Đau lòng những vụ tự tử tuổi vị thành niên

Chia sẻ

Tình cảm rối ren, áp lực học hành, gia đình mâu thuẫn… là những nguyên nhân dẫn đến các vụ học sinh tự tử thương tâm thời gian gần đây.

Tìm đến cái chết vì… không tìm thấy lối thoát

Ngày 6/4, cơ quan chức năng TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) vừa xác minh và làm rõ vụ một nam sinh lớp 7 nhảy từ tầng 2 xuống đất. Cụ thể, vào khoảng 9h30 phút sáng, em N.M.T (13 tuổi, học sinh lớp 7 một trường THCS trên địa bàn TP Bạc Liêu) đã bất ngờ nhảy từ tầng 2 của trường xuống đất khiến nhiều bạn học hoảng hốt, sợ hãi. Trước khi tự tử, T đã ngồi khóc trong tiết học Công nghệ. Khi giáo viên biết chuyện đã thăm hỏi và nhờ các bạn đưa đến phòng y tế để kiểm tra sức khoẻ. Tuy nhiên, mới đi được mấy bước, thì T bất ngờ nhảy từ trên tầng 2 của trường xuống đất. May mắn là có sợi dây điện giúp cản lực nên nam sinh chỉ bị gãy chân, thoát nạn. Theo thầy cô giáo và bạn bè, T gặp vấn đề về tâm lý. Thời gian gần đây, khi đến lớp T trầm ngâm, ít nói và có thể do “chia tay bạn gái”.

Trước đó, ngày 29/3, một học sinh lớp 10 tên H đang theo học tại 1 trường THCS chuyên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thắt cổ tự tử tại ký túc xá của trường. Hôm ấy, em H vẫn đi học bình thường, nhưng đến tiết cuối cùng thì xin nghỉ học. Đến 12 giờ trưa, hai bạn cùng phòng trở về thì phát hiện H đã tử vong trong tư thế thắt cổ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày 22/3, vụ việc hai cô gái trẻ tự tử tại chung cư Topaz Home trên đường Phạm Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh) một lần nữa gióng lên hồi chuông về trẻ vị thành niên tự tử. Trước khi xảy ra sự việc, hai nữ sinh mới 16 tuổi đã có những tin nhắn về việc muốn cùng nhau tự tử. Khi đi bộ đến chung cư Topaz Home, một trong hai nữ sinh lấy ván trượt ở trước chung cư, sau đó đi bộ vào bãi xe, ngang qua hồ bơi rồi đi cầu thang bộ lên tầng 3 của toà nhà, đón thang máy lên tầng thượng. Đến khoảng 2h30 phút cùng ngày, bảo vệ chung cư nghe thấy tiếng động mạnh ở khu vực lối ra vào bãi xe và đến kiểm tra thì phát hiện cả hai đã tử vong nên gọi điện báo công an.

Đầu tháng 3, một nữ sinh lớp 6 treo lơ lửng trên tầng cao của một trường THCS trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người chứng kiến hoảng loạn. May mắn, có một người đàn ông đã xuất hiện kịp thời và kéo được nữ sinh vào trong. Theo lời kể của người chứng kiến, nữ sinh này buồn chuyện gia đình nên đã nảy sinh ý định dại dột. Hay vào tháng 12/2020, nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc độc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm quy chế của nhà trường. Phía nhà trường có thừa nhận sai sót trong sự việc này.

Các vụ tự tử liên tiếp xảy ra trong nhà trường thời gian qua làm chấn động dư luận về tình trạng học sinh bị khủng hoảng tâm lý, không làm chủ được cảm xúc và hành vi của bản thân. Các chuyên gia giáo dục thừa nhận, tình trạng học sinh bị trầm cảm, cảm thấy cô đơn ngay chính trong gia đình và lớp học của mình ngày càng tăng trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Tự sát ở trẻ vị thành niên có thể ngăn ngừa được

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi giây trên thế giới thì có một người tìm đến cái chết (khoảng 800.000 ca tự tử/năm). Ở lứa tuổi từ 15-29 tuổi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Đặc biệt, hiện nay, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường vẫn chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Cách đây không lâu, bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một bé gái 13 tuổi đã có hành vi tự tử do bạo lực học đường. Sự việc xảy ra khi bé gái vào giữa năm học, cô giáo xếp ngồi giữa hai bạn nam. Từ đó, bé gái thường xuyên bị hai bạn nam trêu chọc, giật và ném sách vở, thậm chí lấy sách đập vào đầu. Thậm chí, bạn bè còn ghép đôi bé gái với một trong hai bạn nam đó khiến cháu luôn cảm thấy xấu hổ, căng thẳng và lo sợ. Do không thể tập trung vào việc học, học lực của em ngày càng giảm sút. Cảm thấy không ai hiểu và giúp đỡ mình, em dần dần sống khép kín, không giao tiếp với ai, thậm chí cả bố mẹ hay anh chị em ruột. Bé gái đã nhắn tin cho vài người bạn về tâm trạng của mình rồi tự đi mua thuốc trừ sâu và uống. May mắn, bố mẹ bé đã phát hiện kịp thời, đồng thời đưa bé gái đến bệnh viện cấp cứu… Được trị liệu về tâm lý, tình hình sức khoẻ của bé gái đã dần ổn định. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với trẻ, đặc biệt là khi trẻ đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn thì có thể trẻ sẽ lại tiếp tục có hành vi tự sát và hậu quả có thể còn đau lòng hơn…

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay, các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử ở trẻ vị thành niên là do lo âu, trầm cảm. Đây là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp sang người lớn). Độ tuổi này cũng rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập và thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khoá, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian của trẻ, khiến cho trẻ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực, thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.

“Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hoà, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè, xã hội… không được chia sẻ khiến cho trẻ bế tắc, không tìm được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống” – TS.BS Ngô Anh Vinh phân tích.

Tự sát ở trẻ vị thành niên có thể ngăn ngừa được. Việc hiểu rõ các nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm cách giải quyết và ngăn ngừa tình trạng này. “Cha mẹ cần để ý những biểu hiện bất thường của trẻ như: trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất an, vô dụng; Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như tích trữ thuốc ngủ, dây… hay đột ngột có những hành vi bất thường như dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau một thời gian dài không giao tiếp với xung quanh… để kịp thời ngăn chặn hành vi dại dột của trẻ” – TS.BS Ngô Anh Vinh khuyên.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.