Cô giáo lớp em

Chia sẻ

Tháng 11 có ngày kỷ niệm hiến chương các nhà giáo để chúng ta cùng tri ân các thầy cô của mình. Khi đi tìm trong thơ Việt Nam hiện đại một bài thơ về thầy cô, tôi vẫn bị lôi cuốn trước Cô giáo lớp em của cố thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh.

Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi.

Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài

Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho
      (Tiếng Việt 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002)
                                       Nguyễn Xuân Sanh

Cô giáo lớp em - ảnh 1

LỜI BÌNH:

Một bài thơ không mới nhưng thật thú vị. Bài thơ như một trang nhật ký ghi lại tuổi thơ của tất cả chúng ta. Có lẽ chính nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã mang tâm thế đó khi đặt bút viết ba khổ thơ này. Cô giáo lớp em với những kỷ niệm nhỏ đã trở thành bài học cho rất nhiều thế hệ học trò. Thêm một lần nữa hãy cùng cảm tác phẩm này:

Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi.

Bài thơ đặt điểm nhìn vào đôi mắt em học sinh nhỏ tuổi. Đi học sớm thế nhưng đã thấy cô ở lớp. Sự có mặt của cô mỗi sớm mai không chỉ nói lên sự chăm chỉ, cần mẫn của người giáo viên mà còn nói lên sự tin cậy. Với học sinh lớp bé, cô giáo là người tin cậy nhất, buồn nhất là khi cô đi vắng, cô bị ốm hay thay đổi giáo viên. Đáp lại tình cảm ấy, cô giáo không cần nói gì nhiều chỉ nở một nụ cười (Đáp lời “Chào cô ạ!”/ Cô mỉm cười thật tươi). Nụ cười đó thật đa nghĩa: vừa là sự vui vẻ, vừa thể hiện sự tinh nghịch của cô giáo trẻ vì đã quá rõ tính cách của từng bạn nhỏ. Thế rồi, vào giờ học:

Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài

Cô giáo lớp em - ảnh 2

Những ngày đầu tiên tới lớp ,ai cũng bỡ ngỡ và chập chững. Ngồi tập viết theo cô hướng dẫn mà đầu óc còn để ý tới hương đưa, nắng rọi, thì đúng là tâm hồn trẻ con rồi. Vừa muốn giấu lại vừa muốn khoe những con chữ còn ngô nghê, nhìn đâu cũng thành bạn bè tinh nghịch. Tuổi thơ của những năm tháng đất nước còn khó khăn trường lớp đơn sơ nhưng giao hòa cùng thiên nhiên. Các em bé học chăm chỉ thế nên bao giờ các em cũng nhận được những điểm thưởng từ cô giáo. Điểm 10 luôn là niềm ao ước của tuổi học trò:

Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.

Bài thơ kết ở đó, từ lời cô giáo giảng đến trang vở thơm, đến điểm 10 như một tác phẩm, một món quà, một niềm tự hào, một bông hoa mà cả cô và trò cùng được ngắm nghía: “Yêu thương em ngắm mãi/ Những điểm mười cô cho”. Điểm 10 như còn tươi mãi, thắm mãi trong tâm hồn ấu thơ.

Đọc lại bài thơ khi đã lớn, chúng ta nhận ra niềm vui của tuổi thơ hồn nhiên. Niềm vui ấy đến từ những người thày, người cô-những người đã nâng đỡ chúng ta từ khi còn hồn nhiên, non nớt. Có những bài học đã khép lại cùng những điểm 10 và kỷ niệm, lại có những điều mãi mãi ta vẫn chưa cảm nhận hết được ý nghĩa sâu xa của nó. Càng lớn thêm lại càng thấy quý giá. Đó là công ơn thầy cô, là niềm vinh dự và may mắn được làm học trò của các thầy cô trong những năm tháng tươi đẹp ấy.

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.