Chuyện trong nhà, đừng “bóc phốt” nhau lên mạng xã hội
Hiện nay, có rất nhiều người vợ/chồng coi mạng xã hội như một trang “nhật ký” để tâm sự, phô bày cảm xúc cá nhân hoặc chuyện tình yêu, hôn nhân gia đình. Nhiều người còn coi đây là nơi để “xả” những ấm ức của mình, như “bóc phốt” bạn đời, nói xấu bố mẹ chồng hoặc chồng... Đã có nhiều trường hợp để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ lý thú với Đời sống Gia đình về câu chuyện ứng xử của vợ/chồng trên mạng xã hội, làm sao để mạng xã hội vừa là nơi giải trí, vừa là “chìa khóa” giữ gìn hạnh phúc gia đình.
= Xin chào nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú. Anh là một trong những người thường xuyên tham gia mạng xã hội. Bản thân anh cũng có nhiều status và từng chia sẻ nhiều câu chuyện hạnh phúc của gia đình mình trên mạng xã hội. Anh đánh giá như thế nào về thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay của các cặp vợ chồng?
= Người xưa có câu: “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Nhưng ở thời đại này thì phải nói là: “Trong nhà chưa tỏ - mạng mẽo đã tường”. Có nhiều câu chuyện hôn nhân, gia đình ầm ĩ trên mạng trước cả khi người thân trong nhà biết. Trên mạng xã hội, những câu chuyện vợ “bóc phốt” chồng hay chồng tố cáo vợ luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Mỗi câu chuyện đưa lên, lượt tương tác lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn với đủ mọi hỉ nộ ái ố, người bênh kẻ ném đá. Chuyện nhà người khác mà nói như chuyện nhà mình.
Gia đình hạnh phúc của nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú
= Tôi thật sự không dám có ý kiến về việc hiện nay, nhiều người vợ/chồng hay đăng những thông tin cá nhân và gia đình lên mạng xã hội, trong đó có đủ thể loại “hỉ, nộ, ái, ố”. Chuyện đó giờ là như một câu chuyện bình thường hằng ngày. Những thứ người ta hay nói: “Vạch áo cho người xem lưng” hiện nay thành vô nghĩa. Ai lên tiếng chê bai thế nào cũng bị cho là vô duyên vì facebook của người ta người ta thích viết gì chả được, ai mượn bạn vào đọc rồi ý kiến?
= Thực ra, chia sẻ chuyện vui vui hay những chuyến đi chơi của cả nhà thì cũng không sao vì đúng là Facebook của ai thì người đó có quyền. Có những người như tôi, coi facebook như trang nhật ký hạnh phúc của gia đình mình. Tôi chia sẻ chúng để ngày này năm sau đọc lại thấy mình đã trưởng thành lên bao nhiêu, con cái mình cũng đã lớn lên bao nhiêu. Ghi để nhớ. Có nhiều thông tin nhạy cảm mà tôi vẫn muốn lưu giữ thì tôi để chế độ “Only me”. Hay với nhiều người có người thân ở xa, đọc facebook của nhau cũng là cách để update tình hình.
Facebook tiện dụng là thế, hữu hiệu là thế. Nhưng tôi cực lực phản đối chuyện tố chồng tố vợ hoặc chửi vợ chửi chồng trên mạng xã hội. Người xưa vẫn có câu: “Đóng cửa bảo nhau”. “Tốt khoe xấu che”. Việc đưa những câu chửi bới nhau, nói xấu nhau lên facebook là điều không nên chút nào. Vì có những người họ an ủi mình thì ít mà làm tổn thương mình thì nhiều. Niềm vui chia sẻ sẽ nhân đôi nhưng nỗi đau chia sẻ đôi khi sẽ đớn đau gấp bội.
= Hiện nay, một số câu chuyện về “bóc phốt” vợ/chồng trên mạng xã hội, đánh ghen chồng ngoại tình, “tố” mẹ chồng khó tính… trở thành đề tài bàn luận của rất nhiều cộng đồng mạng. Việc đăng tải những thông tin hình ảnh đó ảnh hưởng như thế nào đến đối phương và cuộc sống gia đình, thưa anh?
= Những câu chuyện đó thực sự khiến tôi sợ hãi. Việc đấy thật chẳng khác gì một toà án công khai mà ai cũng có thể trở thành quan toà, thành đao phủ vậy. Chúng ta luôn phải chứng kiến một trận ném đá tập thể kinh khủng khiếp. Người viết bài thì đã đành, người comment còn kinh khủng hơn khi có những lời thoá mạ mà tôi dám chắc chỉ dám viết ra trên mạng, chứ chắc không ai đủ trơ để nói ra miệng.
Từ chuyện giảng viên đại học tố chồng đến những vụ bóc phốt chồng ngoại tình, đăng ảnh tiểu tam, hồ ly lên hay than vãn mẹ chồng thế này thế nọ thực sự cho thấy có một sự tự do thái quá. Tự do đến mức không quan tâm đến sĩ diện bản thân. Tự do đến mức thổ dân phong kiến. Chúng ta đang hành xử không khác gì thời phong kiến cạo đầu bôi vôi nhốt rọ thả trôi sông. Năm 2020 rồi, cư xử kiểu nhưng năm 1800-1700 thì đáng sợ thật.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú.
Trên facebook của tôi có mục Hộp Đen Ký Ức. Đó là nơi mọi người có thể ẩn danh gửi đến những câu chuyện của mình, vấn đề của mình để mọi người tư vấn, chia sẻ, hiến kế. Tôi luôn phải che giấu đi những thông tin cá nhân, kể cả viết lại theo giọng của tôi để tránh bị ảnh hưởng đến người viết. Bởi nhu cầu tâm sự của mọi người rất lớn. Những người có tâm sự đều không biết cách nào để thoát ra, để tìm thấy giải pháp. Nên cộng đồng mạng có thể giúp họ. Nhiều cái đầu vẫn tốt hơn một cái đầu. Nhưng đấy, kể cả khi đã ẩn danh rồi, nhiều comment của cộng đồng mạng cũng ác hơn cả đao phủ. Tôi luôn phải kiểm soát từng comment như vậy. Bởi vì nếu không, facebook của tôi sẽ không khác gì một chiến trường cho người ta ném đá, thoá mạ nhau.
Có một sự thật đau buồn như thế. Khi người ta nấp dưới những nick ảo, người ta mới lộ ra những bản chất xấu xa của mình.
= Theo anh, để cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, người vợ/chồng trong gia đình có những ứng xử như thế nào trên mạng xã hội?
= Tôi bắt đầu dùng mạng xã hội từ những thuở mạng xã hội sơ khai. Những năm 2001, 2002 thời của Yahoo 360 đến năm 2008 thì bắt đầu với mạng xã hội Facebook. Trong suốt 20 năm qua, tôi vẫn tin rằng mạng xã hội có những mặt tích cực của nó. Vì tôi cũng là một nhà báo và một nhà văn nên mạng xã hội quả thực là một môi trường tuyệt vời cho kẻ thích viết như tôi. Bản thân tôi cũng nuôi dưỡng hôn nhân của mình thông qua mạng xã hội. Tất nhiên là song song với cuộc đời thực. Như bày tỏ lòng biết ơn với vợ mình. Như tán tỉnh vợ mình. Như ghi dấu lại những điều tuyệt vời 2 vợ chồng đã cùng nhau trải qua… Nhưng nếu chỉ yêu vợ trên facebook thì vợ tôi đã bỏ tôi lâu rồi. Với tôi, những bài viết của mình còn mang thêm giá trị truyền cảm hứng cho các cuộc hôn nhân khác nữa.
Còn với những cặp vợ chồng khác, tôi cho rằng nếu có thể chia sẻ những niềm vui thì hãy nên chia sẻ. Facebook giúp chúng ta nói ra điều mà đối mặt ta không nói ra được. Facebook “diễn giải” giùm ta nhiều suy nghĩ hơn mà nếu chỉ nói ra miệng sẽ không hết được ý đó. Facebook cũng có thể giúp vợ hay chồng “sến” với nhau hơn.
Nhưng đừng để mạng xã hội thay cho đời thực. Tôi sợ nhất là chồng đọc facebook của vợ mới biết vợ buồn. Tôi sợ nhất là vợ xem Facebook của chồng mới biết chồng đi đâu. Xin hãy chỉ xem mạng xã hội là một công cụ giải trí hơn là kênh thông tin chính thống của mỗi cuộc hôn nhân. Và tuyệt đối, đừng mang hết chuyện nhà mình lên facebook. Đừng dùng nó như một vũ khí sát thương nhau. Đừng lên facebook để tấn công vợ/chồng mình. Hãy chia sẻ điều có ích cho cộng đồng chứ đừng ném rác ra cộng đồng.
Thật lòng, để chỉ người ta cách cư xử thế nào trên mạng xã hội luôn khó. Bởi “khẩu vị” facebook của mỗi người là khác nhau. Như một người vợ bị chồng bạo hành chẳng hạn, kêu công an, tổ dân phố, hội phụ nữ không được thì facebook lại chính là cách để họ nhận được sự cứu giúp, giúp họ tố cáo kẻ bạo hành. Thế đấy, quan trọng là sử dụng facebook như thế nào đúng là phải dùng não nhiều hơn là thế…
= Cảm ơn nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú và buổi trò chuyện thú vị này.
HỒNG NHUNG (thực hiện)