Cuộc chiến đào tạo con làm lãnh đạo của vợ tôi
(PNTĐ) - Kể từ khi mang bầu, vợ tôi đã ôm mộng sau này con lớn lên sẽ trở thành thủ khoa, du học nước ngoài và cuối cùng là được làm lãnh đạo. Cho đến bây giờ, sau mỗi năm, giấc mộng ấy càng lớn lên, cuốn con tôi vào vòng xoáy học hành không biết nghỉ.
Tôi vốn là dân kinh doanh, thường xuyên phải xa nhà. Mỗi tháng, từ nơi xa, tôi gửi về cho vợ 30 triệu đồng. Với người khác, số tiền đó có thể ít ỏi nhưng với tôi, thì rất lớn. Cộng thêm mỗi tháng lương làm nhân viên hành chính của vợ tôi được hơn 6 triệu đồng, tôi nghĩ, vậy là chúng tôi có thể ổn định cuộc sống.
Tôi vẫn dặn vợ, cố gắng chi tiêu hợp lý, hàng tháng dành dụm được một khoản dự trữ. Hiện nay, vợ chồng tôi vẫn đang phải đi thuê nhà nên cần có tiền để sau này mua căn chung cư nho nhỏ. Vì tin tưởng vợ nên tôi chỉ dặn vậy còn lại giao phó toàn bộ việc quản lý kinh tế cho cô ấy.
Thế rồi, mới đây, một đối tác làm ăn biết hoàn cảnh của hai vợ chồng nên đã giới thiệu cho tôi một mối mua chung cư trả góp. Vợ chồng tôi chỉ cần đóng khoảng 500 triệu đồng, sau đó, sẽ tiếp tục trả góp hàng tháng trong vòng 10 năm. Nhận thấy đây là một cơ hội tốt, tôi vội bắt xe về nhà để bàn việc lớn với vợ.
Vợ tôi ban đầu cũng phấn khởi lắm, nhưng khi nghe phải nộp mấy trăm triệu đồng thì cô ấy giãy nảy lên là làm gì có tiền. Vợ chồng tôi hàng tháng có bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu. Trong nhà hiện chỉ có 15 triệu tiền mặt để phòng khi con ốm, con đau chứ không có bất kỳ cuốn sổ tiết kiệm hay chỉ vàng nào, dù nhỏ. Cô ấy bảo tôi hỏi bạn bè, họ hàng, nếu vay được từng đó tiền thì mua nhà, không thì thôi. Tôi tròn mắt kinh ngạc vì không hiểu vợ tôi tiêu gì mà hết từng đó tiền.
Tôi nhẩm tính, nhà chúng tôi thuê cũng chỉ 5 triệu đồng tháng, ăn uống chẳng đáng là bao, chúng tôi cũng gần như không sắm sửa món đồ đạc mới nào đắt giá trong vài năm gần đây. Cả nhà cũng không đi du lịch, không nhà hàng cũng chẳng phải gửi tiền về giúp bố mẹ hai bên nên không có gì cần nhiều tiền cả.

Đến lúc này, vợ tôi mới bật mí là cô ấy dùng hết tiền hàng tháng để đóng các loại học phí cho con. “Em nghĩ là, đầu tư cho con học là khoản đầu tư thông minh. Sau này nó thành đạt, nó sẽ báo hiếu lại mình. Tiền bạc lâu nay, em không tiêu xài tiền cho cá nhân em đồng nào”- cô ấy nói.
Tôi không phản đối việc chăm lo, đầu tư học hành cho các con. Nhưng con tôi, một đứa mới 4 tuổi, một đứa vừa vào lớp 1 thì làm gì mà học tốn kém thế. Tôi hỏi kỹ thì cô ấy giải thích: “Anh không hiểu thì thôi, giờ nuôi con thành tài rất tốt kém. Mỗi tháng, em chi tiêu cho hai đứa hết luôn khoản lương của tôi kiếm ra”.
Thì ra lâu nay, cô ấy muốn cho hai con học trường tốt nên toàn tìm trường tư thục chất lượng cao cho con, mỗi tháng riêng học phí cũng đã ngót nghét hơn 10 triệu. Lâu nay, tôi có thiếu sót vì không sát sao chuyện tài chính trong nhà. Khi nghe vợ nói tên trường con học, tôi cũng chỉ biết vậy chứ không hỏi rõ đó là trường công hay tư, và cũng chưa từng hỏi học phí hết bao nhiêu một tháng.
Sau đó, cô ấy còn cho con gái út học thêm tiếng Anh một tuần mấy buổi. Tôi ở xa, cứ nghĩ là con học với các bạn trong xóm, hóa ra, vợ tôi chê học đông thì con không tiếp thu được nên thuê hẳn giáo viên nước ngoài dạy 1:1 cho con với giá 300.000 đồng/một buổi học. Tôi không tiếc tiền nhưng tôi nghĩ, với tuổi lên 4 của con, chưa cần phải học riêng như thế, nhất là với hoàn cảnh kinh tế còn có hạn của hai vợ chồng. Con học chung nhóm với các bạn hay học ở trường cũng có thể đạt được hiệu quả rồi.
Đến lúc tôi nghe vợ kể về việc cho con trai học mà tiếp tục ngã ngửa. Cô ấy chìa điện thoại cho tôi xem lịch sử giao dịch tài khoản. Con học lớp 1 thôi mà riêng tiền học thêm ngoài giờ đã hơn 30 triệu/ 3 tháng, còn cao hơn cả học ở trường. Thì ra, cô ấy kể tìm được một cô giáo ở bên ngoài chuyên dạy để sau này đi thi học sinh giỏi các cấp để dạy cho con. Vợ tôi thuê cô giáo dạy cho con lớn 5 buổi/tuần, mỗi buổi 1,5 tiếng ngay sau giờ học. Mỗi chiều, sau khi tan học chính khóa, cô ấy lại sấp ngửa đưa con đi đến lò luyện học thêm nâng cao. Thảo nào cô ấy dặn tôi, nếu muốn gọi điện về hỏi thăm ba mẹ con thì cứ phải sau 9 giờ tối. Lúc đó, cô ấy mới đón con tan học thêm về. Tôi thì tưởng cô ấy còn bận rộn cơm nước, cho các con ăn nên không hỏi kỹ lý do.
Ngoài học chữ, cuối tuần, hai con tôi còn có lịch học thêm các môn năng khiếu đàn ca sáo nhị, bơi lội. Nghe có người mách trẻ con học lập trình và phản biện rất tốt, cô ấy lại tiếp tục tìm thêm hai lớp này cho con. Thành thử, bọn trẻ con nhà tôi thời gian ở nhà ít hơn thời gian ở ngoài đường và trong lớp học.
- Anh xem, với cường độ học và thời lượng lớp học nhiều như thế thì chắc chắn phải tốn kém tiền rồi.
Thấy tôi tỏ ý không đồng tình với việc vợ cho con học nhiều, cô ấy bắt đầu sụt sùi: “Lẽ ra, anh còn phải ghi nhận nỗ lực của em. Mấy năm nay, em không dám mua cái áo, cái quần mới nào. Nếu cần đi cắt tóc thì cũng chỉ dám ra thợ bình dân vì sợ tốn kém. Cả nhà mình giờ chỉ ăn tiêu bằng khoản lương nhân viên của em nên em phải tính toán chi ly. Tất cả vì tương lai hai con của chúng ta”.

Tôi không nỡ quát vợ nhưng tôi không thể bằng lòng với suy nghĩ của cô ấy. Tại sao cô ấy lại bắt con phải lao vào cuộc chiến học hành sớm như vậy. Tôi vẫn nhớ mỗi lần về nhà chơi với con 1, 2 ngày, chúng thấy bố thì hò reo, phấn khởi lắm nhưng rồi chỉ được chốc lát là đứa lớn phải ngồi học bài. Có lúc, đứa nhỏ còn nằm vật ra giường ngủ mê mệt. Các con tôi còn nhỏ nên mẹ bảo sao thì nghe vậy, nhưng tôi biết, chúng đang thực sự mệt mỏi, áp lực. Người lớn làm việc 8 tiếng còn được nghỉ, tại sao lại bắt trẻ con mới vài tuổi đầu học tới cả 11, 12 tiếng một ngày.
Đêm đó, khi các con đã đi ngủ hết, tôi liền nói chuyện với vợ. Giữa chúng tôi nổ ra một cuộc cãi vã lớn. Cô ấy gần như không chịu tiếp thu ý kiến của tôi. Ngược lại, vợ tôi còn khăng khăng quan điểm muốn thành công thì lúc nhỏ phải học. Học quan trọng hơn cả có tuổi thơ đẹp.
“Anh không hiểu chứ xã hội càng phát triển, con người sau này càng phải cạnh tranh nhiều. Sau này, con mình cần phải làm lãnh đạo để có cuộc sống sung sướng được, muốn vậy thì phải học nhiều từ bây giờ. Những thứ em đang cho con học đều đang giúp chuẩn bị hành trang tương lai cho con mình sau này” – vợ tôi quả quyết.
Vợ tôi còn nói đã lập trình sẵn lộ trình học tập cho các con rồi. Tạm thời, vợ chồng tôi sẽ dẹp hết các kế hoạch mua nhà, sắm sửa để lấy tiền đầu tư cho con.
Tôi không tiếc tiền mà thương các con khi mẹ nó suy nghĩ như vậy. Nhưng tôi vẫn thường xuyên phải vắng nhà, làm sao mà tôi có thể “kìm cương” được cơn cuồng muốn con làm lãnh đạo của vợ tôi đây?