đều bằng mọi cách trợ giúp. Có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít. Con cái nhìn vào noi gương các cụ. Tuy nói vậy, nhưng trong quá trình sống, ngoài anh chị em ruột thì còn có dâu, rể, nên cũng không phải anh chị em không có những điều không hài lòng nhau, nhưng bố mẹ chị đều phân xử công bằng, không bênh con gái. Nhiều khi các cụ còn bênh con dâu hơn ấy chứ, vì mẹ chị quan điểm rằng: con dâu là con gái người ta, cha mẹ sinh ra nuôi lớn, cho ăn học rồi đem qua nhà mình, cha mẹ nào cũng xót con mình cả, nên nhà chồng phải dùng tình thương để đối đãi, để con dâu yêu nhà chồng như nhà đẻ, có thế mới có hạnh phúc bền vững.

Chị Thu cũng nói rằng, chị em ruột cũng có lúc va chạm chứ, nhưng phải biết nín nhịn, đừng khi nóng lên chỉ thấy mình đúng mà không thấy người khác đúng. Cứ phải nhịn đã, sau đó bình tĩnh thì sẽ biết ai đúng ai sai. Bề trên sai cũng phải biết xin lỗi, biết giảng hòa, chứ không chỉ bắt người dưới xin lỗi, nếu thế không ai phục, sẽ không bao giờ có hòa khí trong gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mai nghe chị Thu nói rất thật lòng, cô ngẫm, thấy bố mẹ cô đúng là chưa quan tâm đúng mực đến dạy dỗ con cái. Ông bà sống đơn giản, thậm chí sau khi bố mất, mẹ vẫn ở với con trai út chưa lấy vợ, thế mà giỗ bố hay giỗ ông bà nội ngoại, chưa bao giờ thấy bà gọi con cái về, bàn bạc xem giỗ như thế nào, ai làm việc gì. Nhiều lần Mai xăng xái chạy về trước 1-2 ngày, hỏi mẹ xem chuẩn bị giỗ chạp ra sao, mẹ cần chúng con làm gì không? Bà bảo: “Ôi dào, có gì đâu, đơn giản, mẹ có gì cúng nấy, chúng mày muốn về thì về, không về thì thôi”. Nghe mẹ nói thấy mất hứng, thậm chí chị Lan lấy cớ đó không mấy khi về tham gia giỗ ông bà nội ngoại, chỉ có giỗ bố là chị còn đáo qua, thắp nén hương gọi là có, rồi đi, cũng chả buồn ở lại thụ lộc. Mai thì luôn xác định trách nhiệm, cô sắm sanh hoa quả đem đến sớm, giúp mẹ dọn ban thờ, nấu nướng, bày biện đồ cúng. Nhưng có lẽ do mẹ cô không mấy quan tâm, hoặc rất thờ ơ mọi chuyện, nên bà cúng cơm cũng gọi là qua loa đại khái, có gì cúng nấy, cũng không có ý giữ con cháu lại thụ lộc, không mời các thế hệ ruột thịt ăn với nhau bữa cơm, kết nối tình cảm, nên con cháu ai nhớ thì đến, không thì thôi; Ai ở lại ăn giỗ cũng được, không thì cũng không sao. Bởi thế bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ chị Lan đưa chồng con sang cúng giỗ bên nhà đẻ, dù là đất ở do bố mẹ chia cho, nhà xây sát vách với mẹ, chứ không phải do xa xôi, bận rộn gì mà không đến được. Dần dần đâm ra vợ chồng chị cả vô trách nhiệm với cha mẹ, họ hàng và các em ruột.

Mai nuốt nỗi buồn vào trong, thôi thì anh chị lạnh nhạt, nhưng mình là phận em, nhân giỗ mẹ chồng, mình cứ mời anh chị sang giỗ xem sao. Biết đâu cứ năng đi lại thì năng thân. Nghĩ vậy nên trước hôm chuẩn bị giỗ, Mai sang nhà mời vợ chồng chị Lan. Anh chị cũng gật gù. Mai đinh ninh thế là anh chị nhận lời. Cô cũng bảo chồng cùng sang mời mẹ và em trai. Hôm đó vợ chồng Mai có mời thêm 3 cặp vợ chồng bạn thân. Mai chuẩn bị cỗ bàn thật chu đáo, vì nhà chị Lan giàu thế, sợ món không ngon lại ngại anh chị không hài lòng. Ngày giỗ, mọi người đến sớm vừa trợ giúp Mai nấu nướng, bày biện, vừa nói cười vui vẻ. Thấy mẹ của Mai sang, mọi người xúm xít hỏi thăm sức khỏe, biếu tiền cụ tiêu vặt rất vui. Mấy đứa trẻ con thì chạy ra chạy vào đùa nghịch. Trong lúc ấy, Mai vẫn thi thoảng lại ngóng ra cửa xem vợ chồng chị gái đã qua chưa, để còn dọn mâm ra ăn kẻo muộn quá đồ nguội mất. Nhưng chờ mãi đến 12h trưa, vẫn không thấy chị Lan, Mai lén chạy qua nhà chị gọi, nhưng cửa khóa. Mai gọi điện thoại, Lan bắt máy à ờ, anh có việc đi vắng rồi, chị ra sân bay tiễn cô bạn ở nước ngoài về chơi bị kẹt Covid, nay bay. Mai hỏi chị sắp về chưa, mọi người đợi chị về ăn cơm nhé? Lan bảo: “Thôi thôi, tôi không về kịp đâu. Tôi cũng không qua đâu. Mọi người không phải đợi!”, rồi cúp máy.

Mai không khóc, nhưng nước mắt cứ ứa ra. Mọi nỗ lực, cố gắng của Mai để mong kết nối tình ruột thịt coi như đổ xuống sông xuống biển. Không lẽ nào giọt máu đào không bằng ao nước lã?

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.