CỦNG CỐ VAI TRÒ NGƯỜI CHA TRONG GIA ĐÌNH
Nhắc đến vai trò của phụ nữ, người ta thường gắn với việc nuôi dạy con, làm việc nhà, nấu nướng, chợ búa và hỗ trợ chồng. Chính tư tưởng có phần lạc hậu, phân định rạch ròi thiếu cân bằng này đã gây ra không ít hệ quả trong đời sống hôn nhân – gia đình của nhiều người, mà phần thiệt thòi hơn thường ở phụ nữ. Suy nghĩ theo kiểu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – đúng nghĩa đen đã không còn phù hợp trong xã hội hiện nay.
Hơn 10 năm làm công tác tham vấn tâm lý gia đình và trẻ em, tôi thấy rằng, so với vai trò của người mẹ, hình ảnh của nhiều người cha trong gia đình khá lu mờ. Đơn cử, khi con bị cảm, sốt, bị bạn bắt nạt ở trường và gặp các vấn đề tâm lý từ nhẹ đến nghiêm trọng chỉ có người mẹ, thi thoảng có thêm bà nội, bà ngoại tất tả chạy đôn đáo để tìm cách lo liệu cho con. Không thiếu những ông bố chỉ gọi điện, “chỉ đạo từ xa” dẫu cho có đang thực sự không quá bận rộn, có thể sắp xếp đi cùng. Trong trường hợp nhà tâm lý/bác sĩ mời cha đứa trẻ đến cùng phối hợp hỗ trợ thì nhiều ông bố mới chịu có mặt, một số thì viện đủ lý do từ chối hợp tác hay cáo bận.
Dù không phải tất cả các ông bố đều như vậy nhưng chúng ta không thể phủ nhận có những người cha đã không có thiện chí hợp tác còn ra chiều trách cứ, đổ lỗi cho người khác khi vấn đề tâm lý, tâm thần, sức khỏe của con mình – có thể do mình gây ra... mà trở nên nghiêm trọng hoặc chuyển biến xấu hơn.
Ảnh minh họa
Căn nguyên của các biểu hiện này có nhiều, nhưng trong đó có quan niệm về sự phân công vị trí trong gia đình xưa nay giữa hai giới. Người mẹ, người bà hay phụ nữ nói chung đóng “vai chính” lo việc nhà, nuôi dạy con, còn cha nghiễm nhiên đóng “vai phụ”. Tâm thế “vai phụ” mang trong suy nghĩ của nhiều bậc làm cha và việc thể hiện quá “tròn vai” khiến các bà mẹ hoặc chịu thua ngay từ đầu, hoặc chỉ dám phản kháng ngấm ngầm, đa số lặng lẽ thỏa hiệp.
Rõ ràng, một đứa trẻ lớn lên với sự chăm sóc, giáo dục chủ yếu đến từ người mẹ sẽ không dễ dàng phát triển nhân cách toàn diện. Việc thừa hưởng sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng, ấm áp, biết quan tâm từ mẹ và tính cương trực, mạnh mẽ, quyết đoán và bản lĩnh của người cha luôn là chất liệu trọn vẹn hơn để phát triển thể chất, tâm hồn, tính cách và đảm bảo tương lai của một đứa trẻ.
Vậy làm sao để gia tăng mức độ ảnh hưởng và tiếng nói của người cha trong gia đình?
Loại bỏ tư tưởng cũ
Chúng ta nói chung, người phụ nữ nói riêng nên loại bỏ (dần) những tư tưởng không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Phụ nữ có quyền bước ra xã hội, có quyền được lên tiếng khi thấy vai trò của mình trong gia đình bị xem nhẹ hoặc quy gán phiến diện về chức trách, vị trí là chăm con, nội trợ, phụ chồng. Việc đối diện với thế giới bên ngoài, bước ra khỏi vỏ ốc, thoát khỏi bốn bức tường bó hẹp sẽ giúp phụ nữ mở mang đầu óc, phát triển kĩ năng, học tập và vươn lên bên cạnh vai trò vốn dĩ trong gia đình và cần sự trợ giúp của người đàn ông (tiến bộ). Giá trị của phụ nữ không nằm hết ở việc biết dạy con, nấu ăn giỏi hay biết hỗ trợ chồng con mà còn là sự khẳng định bản thân trên các lĩnh vực khác ngoài xã hội.
Thương lượng và kiên định thỏa ước
Đến tuổi lập gia đình, khi yêu ai và quyết định kết hôn, nữ giới cần tỏ rõ quan điểm về vai vế, vị trí trong gia đình sau này. Vấn đề cần quan tâm đặt ra không còn là việc ai phải nấu ăn, ai nuôi dạy con, ai xây nhà, ai xây tổ ấm nữa mà là cả hai cần nghiêm túc đồng hành, san sẻ, linh hoạt hoán đổi vị trí cho nhau khi cần thiết như thế nào. Không dừng lại ở tư tưởng, suy nghĩ, tranh biện mà cần thể hiện bằng lời nói cụ thể, hành động, thỏa ước ngay khi chưa kết hôn càng tốt. Đi ăn, đi chơi hay mua sắm phụ nữ hoàn toàn có thể chia sẻ/đóng góp cùng người yêu khi cần và nên kiên định duy trì kết quả thương lượng này trong đời sống gia đình về sau.
Ảnh minh họa
Khéo léo lôi kéo sự đóng góp của người cha
Khi lập gia đình, sinh con trên cơ sở tư tưởng tiến bộ, phụ nữ hãy chủ động, khéo léo đặt người cha vào những tình huống để anh ấy thể hiện sự góp sức vào công cuộc chung “xây nhà, xây tổ ấm”. Khi làm vì con, cho con, người cha sẽ sẵn sàng nhiều hơn. Ví dụ, anh dạy con chơi đá cầu giúp em, em sẽ dạy con nhặt rau, anh chỉ con cách sửa cái ghế bị hư và em sẽ chuẩn bị đinh, ốc... Mình thay phiên nhau đưa đón con nha, anh thứ hai, tư, sáu; Em thứ ba, năm, bảy...
Tranh thủ sự ủng hộ, hậu thuẫn từ người khác
Đôi khi “Bụt chùa nhà không thiêng”, mình nói chồng không nghe nhưng con đề nghị cha sẽ làm... hay ông bà nội, ngoại nhắc sẽ có hiệu quả. Ví dụ, trong các buổi gặp gỡ bạn bè, hay đi du lịch hãy nhờ chồng hỗ trợ khi có mặt người khác, đặc biệt là người ủng hộ/sẵn sàng hậu thuẫn cho bạn bằng cách nói ra lời ủng hộ khiến chồng thấy không làm không được. Dần dà, trở thành thói quen và người đàn ông hiểu rằng, những việc vặt tuy nhỏ nhưng cũng khá vất vả, cần san sẻ với vợ nhiều hơn.
Định vị lại hình ảnh của người cha trong gia đình
Đa phần khi được hỏi, hình mẫu người chồng người cha phổ biến sẽ như thế nào? Câu trả lời sẽ có mẫu số chung như: Vẫy vùng ngoài xã hội, đảm bảo tài chính cho gia đình, dạy con cái đương đầu với khó khăn thử thách, ngoại giao và làm những việc cần sức lực cho gia đình. Thực ra, đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa lại hình mẫu này, định vị lại hình ảnh một người chồng, người cha hiện đại. Ngoài chuyện cần làm những việc mà ai cũng làm thì phụ vợ rửa chén, quét nhà hay xuống bếp thường xuyên, ru con ngủ, thay tã cho con, đưa con đi học, đưa vợ đi mua sắm nhưng vẫn đảm bảo đóng góp kinh tế ổn định, vẫn là điểm tựa vững chắc cho vợ, con khi cần... chắc chắn là mong ước của nhiều phụ nữ.
Ghi nhận và khích lệ những người cha tiến bộ
Phụ nữ ai cũng mong lấy được tấm chồng tâm lý, biết san sẻ, quan tâm mình nhưng khi người đàn ông vì mình, thương mình mà lăn vào bếp, làm việc nhà lại không biết thể hiện sự ghi nhận, khen ngợi, đôi khi còn buột miệng trách móc: nấu ăn dở, lau nhà dơ, thẩn thơ khi ru con... lại gây phật lòng không đáng. Phụ nữ nên chấp nhận hiện tại người đàn ông đã rất cố gắng rồi, họ tốt được đến đó đã cần khích lệ họ, cổ vũ họ làm tốt, lưu ý nhẹ nhàng, tinh tế cái chưa ổn để họ làm tốt hơn.
Thạc sĩ Tâm lý học LÊ MINH HUÂN
Chuyên gia tham vấn tâm lý,Đại học Quốc tế Sài Gòn