Có không giữ...

Sơn Tây
Chia sẻ

(PNTĐ) -

- Em đang nói chuyện với ai đấy?

Tiếng Hoàng vọng ra từ nhà tắm làm Ngân giật nảy mình. Theo phản xạ, cô nhanh tay lướt lướt điện thoại rồi lấp liếm: 

- Chả ai cả! Anh ra quán đi, khách đang đông kia kìa!

- Anh hỏi em đang nói chuyện với ai?

- Anh là cái quái gì mà quan tâm chuyện của tôi! Đừng để con này điên lên rồi bố mẹ tôi cũng không tha cho anh đâu! Ra quán đi!

Nói rồi, Ngân đeo túi xách và đi thẳng ra ô tô, phóng đi luôn. Để lại Hoàng vừa giận dữ, vừa phải cố kìm nén cơn giận ấy. 

Cuối tuần, nên quán cà phê của vợ chồng Ngân – Hoàng đông quá. Nhưng vắng Ngân, nên mình Hoàng và một nhân viên bưng bê làm không xuể. Có bàn khách vừa đi nhậu xong tạt vào uống nước, chờ đồ lâu quá không chịu được, gắt ầm lên. Từ trong nhà, bố mẹ vợ Hoàng tức tốc chạy ra và mắng xối xả tiếp vào mặt con rể. “Có tí đồ cho khách cũng không làm được! Đồ vô tích sự!”.

Có không giữ... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hoàng cũng không biết mình đứng quán bao lâu nữa. Chỉ biết là rất khuya rồi, khi quán đã đóng cửa và anh một mình lau dọn hết bàn ghế, sàn, cốc chén, đồ pha chế, cảm giác mịt mù vì bị bố mẹ vợ chỉ trích mới bớt đi. Suốt mấy tháng nay, kể từ ngày anh lờ mờ đoán Ngân thay lòng đổi dạ, ngày nào anh cũng phải chịu đựng những lời đay nghiến như vậy.

Sức chịu đựng của con người có giới hạn. Đã rất nhiều lần Hoàng muốn ký vào lá đơn ly hôn mà Ngân đã soạn sẵn. Nhưng, tình cảm của một người dành cho một người, đâu dễ gì mà có. Và cũng chẳng phải muốn chấm dứt là dứt ngay được.

Hoàng từng là một giáo viên trung học. Đến bây giờ, sau nhiều năm bỏ nghề, đổi việc, anh vẫn ít nhiều giữ cho mình cái nét nhu mì, nhã nhặn của một người thầy. Vài năm trước, qua một nhóm bạn, Hoàng biết Ngân. Anh không phải người mở lời trước, mà là Ngân vồ vập và chủ động tiếp cận anh. Chút ngây ngô còn sót lại của Hoàng ngã gục, anh đồng ý làm người yêu và chỉ một thời gian ngắn sau, anh và Ngân nên duyên vợ chồng. Còn nhớ, lúc ấy, lý do Ngân đòi cưới Hoàng chẳng phải vì ổn định hay vì kinh tế gì cả, mà là “bạn em nó cưới hết rồi, em cũng phải bằng chúng nó”.

Cả nhà Ngân làm kinh doanh. Bố mẹ cô mở đại lý vé máy bay, xe khách còn Ngân phụ giúp bố mẹ hoặc lúc nào chán thì xin việc ở mấy trung tâm thương mại, làm để giết thời gian. Quyết định lấy nhau, bố mẹ Ngân hỏi Hoàng, “Con nghỉ việc, về đây ở rể rồi phụ gia đình luôn, thì mới có ăn có mặc được. Chứ theo nhau lên trên miền núi (quê Hoàng) ấy, thì hai đứa lấy gì mà ăn!”.

Có không giữ... - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đó không phải là một câu hỏi, mà là một quyết định của bố mẹ Ngân dành cho Hoàng. Ngân cũng muốn vậy, nên cả nhà ba người liên tục thôi thúc Hoàng. Vì yêu Ngân, Hoàng đồng ý nghỉ việc, xuống thành phố ở rể nhà vợ, rồi đi làm môi giới bất động sản.
Người ta bảo làm ăn, hay môi giới là phải có cái duyên. Thế nhưng có lẽ trời thương Hoàng, khéo thì không khéo lắm nhưng được cái thật thà, cũng bon chen bán được vài mảnh đất, lời lãi cũng kha khá. Dành dụm được 500 triệu, anh đưa cả cho Ngân, bảo “vợ chồng mình mở lấy quán cà phê, ít nhất cũng là tự lập, không quá phụ thuộc vào bố mẹ hỗ trợ nữa”…

Tưởng chừng cuộc sống cứ thế chảy trôi êm đềm, đồng vợ đồng chồng rồi niềm vui sẽ dần dần đến, nhưng mãi mà Ngân chưa thấy tin vui. Thương vợ, và cũng không muốn không khí gia đình căng thẳng nên Hoàng không mấy khi gặng hỏi. Thế nhưng, quen tính nhiều chuyện, Ngân lại đi buôn với hội bạn bè rằng, nguyên nhân là ở Hoàng, vì anh “yếu sinh lý”. Bạn bè tin Ngân, thương cô lấy chồng cũng bằng không, nên quay sang ghét bỏ, xa lánh Hoàng. Từ đó, tin đồn thành thật. Hoàng – thân cô thế cô, sống giữa gia đình, hàng xóm nhà vợ, trở thành một gã đàn ông, đã ăn bám còn vô dụng.

Hay bởi cả sự quá nhẫn nhịn của Hoàng đã góp phần làm Ngân nhanh chán chồng? Sự vồ vập, chủ động yêu rồi cưới năm nào của cô giờ nguội lạnh, thay bằng vẻ mặt ích kỷ, xem thường khi đối diện chồng. Những lời đồn chồng Ngân “vô dụng” vẫn tiếp tục bay xa, dù Hoàng từng đề nghị cả hai đi thăm khám để còn biết đường chạy chữa. Ngân không đồng ý. Cái sự bướng bỉnh, quá quắt vì được nuông chiều của cô đã tự trả lời thay bác sỹ, rằng, Hoàng mới là kẻ có lỗi. Giờ, hứng lên thì Ngân ở quán, còn không, cô lượn phố suốt ngày với bạn, mặc kệ Hoàng.

Đến một ngày, Ngân chìa lá đơn ly hôn trước mặt Hoàng. Đó cũng là khi anh lờ mờ nhận ra cô có người khác. Anh ta từng đến quán, ngồi chuyện trò với Ngân trước mặt Hoàng. Vẻ lịch lãm, tự tin ấy, khác hẳn nét hiền lành, thật thà của Hoàng, nên đánh gục Ngân là phải. Dùng dằng mãi, rồi họ cũng ra tòa. Đớn đau thay, 500 triệu ngày xưa Hoàng đưa Ngân mở quán, thì cái quán lại đứng tên bố mẹ Ngân. Hoàng chẳng được một đồng nào. Anh ra đi tay trắng.

Có không giữ... - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ngân đi bước nữa rất nhanh, chính là anh chàng lịch lãm ngày đó. Hoàng vẫn ở lại thành phố và quay lại với nghề môi giới bất động sản. Thỉnh thoảng, anh đi dạy thêm ở trung tâm để đỡ nhớ thời còn dạy học. Nhiều năm cố gắng, anh cũng có thành quả cho riêng mình, mua được một căn hộ nhỏ và có bạn gái. Những đau khổ ngày xưa dần phai nhạt, nhường chỗ cho tình yêu mới nảy nở. Một ngày, người bạn trong nghề nhờ anh bán hộ một ngôi nhà, còn dặn “bán càng nhanh càng tốt, giá thấp một chút cũng được vì chủ nhà đang vỡ nợ”. Thì ra, con rể quý của bố mẹ Ngân đã dẻo mỏ lừa gạt cả nhà cô huy động thật nhiều tiền đóng hụi. Ham giàu nhanh, lại tin lời con rể đẹp trai, ga lăng, họ không chần chừ vay khắp hàng xóm, bạn bè đến người thân. Khi đã ôm trọn tiền, gã con rể cao chạy xa bay, không để lại một chút dấu vết. 

Hoàng xem thông tin, nhìn ảnh ngôi nhà, chẳng thể quên được, nhà bố mẹ vợ cũ. Một ngôi nhà 5 tầng bề thế giữa trung tâm thành phố. Oái oăm quá, “chủ nhà chuẩn bị gọi cho ông đấy”, anh bạn nói. Bao tâm tư ùa về trong Hoàng, nhưng chẳng hề có chút oán giận. Ngược lại, còn xót xa, khi bố Ngân khẩn cầu qua điện thoại: “Chú cố bán giá tốt giúp anh! Nói thật, nhà anh cũng chẳng thể ở đây lâu được nữa…”.

Hoàng trở về thăm nhà vợ cũ. Quán cà phê năm xưa đã không còn. Giờ anh mới biết, bởi từ ngày đó tới nay, anh luôn tránh đi qua con đường này. Biển hiệu đại lý vé máy bay cũng đã dỡ. Ngôi nhà từng là nơi Hoàng xem là tổ ấm, đã từng đuổi anh đi, thì giờ Hoàng lại là người định giá nó. Cửa không đóng. Bên trong là một sự hoang tàn, lộn xộn, đồ đạc được đóng gói chất đầy. Tiếng Ngân và mẹ cãi nhau, thật buồn cười, Hoàng nhớ như in cái giọng chanh chua của vợ cũ, hay the thé lên mỗi khi cãi nhau với mẹ. 

Cả nhà nhìn Hoàng như không tin vào mắt mình. Như một nghiệt duyên, người mà họ được giới thiệu “sẽ bán được cái nhà này với giá tốt nhất” lại chính là người họ từng đuổi đi, cũng chính từ nơi này. Ngân định đuổi Hoàng đi, nhưng bố mẹ cô kịp ngăn lại: “Sai lầm lớn nhất của mày là để Hoàng đi đấy!”. Ngân nấc lên giữa nhà, ngã khuỵu xuống. Chỉ vì cô không biết giữ, mà cái giá phải trả đắt thế này sao?

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.