Chồng tôi quay lại với vợ … cũ

Chia sẻ

Người phụ nữ 60 tuổi bắt xe từ một tỉnh cách Hà Nội gần 100km đến văn phòng tư vấn tâm lý của chúng tôi ngay sau khi Hà Nội và tỉnh đó có sự nới lỏng giãn cách xã hội. Chị mang theo nỗi niềm về chồng mình, hiện nay 65 tuổi, bỗng dưng dọn đồ đạc, quần áo, “trốn” về ở với vợ cũ và con chung của 2 người, không nói với chị một lời.

Gần 30 năm trước, khi ấy chị là một người vợ trẻ, một nách hai con, cuộc sống nông thôn vất vả với vài sào ruộng cấy lúa. Chồng chị vi phạm pháp luật, nên phải đi tù 5 năm. Vừa buồn tủi, vừa xấu hổ, mặc cảm với dân làng, họ hàng, bạn bè, nên chị lao vào làm việc, vùi đầu vào chăm con, đêm đêm khóc thầm. Mỗi tháng chị gửi con cho ông bà nội của chúng để đi thăm nuôi chồng đang ở một trại giam ở tỉnh khác xa xôi. Ngày ấy xe cộ khó khăn, ô tô cũng hiếm, xe ôm cũng không có, tắc-xi lại càng không. Hôm nào đi thăm chồng là chị dậy từ sớm, đi bộ từ nhà lên huyện khoảng 10 cây số, rồi chờ xe ô tô từ huyện đến thị xã của tỉnh nọ, rồi từ đó chị đi bộ tiếp vào trại với chồng.

Trong một chuyến đi trên xe khách, chị ngồi cạnh một người đàn ông trẻ, có hình thức đẹp, trắng trẻo, ăn mặc lịch sự, không ra dáng vẻ nông dân. Sau khi làm quen, hỏi han tình hình, biết anh là một cán bộ xã cùng huyện, không xa chỗ nhà chị lắm, anh chị thấy như gặp người thân quen. Rồi mấy ngày sau anh ấy đến chơi, cho quà bọn trẻ, tỏ vẻ thương cảm hoàn cảnh mẹ con chị. Lần đi thăm chồng tiếp đó, chị không phải đi một mình, mà có anh ấy tình nguyện chở xe máy. Chị nói ngại phiền, ngại mọi người dị nghị, chị phải giữ gìn bởi chồng đi tù mà ở nhà có đàn ông đến nhà là không hay. Để giữ cho chị, anh hẹn đón chị ở cổng nghĩa trang liệt sĩ của xã, chị đi bộ ra đó. Anh chuẩn bị bánh chưng, giò, bánh mì, nước ngọt cho hai người ăn trên đường và cả quà cho chồng chị nữa, những món quà mà chị ít khi để ý mua cho chồng như bao thuốc lá, gói café hoà tan, gói thuốc lào. Chị khen anh chu đáo, anh khen chị nhân hậu, tử tế, sống hết lòng với chồng, nhưng anh nói thương chị vất vả, gian truân. Chạm đúng nỗi lòng, chị khóc như mưa và úp mặt vào lưng anh khóc, nói cái số vất vả, phải chịu chứ biết làm sao…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh cũng kể anh cũng có vợ và 2 con, một trai, một gái, ngang với tuổi con của chị. Anh là cán bộ xã, không có lương mà chỉ có phụ cấp, nhưng cũng có nghề, nên làm thêm, có đồng ra đồng vào, kinh tế không khó khăn. Nhưng anh cũng buồn vì vợ anh là người “không được khôn ngoan”, sau một lần ốm đi viện, chị trở nên lờ đờ, chậm chạp, nhận thức kém dần. Anh cũng nói anh không hạnh phúc.

Mưa dầm thấm lâu, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, rồi cũng đến ngày anh ấy ôm chầm lấy chị, nói yêu và thương chị, muốn cả hai giải phóng khỏi tình trạng hôn nhân bất hạnh hiện nay, để đến với nhau, chia sẻ vui buồn, hạnh phúc. Chị không cưỡng lại được sự nhiệt tình của anh, chị buông xuôi và họ đến với nhau trong sự khinh bỉ, nguyền rủa của thiên hạ. Người đời chửi anh ấy là cán bộ xã mà đi cướp vợ thằng tù. Người ta chửi chị là “loại lăng loàn”, chồng đi tù mà cũng bỏ để đi lấy người đàn ông giàu sang, chị mang tiếng “tham phú phụ bần”, “có mới nới cũ”. Kẻ độc miệng bảo chị là “mắc bệnh thèm giai”. Chị kể, cả hai cũng cay đắng, nhưng chấp nhận phớt đời, bơ đi mà sống.

Chị ly hôn chồng, một mình nuôi cả hai đứa con. Chồng mới của chị bỏ vợ, nhưng hai con vẫn sống cùng vợ, anh chỉ hỗ trợ tiền nuôi con. Anh chị lấy nhau, cất tạm ngôi nhà trên mảnh đất lề đường, chỉ như cái quán chợ. Chị bắt đầu học buôn bán, bắt đầu từ phân lân, đạm ure, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Chị thú nhận, ở nông thôn ngày ấy mà chỉ trồng cấy thì khó đủ ăn. Muốn khá giả phải có nghề phụ như làm bún, bán quán, mổ lợn bán ở chợ, hay buôn bán, kinh doanh. Anh chị có thêm hai đứa con chung, tổng cộng chị chăm sóc cả 4 đứa con, 2 con riêng của mình và 2 con với người chồng sau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị làm ăn ngày một khá giả, bà con dân làng bắt đầu quý mến, yêu thương chị. Ngược lại, anh ngày càng trở nên xuống dốc. Anh không còn được làm cán bộ xã nữa, chuyển sang lao động tự do. Hết theo đám thợ đi xây ở các công trình xa, lại lên Lạng Sơn, Lào Cai làm bốc vác, lâu lâu mới về. Tiền bạc thì không bao giờ anh đưa cho vợ cầm, chỉ có việc gì phải tiêu nhiều, chị hỏi thì anh mới đưa chút ít, còn anh giữ riêng. Anh vẫn giữ được dáng vẻ đẹp mã, ăn nói khéo léo, đi đâu cũng được các chị em phụ nữ yêu quý, lại hay lô đề, cờ bạc, nên tiền làm ra cũng chẳng giữ được là bao. Công to việc lớn, nuôi nấng và cho con ăn học, một tay chị đảm đương. Hai con riêng, chị phải cho nghỉ học sớm, vậy mà đứa nào cũng ngoan ngoãn, chịu khó, thông minh, biết suy nghĩ, thương mẹ. Giờ con gái lấy chồng ở Hạ Long, con trai lấy vợ ở làng, có con rồi, làm ăn khấm khá, thỉnh thoảng biếu mẹ tiền tiêu vặt. Hai đứa con chung với chồng, chị cho ăn học tử tế, đứa lớn làm trong ngành công an, đứa nhỏ cũng 24 tuổi, đã học xong đại học và đang làm ở Hà Nội, đang có dự định mua chung cư, lấy vợ vào năm sau.

Chị ngày càng khá giả, con cái thương mẹ, cả con riêng lẫn con chung. Anh ngày càng trở nên bê tha, lắm lời, khó tính, hay mắng nhiếc con cái là “mất dạy”, “bất hiếu”, đòi hỏi các con phải cho mình tiền tiêu hàng tháng… Các con xa lánh bố, bố con không nói chuyện được với nhau, anh ấy quay sang đổ lỗi cho chị là lôi kéo con cái chống lại bố, cậy có tiền, coi thường bố. Mấy năm nay, chẳng bữa nào có cơm lành canh ngọt, ngày nào cũng đá thúng đụng nia, cũng gây sự để mắng nhiếc chị. Các con đều ở xa hết, một mình chị gánh chịu những bực bội của anh trút lên đầu mình.

Đau nhất là cách đây một tháng, anh tự động dọn hết quần áo, đồ dùng cá nhân và về ở bên nhà con trai cả với vợ cũ. Con trai cả của anh làm ăn kém cỏi, kinh tế khó khăn, nợ nần, nát rượu, vợ anh không lấy ai nữa từ đó đến giờ, ở cùng con trai cả. Được tin này các con chị, cả con chung lẫn con riêng, tức điên, chúng nói bố phản bội mẹ, xui mẹ ly hôn, chúng hứa sẽ lo cho mẹ suốt đời. Nhưng chị còn tình cảm, chị còn đắn đo, chị không muốn có cuộc sống xáo trộn. Chờ mãi mới bớt dịch Covid, chị liền đi Hà Nội để tìm chuyên gia tư vấn. Chị ngại tâm sự với người thân quen về hoàn cảnh của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trò chuyện tâm sự với chị, chúng tôi khơi gợi những cảm xúc tích cực, sự nhìn nhận tử tế, nhân văn, biết ơn trong con người chị. Chị hãy nghĩ đến những khó khăn khi hai người đến với nhau, nghĩ đến suốt ba mươi năm qua chị sống một đời vợ chồng với anh ấy. Anh ấy bị xô đẩy hết chỗ này đến chỗ khác, một phần bắt đầu từ cuộc hôn nhân “thiếu đàng hoàng” của anh ấy với chị hồi trẻ. Người xấu miệng có thể nói anh bị “quả báo”. Suốt một thời trai trẻ anh ấy là của chị, giờ là ông lão 65 tuổi, ngẫm ra chẳng có gì trong tay. Không tiền, không nhà cửa, bởi cái nhà đang ở cũng là do bàn tay chị làm nên, có con mà chẳng đứa nào yêu thương, vợ ngày càng khá giả và độc lập, anh ấy cảm thấy cô đơn, bị ra rìa, bắt đầu cuống cuồng nghĩ đến tương lai sắp tới. Khi có tuổi, anh ấy cũng bắt đầu có cảm giác hối lỗi, ân hận về việc mình bỏ vợ và các con từ nhỏ, chính vì thế chúng mới không ngoan ngoãn, thành đạt như con của chị. Về khía cạnh tâm linh, anh ấy nhận ra cậu con trai với vợ trước mới là “trai cả”, là “cháu đích tôn” của ông bà nội, là người thờ cúng anh ấy sau này, dù anh ấy không tròn trách nhiệm với chúng nó. Việc chuyển dịch từ nhà chị về nhà con trai cả là vì anh ấy, không phải là sự ngoại tình với vợ cũ. Nếu anh ấy còn yêu thương vợ cũ, chắc không phải đợi đến 30 năm sau, khi đã trở thành ông già trắng tay đâu. Anh ấy muốn gần gũi với con trai cả như sự chuộc lỗi, như tìm chỗ dựa cho chính mình, đồng thời cũng là sự “hờn dỗi” đối với mẹ con chị.

Tình yêu có thể mai một, nhưng nghĩa vợ chồng chắc vẫn còn. Suy nghĩ kỹ chị sẽ thấy thương anh ấy và có cách cư xử khác. Chị phải là cầu nối giữa anh ấy và các con, đừng đẩy anh ấy ra xa gia đình. Cứ để anh ấy được làm những gì anh ấy thích, anh ấy muốn, không ai “cướp” anh ấy đâu. Nếu anh ấy về nhà chị, vẫn cơm nước cho anh ấy, tâm sự, hỏi han xem anh ấy nghĩ gì, muốn gì. Hôm nào bên kia có việc, anh ấy ở bên ấy cũng chẳng sao, coi như người đàn ông nhiều con, thích ở chỗ nào, với con nào cũng được. Đừng nghĩ rằng anh ấy “quay về với vợ cũ” mà sinh lòng ghen tuông. Hãy nhớ, anh ấy dành trọn cuộc đời, trọn tuổi thanh xuân ở bên mẹ con chị đấy.

Chúng tôi thấy chị rơm rớm nước mắt, chị bảo chị vẫn yêu anh.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.