Cụ bà 106 tuổi giữ truyền thống xăm hình cổ của người Philippines

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Nghệ nhân xăm hình người Philippines, Apo Whang-Od đã trở thành người cao tuổi nhất từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí chuyên về thời trang Vogue ở tuổi 106.

Nghệ thuật xăm độc đáo

Bà Whang-Od không chỉ trở nên đặc biệt bởi là người lớn tuổi nhất từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang Vogue, mà đằng sau bà là một câu chuyện hấp dẫn.

Bà Whang-Od, còn được gọi là Maria Oggay đã theo đuổi nghệ thuật xăm bằng tay từ khi còn là một thiếu nữ với sự hướng dẫn của cha mình, cũng là một nghệ nhân xăm nổi tiếng của Philippines. Bà sống cả đời ở ngôi làng Buscalan xa xôi, thuộc tỉnh Kalinga ở cực Bắc của Philippines với vai trò là một “mambabatok” cuối cùng từ thời cổ đại. “Mambabatok” mô tả một kỹ thuật xăm đã có tuổi đời một ngàn năm. Bà thực hiện các hình xăm bằng cách sử dụng một thanh tre dài khoảng 30cm, có khi là gai cây bưởi hoặc cây chanh, được nhúng vào nước và than củi, sau đó gõ vào da để tạo ra các hình xăm. 

Theo truyền thống, bà Whang-Od sẽ thực hiện xăm những biểu tượng thiêng liêng của tổ tiên lên những cá nhân đã được làm lễ trưởng thành trong bộ tộc hoặc sắp bước qua một ngưỡng cửa đặc biệt trong cuộc đời. 
Đối với nam giới, việc xăm mình mang ý nghĩa trưởng thành và trở thành những chiến binh dũng mãnh. Trong khi phụ nữ xăm mình vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu để thể hiện sự quý phái cũng như thể hiện vẻ đẹp của bản thân với những người trong bộ tộc. Những người phụ nữ lớn tuổi ở Kalinga quan niệm rằng khi họ chết, họ không thể mang theo của cải sang thế giới bên kia, mà chỉ có thể mang theo những hình xăm đặc biệt trên cơ thể.

Những hình xăm mà bà thực hiện không quá phức tạp hoặc chi tiết theo tiêu chuẩn của những thợ xăm ngày nay, với sự hỗ trợ của công cụ hiện đại và các loại mực xăm đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều du khách quốc tế vẫn tìm đến bà để có những thiết kế đặc trưng có một không hai từ bàn tay nghệ thuật xăm truyền thống của nữ nghệ nhân. Bà Whang-Od cho biết, một hình xăm ở ngực với những hoa văn bò lên vai kéo dài xuống cánh tay có thể sẽ phải mất nhiều ngày để hoàn thành và thường tốn chi phí tương đương một con heo lớn hoặc vài ký gạo. 

Cụ bà 106 tuổi giữ truyền thống xăm hình cổ của người Philippines - ảnh 1
Nữ nghệ nhân Whang-Od. Ảnh: vogue

Người tiếp lửa truyền thống

Bà được tạp chí Vogue Philippines ca ngợi vì các tác phẩm xăm của bà đã tượng trưng cho “sức mạnh và vẻ đẹp của tinh thần Philippines”. Đồng quan điểm, Tổng biên tập tạp chí Vogue Philippines, Bea Valdes cho biết bà Whang-Od được chọn làm nhân vật trên trang bìa của tạp chí bởi: "Chúng tôi cảm thấy bà ấy đại diện cho lý tưởng của chúng tôi về những gì tốt đẹp nhất trong nền văn hóa Philippines". Bài báo của biên tập viên Audrey Carpio tiết lộ, tập tục xăm mình truyền thống batok tại Philippines đã có từ hàng ngàn năm nay, sẽ tiếp tục được gìn giữ nhờ công lao của người nghệ nhân Apo Whang-Od. Bà đã dành trọn tâm huyết để truyền ngọn lửa yêu nghề cho con cháu của mình.

Còn theo chia sẻ của bà Whang-Od, nghệ thuật xăm độc đáo này chỉ có thể được truyền lại cho những người có quan hệ huyết thống và bà đang huấn luyện các cháu gái của mình để tiếp tục giữ gìn truyền thống này. Bà chia sẻ: "Những người bạn xăm hình cùng thời của tôi đều đã chết hết rồi. Tôi là người duy nhất còn sống vẫn theo nghề xăm hình. Nhưng tôi không sợ truyền thống này sẽ bị mai một, bởi hiện tại tôi đang đào tạo các bậc thầy về xăm hình tiếp theo". Bà vẫn miệt mài làm công việc của mình mỗi ngày, dù đã ở cái tuổi 106. Nữ nghệ nhân quả quyết: "Miễn là tôi còn nhìn rõ, tôi sẽ tiếp tục xăm hình. Tôi chỉ dừng lại khi mắt đã mờ".

Khi Philippines bị chiếm đóng vào đầu những năm 1900 và Cơ đốc giáo bắt đầu được truyền cho các bộ lạc ngoại đạo ở Kalinga thì những nghệ nhân "mambabatok" như Whang-Od bị đẩy ra bên lề cuộc sống cộng đồng. Hình xăm - từ lâu đã là biểu tượng của lòng dũng cảm, vẻ đẹp và khả năng sinh sản, bị chế giễu là dấu hiệu của sự man rợ, thiếu hiểu biết và tội ác. Nhưng Whang-Od vẫn tiếp tục xăm mình cho bất kỳ ai đến với bà, hầu hết là phụ nữ trong bộ tộc. Sau đó vào năm 2007, nhà nhân chủng học Lark Krutak tình cờ gặp Whang-Od, đã ngoài 90 tuổi, ở Buscalan khi ông đang quay phân đoạn Philippine của loạt phim Thợ săn hình xăm trên kênh Discovery của mình. Điều đó đã khiến Whang-Od được nhiều người biết đến và trở thành một "ngôi sao" ở tuổi xế chiều.

Không chỉ truyền nghề, bà Whang-Od còn gìn giữ truyền thống batok bằng cách tạo ra "ngành du lịch xăm mình". Bà cho biết, ý nghĩa biểu tượng của nghi thức nhận một hình xăm giờ đây đã khác, do hầu hết mọi người không còn sống trong các bộ lạc. Nhiều du khách chỉ đơn giản muốn có một hình xăm độc đáo từ một "mambabatok" lâu đời nhất.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.