Chồng “vội”

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Anh không nghĩ là em lại ngại khổ trong việc chăm con thế này đâu đấy! Loan hết sức sững sờ, không dám tin người vừa nói ra câu đấy là Tú - chồng mình, bố của con mình nữa. Chỉ vì cô đề nghị ngủ riêng, cho hai bố con Tú ngủ với nhau để cai sữa đêm cho thằng bé, mà chồng không những không hiểu, lại còn phán câu xanh rờn như thế.

Cả tháng nay hai mẹ con Loan ốm lay lắt vì thời tiết. Loan đã dùng liên tục kháng sinh, người chỉ thấy mệt hơn chứ không khỏe ra tí nào. Dùng thuốc nên phải ngưng cho con bú, cô cũng định nhân dịp này cai sữa đêm cho thằng bé luôn. Việc này đã được cả hai vợ chồng thống nhất. Thế nhưng, không có ti mẹ, con Loan khóc ngằn ngặt, và nếu chỉ có Tú nằm cạnh thì anh không tài nào dỗ nó nổi. “Giá như anh nói mình ngủ cùng rồi tách con dần dần để con quen thì còn nghe được, đằng này chỉ vì không dỗ được con mà đổ vấy trách nhiệm lên đầu vợ, thì đúng là không thể chấp nhận nổi”, Loan chán chường.

Sự chán chường ấy của Loan không phải bây giờ mới có. Mà nó bắt đầu nhen nhóm và lớn dần kể từ ngày cô và Tú chính thức là vợ chồng. Loan, lúc ấy tuổi đã gần 30 và rất sốt sắng việc phải lấy chồng vì bạn bè cô đã có chồng, có mấy đứa con hết cả rồi. Nhưng tìm mãi không ra… chồng, cuối cùng, qua sự mai mối giữa mẹ Loan và mẹ Tú - vốn là hai người bạn cũ của nhau, cả hai biết nhau, rồi làm quen, rồi yêu và cưới chỉ trong vỏn vẹn… 2 tháng. “Yêu ít, cưới vội nên giờ mới cám cảnh”, lần nào có dịp buôn chuyện với hội bạn, Loan đều thở than như thế.

  Chồng “vội” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Khi mới quen nhau, Loan biết Tú là một dược sĩ tại một công ty lớn về sản xuất và phân phối thuốc. Mức lương ổn định, công việc lại cực kỳ tri thức đã nhanh chóng cho Loan một mường tượng, một ảo ảnh rằng Tú có lẽ là một người đàn ông chỉn chu, cẩn thận, thông minh và có cuộc sống được sắp xếp hết sức khoa học. Và thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Tú cẩn thận trong việc mua hàng online. Anh có thể dành ra cả buổi tối, cho tới nửa đêm chỉ để săn một món đồ được giảm còn 1.000 đồng, hoặc chúi mũi vào để tìm nơi bán một sản phẩm nào đó với giá rẻ nhất. Tiết kiệm không hề xấu, Loan đã tin như vậy cho đến khi cô giật mình vì bị chồng mắng: “Sao em có thể phung phí như thế?” khi mua một bộ kem dưỡng da có giá nhỉnh hơn 1 triệu đồng một chút. Dù anh là một người làm về thuốc và biết rõ, cái giá ấy với mỹ phẩm là hết sức bình thường.

Loan gặp nhiều sự cố “hết hồn” như thế trong cuộc sống hôn nhân và cô cứ cảm giác như con đường tình yêu cứ thi thoảng lại cho mình vài cái hố để cô bước hụt. Tú còn bừa bãi nữa. Quần áo đi làm về là vứt lung tung mỗi thứ một nơi. Thế nhưng, anh luôn thao thao bất tuyệt với Loan về sự sạch sẽ, nhất là trong vấn đề ăn uống, vệ sinh của con. Biết nói nhưng không biết làm. Tiêu biểu là có lần anh mang hết đồ chơi của con, đem rửa xà phòng và cho vào một nồi nước đun sôi để… tiệt trùng, rồi… rồi bỏ đó mà đi chơi game. Chỉ đến khi cả nhà ngập trong mùi nhựa khét lẹt, Tú mới biết, đống đồ chơi đã thành than. Loan ngán ngẩm: “Em chẳng hiểu anh sạch sẽ kiểu gì nữa!”.

Càng về ở với nhau, nếu bình thường con dâu sợ mẹ chồng nói nhiều, soi mói, hạch sách, thì đây, Loan lại chẳng lo mẹ chồng bằng chồng mình. Tú nói nhiều và lắm lí lẽ kinh khủng, tới nỗi Loan - một cử nhân trường Luật và đang làm pháp chế cho một công ty lớn cũng phải chào thua. Vì nói nhiều nên Tú sẽ… làm ít. Nếu về quê, anh chỉ suốt ngày sai khiến mẹ phải làm thế này mới đúng, chỉ đạo vợ phải thực hiện như thế kia, sai một ly là bị anh chỉnh cho một… dặm. Thế nên mới có chuyện, cả mấy ngày Tết, các cô bác họ hàng nhà chồng chung một nhận xét rằng Loan ít nói quá, chỉ làm thôi! 

  Chồng “vội” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bởi thế, việc Tú bảo Loan thiếu trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ trong việc chăm con - nếu bình thường thì Loan cũng coi như mình điếc, không nghe câu ấy. Nhưng đằng này đang ốm dở, con thì quấy, công việc thì túi bụi, lộn xộn, chẳng đâu vào đâu. Chồng “tương” cho ngay câu ấy giữa lúc bộn bề chẳng khác gì bùng lên ngọn lửa trong lòng Loan. Nhịn lâu rồi, nay không thể chịu đựng nổi nữa, cô quát chồng, to đến nỗi thằng bé con giật mình thon thót: 

- Anh mới là người vô trách nhiệm! 

Rồi cô bắt đầu kể lể rằng Tú vô trách nhiệm như thế nào. “Đêm nào anh cũng ngủ thẳng cẳng, còn em thì 4-5 lần dậy dỗ con, cho con bú. Vậy ai mới là người ngại khổ đây? Đã thế đi làm về, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, em đều làm hết, như thế là em ngại khổ à? Anh nói cái gì cũng hay, vậy anh tắm cho con được lần nào chưa? Con nôn con trớ anh chủ động dọn được tí nào chưa, hay phải chờ em về dọn bằng được? Về quê thì anh sai mẹ, trên này thì anh sai vợ, cả nhà nhường anh quá nên anh càng lấn tới à?”.

Loan cứ nghĩ chồng sẽ im lặng và ngẫm nghĩ lời cô nói, rồi xin lỗi. Nhưng không, Tú nói nhiều hơn Loan - đó là điều không thể bàn cãi. Tú bắt đầu bài thuyết trình của mình – lúc ấy là hơn 12 giờ đêm, đại ý rằng, là phụ nữ, Loan nên lấy gia đình là trên hết và phải biết hy sinh. “Anh là đàn ông, đâu phải cái gì anh cũng đụng vào được? Lương tháng anh đã đưa em hết, giờ em còn muốn anh làm thêm gì nữa?”. Tóm lại, Tú thao thao bất tuyệt một hồi và kết luận rằng, Loan vẫn đang muốn trốn tránh trách nhiệm của một người mẹ.

Loan hậm hực, bế con sang phòng khác ngủ. Hôm sau, cô gọi điện cho cả hai bên bố mẹ ra để họp gia đình. “Con định ly hôn!”, lý do ấy khiến mẹ Loan giật nảy mình, xếp đồ lên xe, ra Hà Nội ngay lập tức. Có mặt đông đủ người lớn, Loan và Tú, mỗi người “thuyết trình” một bài dài lê thê, kể tội nhau, rồi quay qua trách cả bố mẹ, rằng làm mối mà chẳng tìm hiểu kỹ gì cả, để giờ con cái gánh hết. Sau cùng, Loan khóc lóc, nói “con chán cái cảnh này lắm rồi!”.

  Chồng “vội” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Như bao câu chuyện gia đình lục đục khác, bố mẹ hai bên chỉ biết khuyên nhủ vợ chồng Tú – Loan nhường nhịn nhau. “Đứa nào nói nhiều thì giờ nói ít lại, làm nhiều lên, đứa nào khó tính quá thì bơn bớt lại cho đứa kia dễ thở. Vợ chồng phải nhìn nhau mà sống chứ không phải hở cái là dạy nhau phải thế này thế kia, rồi đến lúc không chịu được là dọa bỏ”, bố chồng Loan thay mặt đôi bên thông gia phát biểu. Như hiểu được tâm ý của đôi trẻ, mẹ Loan sau đấy tiếp lời: “Thôi, bây giờ các con nó bảo nó chỉ được yêu ít mà lại lấy vội nên thế, thì bố mẹ hai bên sẽ thay nhau chăm thằng bé con vài ngày, cho hai anh chị đi chơi đâu đó xả hơi, coi như có thêm thời gian yêu nhau nhé!”. Được lời như cởi tấm lòng, nhắc tới đi chơi, không khí gia đình bỗng chan hòa hẳn.

Và đương nhiên, đôi trẻ đang độ ăn chơi mà phải ập vào lấy nhau kia, cũng quên mất luôn là đang giận nhau, trong đầu chỉ toàn là biển khơi và cát trắng…

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.