“Điểm đến” thú vị về giới và gia đình của tháng 10

Chia sẻ

Góc trải nghiệm đã thiết kế trò chơi khám phá rất thú vị về cây lúa với các nội dung như tìm hiểu về các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: ngâm ủ, nảy mầm, gieo trồng, phát triển, đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông và lúa chín; cách thu hoạch lúa và cách sàng sẩy ra hạt gạo, công dụng của hạt thóc, trấu, cám…

Trên phố Lý Thường Kiệt bình yên và cổ kính, có một địa chỉ - “điểm đến” của tháng 10 luôn mở cửa chào đón du khách, các tầng lớp nhân dân và chị em phụ nữ. Đó là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với nhiều nội dung trưng bày ấn tượng, đặc sắc; các hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn về giới, khắc họa hình ảnh, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử và văn hóa của đất nước.

Tự hào truyền thống phụ nữ Việt

Trong hệ thống bảo tàng tại Hà Nội, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam “trẻ” về tuổi đời nhưng đã trở thành điểm đến không thể thiếu cho du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Từ năm 2012, trang web về du lịch nổi tiếng thế giới là TripAdvisor đã bình chọn bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nằm ở top 3 trong 94 điểm đến hấp dẫn nhất Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được du khách yêu mến, đánh giá cao như vậy, thậm chí không ít du khách khi đến thăm bảo tàng đã thay đổi cách nhìn nhận, quan điểm của mình về bảo tàng thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật được sưu tầm công phu; trình bày bố cục hấp dẫn; cách thức phục vụ sáng tạo. Đặc biệt, điểm đến này còn hấp dẫn với nhiều du khách là nam giới.

Bức tượng “Người mẹ Việt Nam” đặt ngay tại sảnh ra vào của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.Bức tượng “Người mẹ Việt Nam” đặt ngay tại sảnh ra vào của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đúng như tên gọi, bước vào bảo tàng, mọi người đều cảm nhận sự nhẹ nhàng, ấm cúng và mềm mại. Các hiện vật, tư liệu được trưng bày theo các chủ đề gắn liền với thiên chức thiêng liêng, vai trò và đặc trưng giới của người phụ nữ như phụ nữ trong gia đình, những đóng góp của “đội quân tóc dài” trong lịch sử và thời trang nữ. Dừng lại để ngắm nhìn, lắng nghe những câu chuyện qua các hiện vật, tư liệu, rất nhiều cảm xúc và cảm nhận lắng đọng về vẻ đẹp, phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam; về truyền thống, nghi lễ, phong tục đặc sắc gắn liền với thiên chức của chị em như hôn nhân, sinh nở, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái… Hơn tất cả là sự kính phục trước tình yêu, sự hy sinh, đóng góp thầm lặng của các thế hệ phụ nữ trong các giai đoạn lịch sử của đất nước. Niềm tự hào về người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong những năm tháng đấu tranh giữ nước và “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày càng được nhân lên gấp nhiều lần, để mỗi người xem, du khách dành nhiều hơn tình cảm yêu thương, trân trọng cho “phái yếu”.

Bên cạnh hệ thống hiện vật, tư liệu trưng bày thường xuyên, tùy vào thời gian, sự kiện, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trưng bày các hiện vật chuyên đề làm sâu sắc thêm vai trò, hình ảnh cũng như những đóng góp to lớn của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Thú vị nhất ở phần trưng bày chuyên đề là có nhiều vấn đề xã hội thời kỳ hiện đại liên quan đến người phụ nữ như tình trạng bạo lực, thân phận phụ nữ yếu thế được tổ chức trưng bày công phu, không chỉ để lại cảm xúc khó có thể diễn tả thành lời mà còn mang tính tuyên truyền, giáo dục rất cao. Không ít du khách lặng người khi xem phần trưng bày hiện vật được dùng để bạo hành phụ nữ. Ở khía cạnh khác, những bức hình về cuộc sống của chị em phụ nữ đơn thân ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn để lại sự xót xa, thương cảm… Mỗi hiện vật, bức hình trên không chỉ “vô tri vô giác” mà đều truyền tải những thông điệp sâu sắc và ý nghĩa cho cộng đồng.

Mới lạ, hấp dẫn ở phòng trải nghiệm

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không chỉ dành cho người lớn mà còn có sức hấp dẫn với các bạn nhỏ (từ 3-14 tuổi) khi góc khám phá, trải nghiệm về giới được đưa vào hoạt động. Với những thế hệ 8X trở về trước, các vấn đề về giới vốn là nhạy cảm và khó nói. Chắc hẳn nhiều người ở thế hệ này vốn rất tò mò về cơ thể, giới tính hay thắc mắc: tại sao mình lại xuất hiện, mình được mẹ sinh ra thế nào. Thế nhưng ít ai hiểu tường tận, nếu có hỏi người lớn thì cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung: con được sinh ra từ… nách, từ bụng.

Các em nhỏ thích thú tham gia hoạt động tại góc trải nghiệm trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.Các em nhỏ thích thú tham gia hoạt động tại góc trải nghiệm trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ở phòng khám phá của bảo tàng, câu trả lời cho vấn đề trên trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nhiều. Không sử dụng các bài giảng, câu chữ chuyên môn khó hiểu, ở góc trải nghiệm, thông qua các trò chơi vận động, giáo cụ trực quan, hình vẽ được thiết kế sinh động, đơn giản, dễ hiểu, các em nhỏ - dưới sự hướng dẫn của bố mẹ hoặc hướng dẫn viên – có thể tự do, thoải mái tương tác, tìm hiểu, trao đổi về các vấn đề đặc trưng về giới một cách tự nhiên. Các em có thể hỏi đáp, tự tin thể hiện quan điểm cá nhân mà không cảm thấy e ngại, xấu hổ. Không chỉ giải mã câu hỏi “mình sinh ra thế nào”, các trò chơi ở góc trải nghiệm còn giúp các bé tìm hiểu cách “làm thế nào để có em bé” và quá trình mang nặng đẻ đau trong 9 tháng 10 ngày của những người mẹ; cách các bé phân biệt sự khác nhau về giới; cách yêu thương và chăm sóc cơ thể; các kỹ năng bảo vệ bản thân. Góc khám phá ở bảo tàng vừa có kiến thức của môn sinh học, đạo đức vừa trang bị kỹ năng cơ bản, nhất là với lứa tuổi từ 10-13 giúp các em tự tin biết cách xử trí khi cơ thể có sự thay đổi vào tuổi dậy thì; cách tự bảo vệ bản thân nếu không may bị bắt nạt hoặc xâm hại; cách nhận biết công việc phù hợp với tâm sinh lý tại gia đình để tham gia, chia sẻ việc nhà cùng bố mẹ... Với nội dung thiết thực và cần thiết như vậy, góc trải nghiệm ở đây thu hút nhiều gia đình và học sinh từ các trường quanh khu vực này, góp phần làm cho các tiết học sinh động, thoải mái hơn, việc tiếp thu và lĩnh hội kiến thức dễ dàng hơn, không bị nhàm chán và khó hiểu khi phải học “chay”.

Du khách tham quan không gian trưng bày tư liệu, hình ảnh, clip về các Mẹ Việt Nam Anh hùng.Du khách tham quan không gian trưng bày tư liệu, hình ảnh, clip về các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Phần lớn không gian của phòng khám phá được dành cho các vấn đề về giới. Bên cạnh đó, câu chuyện của cuộc sống và gia đình được thể hiện một cách sinh động tại góc trải nghiệm. “Chuyện của gạo” là một chủ đề cũng rất thú vị và tạo ấn tượng với các bạn nhỏ cùng gia đình. Với người dân Việt Nam, hạt gạo không xa lạ, ai cũng phải ăn cơm hàng ngày. Thế nhưng, với nhiều trẻ em ở các thành phố lớn không phải cháu nào cũng tường tận về:

“... Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất...”

(Trích bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa)

Vì thế, tại góc trải nghiệm đã thiết kế trò chơi khám phá rất thú vị về cây lúa với các nội dung như tìm hiểu về các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: ngâm ủ, nảy mầm, gieo trồng, phát triển, đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông và lúa chín; cách thu hoạch lúa và cách sàng sẩy ra hạt gạo, công dụng của hạt thóc, trấu, cám… Ngoài ra, các bạn nhỏ có thể tham gia sáng tạo thông qua các mô hình khoa học như: những chiếc đinh thăng bằng, những viên bi cân bằng, tháp Brahma lý giải một số hiện tượng vật lý về trọng lượng, chuyển động và cân bằng giúp các em sẽ hiểu các hiện tượng tưởng như kỳ bí, khó hiểu trong cuộc sống như tại sao có thể xây nhà, những túp lều được xây dựng không cần đinh, máy giặt giúp giặt sạch và vắt khô quần áo…

Đ.Đ.H

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.