Em chồng hóa ô-sin trong nhà

THÁI THỊ THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ ngày tôi chuyển đến sống ở nhà anh rể và chị gái, bố mẹ tôi rất cảm kích trước tấm lòng của anh rể. Mẹ tôi còn luôn dặn dò tôi ở nhà anh chị phải biết điều, đừng để anh chị phật lòng. Còn tôi thì chỉ biết nuốt tâm sự vào trong vì chẳng biết ngỏ cùng ai.

Chị gái tôi lấy chồng ở thành phố. Anh rể tôi là người kiếm ra tiền nuôi vợ con. Chị cũng đi làm, nhưng tiền lương của chị chẳng thấm là bao. Vì vậy, tôi biết, tiếng nói của chị không có nhiều trọng lượng trong nhà.

Năm ngoái, sau khi thi đỗ đại học, một mình tôi lên thành phố. Lúc đầu, tôi thuê một phòng trọ nhỏ ở gần trường với giá thấp. Tuy nhiên, tiền trọ ít nên điều kiện sinh hoạt cũng tồi tàn. Sau đó, tôi định chuyển đến nhà trọ khác tốt hơn và rủ người ở ghép để giảm chi phí. Song, bố mẹ tôi lo tôi ở chung không an toàn, mà để tôi thuê cả phòng trọ thì lại tốn kém. Giữa lúc đó vợ chồng chị gái ngỏ ý đón tôi về ở cùng anh chị. Nghe tin, bố mẹ tôi mừng lắm vì vừa tiết kiệm được một khoản tiền, nhưng quan trọng hơn là tôi ở cùng anh chị sẽ được an toàn.

Em chồng hóa ô-sin trong nhà - ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh rể tôi là người rất cẩn thận, ưa sạch sẽ, câu nệ nghi thức nên không hợp lắm với tính tôi. Vì vậy, lúc đầu, tôi cũng lăn tăn không muốn dọn về đó ở chung vì lo sẽ không thích nghi được, rồi có khi lại làm phiền tới cuộc sống của anh chị. Nhưng, cả hai anh chị đều thuyết phục tôi, chị gái còn nói tôi mà không đến ở là phụ lòng anh rể. “Anh rể em là tốt tính thì mới đồng ý như vậy. Em xem, bao năm qua, chị và cháu đều sống dựa vào anh ấy nên nếu anh không đồng ý, chị cũng không dám đề xuất em đến ở cùng. Đằng này, anh ấy đã chủ động nói đón em về thì em đừng có chần chừ”, chị tôi nói. ở quê, bố mẹ tôi cũng liên tục gọi điện giục tôi phải chuyển về nhà anh chị. “Con ở đó có anh chị trông nom thì bố mẹ quá yên tâm rồi. Con xem, xã hội bây giờ phức tạp, mình không có người thân thích thì mới đi thuê trọ. Đằng này, có vợ chồng chị gái ruột mà còn không chịu cậy nhờ thì người ngoài nhìn vào sẽ nói chị em con không biết thương yêu nhau. Bố mẹ đã quyết rồi, con phải nghe lời”, mẹ tôi vừa thuyết phục vừa “hạ lệnh” cho tôi.

Không còn cách nào khác, cuối cùng, tôi cũng dọn đến ở cùng anh chị. Đó là một căn hộ chung cư thương mại mà anh chị tôi mới mua được ít năm. Do cháu còn nhỏ nên anh chị nói tôi ở chung phòng của cháu luôn, sau này nếu hai dì cháu thấy chật thì sẽ để tôi ở phòng khác sau.

Với tôi, được ở trong căn phòng đó đã là quá tốt rồi. Hơn thế, tôi biết mình đang cậy nhờ nhà anh chị nên cũng không dám đòi hỏi gì hơn. 

Anh chị cho tôi một tuần để làm quen với nếp sinh hoạt trong nhà. Hàng ngày, cứ 5 giờ chiều, có một bác giúp việc tới giúp anh chị dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, giặt giũ. Sau đó, anh rể nói tôi ở trong nhà thì cũng cần có trách nhiệm giúp đỡ anh chị nên từ nay sẽ không cần thuê người giúp việc nữa. Thay vào đó, chiều về, tôi sẽ lo việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tôi nghĩ anh sắp xếp vậy cũng phải, nên vui vẻ đồng ý. Tôi cũng muốn anh chị bớt được khoản tiền thuê người giúp việc để bù đắp cho việc anh chị đang nuôi tôi.

Em chồng hóa ô-sin trong nhà - ảnh 2
Ảnh minh họa

Song, dần dần, tôi nhận thấy hóa ra mình không phải là người giúp anh chị mà lại là người làm việc chính trong nhà. Từ ngày có tôi, tất cả các việc không tên anh rể đều sai tôi làm. Sáng, tôi dậy sớm đi chợ, nấu ăn sáng cho cả nhà (ngày trước, anh chị ăn ở bên ngoài). Sau đó, khi anh chị đi làm thì tôi đưa cháu đi học. Trường đại học của tôi ở xa, đưa cháu tới trường rồi mới lộn xe đi học, phải tăng tốc lắm tôi mới kịp giờ nhưng nhiều hôm vẫn bị muộn tiết. Sau giờ tan học, lắm khi tôi cũng muốn tranh thủ lên thư viện đọc tài liệu, hay làm tham gia các hoạt động với lớp nhưng không được. Đó là bởi tôi còn vướng việc cơm nước buổi chiều. Nếu tôi không về ngay thì sẽ không kịp để anh chị và cháu đi làm, đi học về có cơm ăn. Mà anh rể tôi quen “giờ nào việc nấy”, hễ mọi việc không đi đúng quỹ đạo là anh sẽ khó chịu, rồi trút giận lên vợ con. Bất luận thế nào, cứ đúng giờ là anh phải ngồi vào mâm cơm.

Biết anh rể ưa gọn gàng, tôi luôn cố gắng giữ cho nhà cửa sạch sẽ. Nhưng nhà anh chị rộng, lại lắm đồ đạc, việc lau dọn hàng ngày cũng mất khá nhiều thời gian. Rồi mỗi chiều, hễ cơm nước xong là tôi lại bò ra cọ bếp, bồn rửa tới sáng bóng kẻo anh rể chỉ cần thấy một vết dầu mỡ còn vương lại là sẽ trách cứ tôi. Khi mọi người cơm nước xong, chị tôi dạy cháu học bài, anh rể ngồi xem tivi thì tôi lại lo việc giặt giũ, phơi quần áo rồi tranh thủ lau nhà do biết sáng sau bận rộn, làm không kịp. Ngày nào của tôi cũng như vậy, cho đến cuối tuần tôi  muốn nghỉ ngơi chút thì anh rể lại giao thêm cho tôi nhiều việc khác như lau dọn cửa sổ, cắt tỉa cây, lau quạt, đèn, thay ga, giặt chăn gối, dọn kho… Tóm lại là tôi làm từ sáng tới chiều cũng không hết việc.

Hai dì cháu ở chung phòng, từ lúc nào, tôi cũng kiêm thêm việc trông trẻ. Việc học ở trường đại học cũng bận rộn, nhưng hễ ngồi vào bàn một chút là cháu lại đòi dì chơi, đọc truyện cho nghe. Anh rể tôi cũng nói anh chị đi làm về mệt nên sau giờ phim là giao cháu cho tôi lo để anh chị nghỉ ngơi. Thôi thì cháu của mình thì mình chăm không đi đâu mà thiệt, nhưng, nhiều lúc tôi chơi rồi dỗ cho cháu ngủ thì trời đã khuya rồi. Tôi cũng mệt nhoài, chả còn sức lực đâu mà học. 

Em chồng hóa ô-sin trong nhà - ảnh 3
Ảnh minh họa

Từ ngày tôi lên ở nhà anh chị, bố mẹ ở quê cũng liên tục gọi điện ra nhắc tôi phải biết đường ứng xử, nhớ chăm chỉ đỡ đần anh chị. Có lần tôi trót kể với mẹ là mình không còn thời gian học vì phải làm nhiều việc không tên quá, mẹ không thông cảm còn bảo tôi như vậy là lười biếng. Rồi mẹ còn dặn tôi ở nhà anh chị phải biết tiết kiệm, hạn chế để phát sinh chi tiêu của anh chị. Vì thế, tôi làm gì cũng phải nhìn trước, ngó sau. Ở cùng anh chị, nhưng tôi vẫn chỉ dám chi tiêu trong mấy trăm nghìn/tháng bố mẹ gửi lên cho chứ không bao giờ dám xin thêm anh chị một đồng nào. Bố mẹ tôi thì cứ một hai cảm ơn anh rể, thi thoảng lại nhờ xe khách gửi lên cho anh rể đồ này, thức kia… thay cho lời cảm ơn của ông bà với con rể.

Tôi không phủ nhận anh chị đã giúp đỡ tôi, nhưng ngược lại, tôi không thích việc dường như mình đang bị biến thành “người giúp việc” trong nhà anh chị. 

Chị gái tôi cũng biết tôi vất vả nhưng chị không dám cãi lại lời anh rể. Nhiều lúc, trước mặt anh, chị chỉ dám nói nhẹ là thôi việc để lại mai làm, tôi tranh thủ vào học bài đi vì sắp thi rồi. Thế nhưng anh rể lại không bằng lòng, còn quay sang mắng chị là việc hôm nào phải làm cho dứt điểm hôm đó, em vợ đang tuổi này mà không rèn giũa thì sau này làm sao quán xuyến được gia đình. Rồi anh kể, ngày trước, anh vừa đi học đại học, vừa đi làm bồi bàn để kiếm tiền đóng học phí chứ đâu có sướng như tôi bây giờ. Anh còn toàn học vào lúc tờ mờ sáng nhưng vẫn học giỏi và thành công như hôm nay. “Dì mà chăm học thì sẽ tự tìm ra thời gian thích hợp để học. Không học được ngày thì học đêm, không học đêm thì học ngay tại lớp”, anh rể tôi nói.

Thực sự, từ ngày về ở cùng anh chị, tôi thấy mình mệt mỏi hơn. Nhưng, tôi lại không thể chuyển ra ngoài ở vì không muốn bố mẹ phải tốn kém vì tôi chưa làm ra tiền, rồi bố mẹ, anh chị cũng lại phải suy nghĩ...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.