Cùng tìm hiểu về tiểu đường thai kỳ

Chia sẻ

Khoảng 5 -10% phụ nữ mang thai phát triển bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Đây được gọi là bệnh tiểu đường thai kỳ, và nó khiến thai phụ, thai nhi có nguy cơ bị các biến chứng cao hơn.

Tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng, vì thế bạn nên chủ động kiểm tra tình trạng bệnh khi mang thai; đồng thời duy trì chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để làm giảm nguy cơ phát triển bệnh.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường được chẩn đoán lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai. Cũng giống như bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2, nó làm cho lượng đường trong máu của thai phụ trở nên quá cao.

Không giống như các loại bệnh tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ không phải là vĩnh viễn. Sau khi sinh con xong, lượng đường trong máu của thai phụ rất có thể sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên, mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khiến thai phụ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn trong tương lai.

Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ

Khi chúng ta ăn, hệ tiêu hóa sẽ phân hủy hầu hết thức ăn thành một loại đường gọi là glucose. Tế bào của chúng ta sử dụng glucose làm nhiên liệu. Chúng cần insulin để có thể hấp thụ glucose (Insulin là hormone do tuyến tụy tạo ra).

Nếu cơ thể chúng ta không sản xuất đủ insulin, hoặc nếu các tế bào không phản ứng tốt với nó, tế bào không thể hấp thụ đủ glucose, dẫn tới lượng glucose tồn tại trong máu cao hơn mức bình thường.

Khi phụ nữ mang thai, cơ thể tự nhiên trở nên đề kháng với insulin hơn, để có nhiều glucose hơn cho thai nhi. Đối với hầu hết các bà mẹ sắp sinh, đây không phải là vấn đề, bởi tuyến tụy của thai phụ chỉ tạo ra nhiều insulin hơn để các tế bào có thể hấp thụ lượng glucose bổ sung.

Nhưng nếu tuyến tụy không thể đáp ứng nhu cầu insulin cao hơn, lượng đường trong máu sẽ tăng quá cao. Điều này dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ, có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cho mẹ và bé.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Các triệu chứng và nguy cơ của tiểu đường thai kỳ

Các triệu chứng tiểu đường thai kỳ tương tự như một số triệu chứng phổ biến khi mang thai: Khát nước; Đói bất thường; Đi tiểu thường xuyên.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ nếu: 25 tuổi trở lên; Có một người thân mắc bệnh tiểu đường; Thừa cân, đặc biệt là nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) là 30 hoặc cao hơn; Có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS); Có một tình trạng bệnh lý làm cho bệnh tiểu đường dễ xảy ra hơn, chẳng hạn như không dung nạp glucose; Dùng một số loại thuốc như glucocorticoid (đối với bệnh hen suyễn hoặc bệnh tự miễn), thuốc chẹn beta (đối với huyết áp cao hoặc nhịp tim nhanh), hoặc thuốc chống loạn thần (đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần); Đã từng bị tiểu đường thai kỳ (30 đến 60% sẽ bị lại); Đã có một em bé lớn trước đây.

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Một số vấn đề thai nhi có thể gặp phải đó là: Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết); Các vấn đề về hô hấp; Vấn đề tim mạch. Ngoài ra, trẻ có nhiều khả năng bị thừa cân hoặc béo phì khi lớn. Trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn khi lớn tuổi.

Khi nào cần gọi cho bác sĩ?

Nếu gặp những triệu chứng này có nghĩa là lượng đường trong máu của thai phụ quá cao, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ: Cảm thấy rất khát; Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường; Cảm thấy rất mệt mỏi; Cảm thấy chóng mặt; Mờ mắt.

Chế độ ăn uống nếu thai phụ bị tiểu đường thai kỳ

Thai phụ nên tránh thực phẩm và đồ uống có nhiều đường đơn, chẳng hạn như: sô-đa, nước ép trái cây và đồ tráng miệng… vì chúng sẽ làm cho lượng đường trong máu của thai phụ tăng đột biến. Ăn 3 bữa nhỏ cộng với 2-3 bữa ăn nhẹ lành mạnh mỗi ngày để giữ lượng đường trong máu ổn định. Cố gắng ăn một thứ gì đó cứ sau 2-3 giờ, và đừng bỏ bữa.

Thai phụ cũng nên bổ sung một số protein nạc trong mỗi bữa ăn để giúp cân bằng lượng đường trong máu. Protein giúp chúng ta cảm thấy no hơn, duy trì năng lượng và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Bên cạnh đó, thai phụ bị tiểu đường thai kỳ nên ăn nhẹ trước khi đi ngủ và ăn sáng đầy đủ; Hạn chế carbs và trái cây; Theo dõi thức ăn của bạn bằng nhật ký hoặc ứng dụng để phát hiện xu hướng trong tâm trạng và năng lượng của bản thân; Uống nhiều nước.

BS CKII NGUYỄN CÔNG ĐỊNH
Phó Giám đốc Thường trực Cơ sở 2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.