Đừng ích kỷ như thế nếu muốn có hạnh phúc

Chia sẻ

Cô gái ấy sinh năm 1988. 5 năm trước cô kết hôn với một người đàn ông đã có một đời vợ, hơn mẹ cô đúng một giáp, hơn bố cô 13 tuổi. Thật ra tuổi tác chênh lệch cũng không phải là một vấn đề lớn, nhưng lý do để cô chấp nhận lên xe hoa với “ông chú” chỉ vì đã lỡ có thai và “ông chú” cũng hứa sẽ mang lại cho mẹ con cô một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lấy chồng và theo chồng về Hà Nội sinh sống, cô gái vùng Kinh Bắc ấy mới thật sự nếm trải những tháng ngày bất hạnh. Chồng cô là một người làm ăn, kinh doanh giỏi, nhìn đâu cũng ra tiền. Ông ly hôn vợ cũ cũng đã mấy năm, có hai con trai, một người đã trưởng thành, ở riêng, một người ông cho đi du học nước ngoài và đã ra tối hậu thư cho cậu ấy sau khi học xong “cấm về nước”, phải cắm được một chân ở nước ngoài, để sau này làm cơ sở cho người thân dắt díu nhau sang đó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhìn chung, ông không có lỗi gì lớn, ngoài cái tính đào hoa, lăng nhăng thì bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Ông cho rằng “cái thằng đàn ông làm ra tiền mà chỉ biết mỗi “con vợ” thì vứt, mình phải biết hưởng thụ cuộc đời, cũng là mang lại niềm vui cho nhiều người phụ nữ khác”. Không phải đến lúc là “ông chủ”, cái tính lăng nhăng của ông mới xuất hiện, mà nó có ngay từ thuở ông còn là chàng sinh viên đại học. Sau này, có vợ rồi, ông vẫn duy trì các mối quan hệ trai gái với những người phụ nữ, con gái khác. Ông không phải là kẻ ăn vụng, mà luôn luôn công khai cho người yêu, sau này là vợ biết rằng ông không thể sống thiếu phụ nữ, đặc biệt không thể chỉ sống với duy nhất một người vợ. Hơn hai mươi năm chung sống là hơn hai mươi năm giằng co, đấu tranh, buông bỏ, ghen tuông, đau khổ của người vợ đầu. Giống như những người phụ nữ khác, chị cũng tự bảo với mình là “nghiến răng sống vì con”, nên đành khóc thầm khi nằm không một mình trong “phòng hạnh phúc” của vợ chồng, mà biết rằng ở một phòng dưới tầng một, chồng đang trắng trợn “yêu” một cô gái khác. Ông bảo, “xong việc” ông sẽ lên. Đến khi cậu con trai út đi du học, người vợ đau khổ ấy mới chính thức đưa đơn ly dị, giải thoát cho bản thân.

Rồi cô gái trẻ quê Kinh Bắc này lại kế tiếp những gì diễn ra với người vợ đầu của người đàn ông này. Tuy nhiên, Nga (tên cô gái) là “dân 8x đời cuối”, cũng tự lập, tự tin, không sống kiểu cam phận như người phụ nữ “đời cũ”. Tuy ở với nhau một thời gian, có con rồi, nhưng cô vẫn tâm niệm rằng “tử tế thì ở với nhau, không thì thôi, không việc gì phải khổ”. Khi sinh con nhỏ, cô bế con về bên ngoại để được mẹ đẻ chăm sóc, thì ở Hà Nội, chồng cô đã đưa một cô gái khác về “ở tạm” trong thời gian vắng vợ. Tuy nhiên, Nga biết, chồng cô không chỉ có cô gái ấy, mà vẫn dành thời gian đi “giải trí” ở những nơi khác nữa. Bản tính ông ta lăng nhăng là vậy, nhưng lại rất ghen và cho rằng phụ nữ mà không chung thuỷ là “vứt”. Vì thế, Nga bị ông ta đặt lén chíp định vị, theo dõi điện thoại, tin nhắn, phá mật khẩu facebook, zalo… kiểm soát. Không chịu đựng được, Nga không quay về Hà Nội ở với chồng nữa mà ở lại luôn với bố mẹ đẻ. Vì chưa có đăng ký kết hôn, nên cô không quá vướng bận về mặt thủ tục. Con lớn một chút, Nga đi làm để lo cho cuộc sống của mình.

Gần đây Nga gặp lại một cậu bạn học cùng phổ thông, đang làm cho một cơ quan nhà nước. Cậu bạn bằng tuổi, đẹp trai, cao to, phong độ, nhưng ngang trái là lại bị vợ cắm sừng, nên đã ly dị từ hơn 2 năm trước. Cậu bạn học đang công tác ở Phú Thọ, có một cậu con trai học lớp 4, nhưng ở với ông bà nội ở quê Bắc Ninh để bố an tâm công tác. Gặp lại nhau, xin lại số điện thoại, kết bạn zalo, facebook, nói chuyện hàng ngày, hàng đêm, 1 tuần hẹn gặp nhau một, hai lần, dần dần cả đôi bên đều cảm thấy như “tìm thấy một nửa của nhau”. Tuấn Anh, bạn trai của Nga cũng đã khoe với khắp bạn bè, họ hàng về mối quan hệ này, chỉ mong Nga gật đầu, đi đăng ký kết hôn sớm. Nga thì còn đắn đo đủ đường. Vì bố mẹ đẻ Nga muốn Nga quay lại với “người chồng có tuổi” với lý do kinh tế ông ta vững vàng, sau này con cái đỡ khổ. Hơn nữa, bố mẹ Nga lại có quan điểm ông ta có đi với bao nhiêu người con gái khác cũng… kệ, mình vẫn là “vợ cái con cột”, một thời gian nữa ông ấy già hẳn, chắc sẽ chẳng thể đi lăng nhăng được nữa. Tất nhiên, Nga không chấp nhận quan điểm sống của bố mẹ cô, nhưng cũng có chút thương con không bố, nếu cô quyết tâm dứt bỏ ông ấy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nga đặt điều kiện cho “cậu bạn”, muốn tiến tới xa hơn phải chấp nhận những điều Nga yêu cầu. Một là cô sẽ chỉ chấp nhận con em, con chúng ta, chứ không chấp nhận nuôi “con anh”. Như thế, đứa con trai học lớp 4 của “cậu bạn” vẫn phải để ông bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc. Hai là chỉ có “chồng theo vợ”, chứ cô sẽ không theo về nơi “cậu bạn” đang công tác ở Phú Thọ để sống và làm việc. Thứ ba, cô sẽ không bao giờ đi làm cơ quan nhà nước hay đi làm công nhân, mà chỉ làm kinh doanh tự do, giống như hiện nay cô đang làm môi giới nhà đất. Thứ tư, cái nhà cô mới mua hiện nay, dù là trả góp gần xong, cũng sẽ chỉ là tài sản của riêng cô, kể cả sau này hai người có tiến tới hôn nhân. Ngoài ra Nga đưa thêm phương án là cả hai người sẽ góp vốn chung, mua nhà chỗ khác để ở cho thoải mái, căn nhà hiện tại Nga có thể cho thuê.

Trò chuyện với người mẹ 8X này, chúng tôi hiểu cơ hội quay về chung sống với ông chồng đào hoa, chưa đăng ký kết hôn là… rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhắc cô rằng tuy hai người chưa đăng ký kết hôn, nhưng đã có đám cưới và có con chung, bây giờ bỏ nhau cũng không phải là “mạnh ai người ấy đi”, mà vẫn phải có đơn ra toà. Ở trường hợp này, Toà sẽ không ra quyết định ly hôn, mà quyết định không công nhận cuộc hôn nhân của Nga và người chồng lớn tuổi.

Còn mối quan hệ giữa Nga và cậu bạn học xem ra đang là cảm xúc “trời hạn gặp mưa rào”, chứ chưa thể nói là tình yêu thực sự nghiêm túc. Có thể vì Nga không hạnh phúc với “ông chú lớn tuổi”, nhiều tiền, nhiều tật, nên khi gặp chàng trai trẻ trung, phong độ, mới bỏ vợ, đang háo hức mới có cảm xúc “như tìm thấy nhau”. Giai đoạn nhắn tin, gọi điện, chat hẹn hò, gặp nhau, đi nhà nghỉ… đầy mặn nồng sẽ chững lại khi xuất hiện những dự tính tương lai. Trên thực tế, cả hai có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến đến hôn nhân: Anh ly dị vợ, cô bỏ chồng, cả hai có con riêng, dẫu người ở Bắc Ninh, người ở Phú Thọ nhưng không quá xa xôi. Anh là cán bộ ăn lương nhà nước ổn định, cô kinh doanh tự do, nếu khéo léo cũng có thể có đời sống kinh tế khá tốt. Nhà riêng cô đã có, nếu cần cả hai góp tiền mua chung nhà khác cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, đang trong thời gian “mặn nồng” mà Nga đề xuất bản yêu cầu 4 điểm cho “người bạn đời tương lai” như cô nêu trên thì quả là rất thực tế, thực dụng, tỉnh táo, nhưng có phần ích kỷ, nghĩ nhiều cho mình mà không nghĩ đến tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người đồng hành cùng mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc không chấp nhận chăm sóc, nuôi con riêng của chồng là một điều đáng ái ngại. Đứa trẻ đáng thương đang háo hức mong một ngày nào đó được sống với bố, nhưng khi bố có vợ là lúc cậu bé chính thức trở thành “con của ông bà nội”. Tâm tư của ông bà nội, của người bố, của họ hàng, bạn bè ra sao khi vợ mới của bố không chấp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng cậu bé, mặc dù cô ấy cũng có con riêng? Đừng sợ cảnh “con anh, con em, con chúng ta”, nếu đủ yêu thương, cả ba đối tượng con ấy đều là “con chúng ta” cả. Chuyện đất đai, tài sản để riêng hay nhập chung là quyền của mỗi người, hy vọng cả hai sẽ cùng có cái nhìn tích cực về vấn đề này. Hà Nội, Bắc Ninh hay Phú Thọ đều rất gần với những người thực sự muốn đến với nhau và có điều kiện kinh tế ở mức trung bình khá trở lên. Không ai phải theo ai, mà là thoả thuận. Hai người mua nhà chung ở Hà Nội, chồng vẫn duy trì công tác trên Phú Thọ, thứ bẩy, chủ nhật “đánh xe” về với vợ con, cũng đâu khó khăn. Với nghề kinh doanh nhà đất của Nga, ở đâu làm chẳng được. Tóm lại, theo nhận định của chuyên viên tư vấn, là bởi vì tình cảm hai người dành cho nhau chưa đủ lớn nên mới xuất hiện bản hợp đồng với các điều khoản giống như những “tối hậu thư” dành cho nhau như vậy. Biết đâu một thời gian nữa, cảm xúc hai người lắng dịu, lại nhận thấy có khi chỉ làm bạn vẫn tốt hơn là lấy nhau. Hoặc biết đâu, chỉ cần được lấy nhau, là của nhau, về chung một nhà, còn ở đâu, ai theo ai, làm gì, làm ở đâu… lại không còn quan trọng nữa.

Khi rời khỏi phòng tư vấn, Nga nói một câu khiến chúng tôi có chút yên lòng, rằng cô sẽ nghĩ lại việc chấp nhận chăm nuôi đứa con riêng của bạn trai, còn những điều khoản khác, cô sẽ không nhượng bộ, bởi cô đủ chững chạc, từng trải để biết rằng chuyện tiền bạc, cơm áo không phải không có ý nghĩa trong cuộc sống hôn nhân, gia đình!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.