CƠN BÃO SẼ QUA, BÌNH YÊN SẼ TRỞ LẠI

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Biết chị đi bước nữa với “cậu em con dì”, chồng cũ, bố mẹ chồng cũ, bố mẹ chị lồng lộn nhiếc móc, chửi bới, nói chị loạn luân, làm xấu mặt mọi người. Chồng cũ của chị lên mạng, vào facebook của chị nói chị là “cave”, là người ngoại tình, tán tỉnh em chồng, rồi về đòi bỏ chồng. Anh ta còn lân la đến cơ quan chị, nói xấu chị với mọi người.

…Em khổ quá anh chị ạ. Em tưởng đã được sống những tháng ngày hạnh phúc sau 15 năm hôn nhân bất hạnh, nào ngờ... Chồng cũ của em đêm ngày lên mạng nói xấu em, bêu riếu em, bảo em là “cái con loạn luân”. Bố mẹ em gọi điện bảo em là đời hết đàn ông hay sao mà em phải “đâm đầu” lấy em của chồng cũ? Bố mẹ chồng em thì hàng ngày sang nhà bố mẹ đẻ em ở quê gây sự, nói rằng nhà em là “nhà không có nóc”, rằng bố mẹ em không biết dạy con. Chồng cũ của em còn đến cơ quan em gây sự, nói xấu, bảo em ngoại tình rồi mới ly hôn với anh ta. Các con em thì cũng quý chú, chồng mới của em, nhưng vì ám ảnh chuyện quá khứ, nên liên tục hỏi em rằng “liệu chú ấy có lừa mẹ không, chú ấy có nhậu nhẹt, say xỉn rồi lại đánh mẹ, đánh chúng con như bố hồi trước không?”. Lòng em trăm mối tơ vò…

Người phụ nữ 40 tuổi, đã có 2 con trai, đã ly hôn, đã đăng ký kết hôn với người đàn ông mới, cũng là người đã ly hôn vợ… bắt đầu câu chuyện của đời mình như vậy.

Chị Thoa (tên nhân vật, đã thay đổi) quê ở miền Trung, trước đây học đại học Y Hà Nội, tốt nghiệp, chị xin được việc làm ở một trung tâm y tế của một huyện ngoại thành Hà Nội. Chị gặp anh Trung, một quân nhân chuyên nghiệp, đóng trên địa bàn gần nơi chị Thoa công tác. Cả hai đều trẻ, đều chưa có người yêu, lại là đồng hương cùng xã, nên họ tìm đến với nhau, chia sẻ buồn vui của cuộc sống.

Tình yêu nảy nở, họ dắt nhau về quê báo cáo và xin phép hai gia đình để được đi lại tìm hiểu. Quê nghèo, bố mẹ đều có tuổi, thấy các con cùng công tác ở Thủ đô, đều có “công việc nhà nước”, giờ yêu thương nhau, muốn tiến tới hôn nhân, cả hai bên đều vui mừng, vun vén. Họ cũng được đôi bên cơ quan ủng hộ, anh em đồng nghiệp, đồng ngũ giúp đỡ, nên dựng được ngôi nhà be bé, gần Trung tâm y tế, nơi chị Thoa làm việc. Lấy nhau năm trước, năm sau chị Thoa sinh con trai đầu lòng.

CƠN BÃO SẼ QUA, BÌNH YÊN SẼ TRỞ LẠI - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mười lăm năm lấy nhau, chị Thoa sống vui vẻ cùng chồng chỉ được vài tháng. Chị kể, hình như anh ấy xuất hiện trong đời chị là để phá đám, không cho chị có một ngày hạnh phúc. Chị đã có lúc nghĩ, chắc kiếp trước, có “nợ” anh ta, nên kiếp này anh ta xuất hiện và… đòi nợ. Kể về chồng, chị Thoa nói điểm mạnh nhất của anh là khỏe mạnh, đẹp trai, trai quê, lại là lính nhưng trắng trẻo. Điểm yếu ở anh không nhiều, nhưng thật kinh khủng.

Trong đời anh ấy, khát khao lớn nhất là nhậu. Anh có thể nhậu với bất kỳ ai, dù mới chỉ quen sơ sơ, quen trong quán nước, nếu người ta ngỏ ý mời là anh quên trời đất, đi theo người ta luôn. Chế độ làm việc của anh là một tuần trực đơn vị, một tuần không phải trực. Tuần phải trực, anh ấy ăn ở suốt ngày đêm trong đơn vị, có nhậu hay không, chị không quan tâm, chị nghĩ đã có “đơn vị lo”.

Nhưng ngày được về với vợ con, anh cũng xếp lịch đi nhậu cả tuần. Không quan tâm hỏi han vợ con sống chết ra sao, không đưa lương cho vợ nuôi con, về là đi nhậu, nhậu về là gây sự, nói năng bậy bạ, đòi hỏi vô cớ, có thể nổi hứng đòi “yêu vợ” bất cứ lúc nào, kể cả khi vợ đang khám hay tiêm cho bệnh nhân (chị có mở dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, ngoài giờ). Chị cãi một câu, anh ta sẵn sàng rút dây lưng, quật chị túi bụi, muốn vào đâu thì vào. Anh ta đang ngủ, con khóc, liền đã lấy chăn đè lên mặt con để khỏi phải nghe tiếng khóc, khiến thằng bé suýt chết ngạt. Đứa con trai sợ bố như sợ cọp, bởi nó cũng được “nếm đòn như đòn thù” từ người bố. Điều kinh khủng là anh ta khéo miệng, khéo che giấu những hành vi xấu của mình.

Chị Thoa nhiều lần gọi điện về quê báo cáo cho bố mẹ chồng biết, nhờ một số anh em, bạn bè của chồng khuyên nhủ anh ta sống tử tế, có trách nhiệm với gia đình, vợ con, nhưng trước mặt mọi người, anh ta lại là “diễn viên cao cấp”. Nào thề, nào hứa hẹn. Anh ta nói rằng thỉnh thoảng có chút nóng giận, rằng “chồng bát còn có khi xô”, vợ chồng có cãi nhau, đánh nhau chút cũng là “bình thường”, nhưng anh ta thật lòng rất yêu thương vợ con. Mọi người nghe anh ta diễn, lại nghĩ chị Thoa là người có lỗi, hay bé xé ra to.

Ngược lại với chồng, chị Thoa chịu khó làm ăn, từ cán bộ lãnh đạo đến anh chị em ở cơ quan đều thương, tạo điều kiện. Ngoài lương, chị còn nhận khám, tư vấn, chữa bệnh cho bà con quanh khu vực, nên cũng có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, đau buồn vì hôn nhân bất hạnh, vì là nạn nhân của bạo lực gia đình, mãi đến khi đứa con trai đầu 11 tuổi, chị mới sinh cậu con trai thứ hai. Không ít lần chị đã định làm đơn ly hôn, nhưng rồi vì nhiều lý do, chị lại chùn bước.

Năm 2021, là năm cả nước và ngành y tế của chị gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, chị được cơ quan cử đi tham gia đội ngũ y tế tình nguyện hỗ trợ vùng dịch trong miền Nam. Hơn một tháng vất vả, chị bỗng nhận thức ra rằng cuộc đời ngắn ngủi, tại sao lại phải nghiến răng chấp nhận sống một đời cơ cực, tủi hổ, không xứng đáng? Đại dịch qua đi, cuộc sống bình thường mới trở lại, và chị cũng có quyết định mới. Chị viết đơn ly hôn, chồng không chấp nhận, chị gửi đơn ly hôn đơn phương. Chị nói không đòi hỏi chồng bất cứ điều gì, chị sẽ nuôi cả hai đứa con, chị vẫn ở nhà cũ, anh là người ra đi, chị sẽ vay ngân hàng vài trăm triệu để “hỗ trợ” cho anh sau ly hôn, để anh ổn định cuộc sống mới. Chị nói, chị chỉ cần khỏe và cần được tự do.

Tuy nhiên, ly hôn xong, cuộc sống của chị vẫn chưa được bình an.

Chị gặp cậu em con dì của chồng cũ. Gọi là em, nhưng anh ấy cũng hơn chị vài tuổi, cũng ly hôn vì vợ có bồ, hiện đang nuôi cô con gái ngang tuổi con trai đầu của chị Thoa. Tâm sự, chia sẻ, đi lại, động viên, giúp đỡ nhau, rồi tự nhiên cả hai nảy sinh tình cảm. Sau cuộc hôn nhân trước, chị Thoa nghĩ rằng “sợ đàn ông lắm rồi”, sẽ ở vậy nuôi hai con trai. Nhưng rồi “cậu em con dì của chồng cũ” hăng hái, nhiệt tình, chân thành, khiến trái tim chị tan chảy.

Tỏ tình với chị xong, chưa cần biết chị có đồng ý hay không, “cậu ấy” đã vạch kế hoạch chung sống, ổn định gia đình kỹ lưỡng. Việc đầu tiên, cậu ấy đưa chị đi đăng ký kết hôn và tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng, được pháp luật công nhận. Tiếp theo cậu ấy bàn rằng sẽ gửi con gái cho chị Thoa trông nuôi một thể, cậu ấy là dân kinh doanh, nên ít có thời gian chăm con, đặc biệt là con gái, càng khó khăn hơn. Cậu ấy tổ chức bữa ăn toàn gia đình, gồm hai vợ chồng và đứa con riêng, tuyên bố rằng chúng ta là người một nhà, nếu mọi người đồng ý xin một tràng vỗ tay. Không hiểu sao, cả ba đứa trẻ đều vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng. Chị ứa nước mắt vì vui mừng…

CƠN BÃO SẼ QUA, BÌNH YÊN SẼ TRỞ LẠI - ảnh 2
Ảnh minh họa

Biết chị đi bước nữa với “cậu em con dì”, chồng cũ, bố mẹ chồng cũ, bố mẹ chị lồng lộn nhiếc móc, chửi bới, nói chị loạn luân, làm xấu mặt mọi người. Chồng cũ của chị lên mạng, vào facebook của chị nói chị là “cave”, là người ngoại tình, tán tỉnh em chồng, rồi về đòi bỏ chồng. Anh ta còn lân la đến cơ quan chị, nói xấu chị với mọi người. Chị rất buồn và lo lắng. Chồng mới của chị nói “chó sủa cứ sủa,  đường ta ta cứ đi”, sủa chán thì thôi…

Nghe câu chuyện của chị, chúng tôi chúc mừng chị bởi vì cuộc sống của chị đã bước sang trang mới. Cuộc hôn nhân đầu của chị không vui, nhưng chị cũng đã dũng cảm dứt bỏ. Việc chị kết hôn với em con dì của chồng cũ không phạm luật, cũng không vi phạm văn hóa, lối sống, thuần phong mỹ tục. Cả hai người là “người dưng”, đều chưa vợ, không chồng, có quyền kết hôn. Mối quan hệ “con dì con già” với chồng cũ không phải là vấn đề đáng để quan tâm. Việc chị Thoa lấy chồng, trong khi anh chồng cũ còn lông bông, khiến anh ta tức giận, nên quậy phá chút cho hả giận, chứ sẽ chẳng làm gì được. Việc mọi người ở quê nói nhau này nọ cũng sẽ chán mà dừng.

Còn việc của anh chị là ổn định cuộc sống mới. Làm mẹ của ba đứa con tuổi đang lớn không dễ dàng, nhất là phải lưu ý đến cậu con trai 15 tuổi của chị và cô con gái của chồng cũng tuổi ấy. Tuy ở chung một nhà, nhưng chúng là những đứa trẻ không phải có quan hệ máu thịt, là trai gái mới lớn, đang tuổi dậy thì. Việc đăng ký kết hôn là đã làm thủ tục pháp lý, nhưng cũng nên có buổi tuyên bố đàng hoàng với cơ quan đoàn thể, đồng nghiệp, bạn bè. Có thể không gọi là đám cưới mà là bữa tiệc báo hỷ, công khai việc mình đã lấy chồng, để anh chồng cũ có đến cơ quan nói xấu, mọi người cũng không nghĩ xấu về mình.

Tạm thời anh chị chưa cần về quê ra mắt hai họ lúc này, hãy chờ “cơn bão dư luận” ở quê bình yên đã. Lựa chọn nơi ăn, chốn ở, tài sản nào để chung, để riêng, để dành cho con riêng, có sinh con chung không… là những việc mà một đôi vợ chồng “rổ rá cạp lại” cần bàn bạc, thống nhất, nói đúng, nói thẳng.

Nghe những lời chia sẻ của chuyên gia tư vấn, chị Thoa bảo chị thấy lòng nhẹ nhõm. Mấy hôm vừa rồi, chị cứ nghĩ, cứ sợ không biết việc mình làm gì đó quá đáng không, làm cách nào để mọi sự yên ổn trở lại. Chị kết luận “giờ thì em yên tâm rồi”!  

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.