Giá như “cơm sôi bớt lửa”

Chia sẻ

Hai người phụ nữ có hoàn cảnh trái ngược nhau: Một người thành đạt và triền miên những chuyến công tác xa, một người chấp nhận “ru rú” ở nhà để hết lòng chăm lo nhà cửa, con cái cho chồng. Vậy nhưng họ đều mang đơn đến tòa để tha thiết được ly hôn với chồng.

Hết yêu người chồng ghen tuông quá mức

Đây đã là lần thứ hai, chị Nguyễn Thị Thu H mang đơn ly hôn đến tòa án. 13 năm chung sống, kinh tế đã ổn định và vững chãi hơn, nhưng tình cảm giữa hai vợ chồng lại ngày càng lung lay, rạn nứt. Khoảng cách giữa hai vợ chồng, thật gần mà cũng thật xa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vừa qua, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án về tranh chấp ly hôn. Người kháng cáo là anh Nguyễn Thành Đ – chồng chị H, bởi anh muốn vợ chồng đoàn tụ. Nhưng vợ anh lại xác định “không còn tình cảm yêu đương gì nữa”. Theo chị H, công việc của chị hay phải đi công tác xa nhà, anh Đ không cho chị đi, nếu có cho đi thì cũng rất khó chịu. Mâu thuẫn đỉnh điểm từ khi chị đi công tác nước ngoài 1 tuần, anh Đ nhắn tin chửi bới khiến chị rất sốc. “Cuộc sống hàng ngày, anh Đ vẫn thường soi mói, chì chiết và đánh tôi. Anh luôn nghi ngờ và nghĩ tôi làm việc sai trái, không cho tôi một lần được thanh minh, giải thích”. Tháng 9/2018 chị đã làm đơn xin ly hôn. Lần đó, anh Đ xin hứa sửa chữa, bạn bè cũng động viên nên chị rút đơn về, nhưng rồi lại đâu vào đấy. Anh Đ không thay đổi. Hơn nữa, bản thân chị xác định không còn tình cảm yêu thương chồng nữa nên mong Toà án giải quyết cho ly hôn.

Mâu thuẫn của anh chị đã được hai bên gia đình hòa giải, quá trình tiến hành tố tụng, Tòa án cũng đã hòa giải nhưng không có kết quả. Tại phiên toà phúc thẩm, anh Đ không đưa ra được phương án để níu kéo tình cảm vợ chồng. Bởi anh cho rằng “mâu thuẫn vợ chồng chỉ là nhỏ”, và việc chồng chửi bới, đe doạ hay đánh vợ cũng là điều không hề hiếm, còn nhiều cách giải quyết khác ôn hòa hơn là “đem nhau ra tòa”. Nhưng dường như chính điều này đã làm chị H càng kiên quyết ly hôn hơn, vì “tôi đã bị tổn thương quá nhiều, không còn lấy một chút niềm tin ở anh nữa”.

Xét mâu thuẫn của anh chị đã đến mức trầm trọng, mục đích hôn nhân là nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc không đạt được, phiên tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, chấp nhận cho hai vợ chồng đường ai nấy đi.

Cơ hội cho người chồng “giam cầm” vợ mình ở nhà

Chị Phạm Thị Ánh N và anh Nguyễn Văn H kết hôn khi chị N chưa có nghề nghiệp. Sau khi cưới, chị đi học trường Cao đẳng Dược, sau đó đi làm được gần một năm thì anh H yêu cầu chị nghỉ, ở nhà chăm sóc con và gia đình. Theo thời gian, mâu thuẫn lớn dần vì anh H có lối sống gia trưởng, không vừa ý là chửi bới, xúc phạm và đánh vợ. Anh từng đuổi chị ra khỏi nhà, chị đã phải về nhà mẹ đẻ ở, được khoảng 1 tháng thì anh đến xin lỗi và vợ chồng về chung sống cùng nhau. Sau đó anh H vẫn chứng nào tật nấy. Lần cuối cùng anh ghen tuông, dọa đánh trước khi hai người ra tòa, chị N đã về ở hẳn nhà mẹ đẻ và hai vợ chồng ly thân từ đó đến nay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh H luôn ghen tuông mù quáng, chị xin đi làm thì anh H không cho, bắt chị ở nhà. Một điều nữa là họ luôn tự giải quyết mâu thuẫn của mình, không nhờ đến chính quyền địa phương và gia đình hai bên hòa giải, vì thông gia vốn ít đi lại với nhau. Cũng vì thế mà tình cảm vợ chồng nhạt dần, chuyện chị mang đơn ra Tòa là kết quả của một thời gian dài bế tắc.

Anh H không đồng ý ly hôn và kháng cáo. Anh cho rằng, những va chạm của mình với vợ là do mình quá nóng giận mà vợ không thấu hiểu: “Vợ tôi còn trẻ người non dạ, đến đi học trường cao đẳng Dược rồi đi làm cũng là tôi xin cho. Dù có cãi nhau, xô xát, nhưng sau khi tôi xin lỗi, cô ấy lại vui vẻ trở lại”. Mâu thuẫn chỉ thật sự căng thẳng vào đầu năm 2019, chị N đi chơi với bạn bè mà không nói rõ cho chồng biết. Thế là anh H ghen và mắng chị. Tự ái, chị N bỏ về nhà mẹ đẻ, anh H đã nhiều lần liên lạc để đón vợ về nhưng chị không đồng ý. “Tôi nhận thấy, mâu thuẫn của vợ chồng có phần bắt nguồn từ việc vợ tôi có nhiều mối quan hệ không rõ ràng. Trong cuộc sống vợ chồng, tôi không để vợ con thiếu thốn gì về vật chất, trong lúc đi làm về mệt mỏi, tôi có căng thẳng nên không giữ được bình tĩnh và xảy ra to tiếng với vợ. Những điều này, tôi hứa sẽ rút kinh nghiệm, sửa chữa bản thân, không để xảy ra điều tương tự. Vậy nên tôi mong Tòa án hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, chung sống cùng nhau và nuôi dạy các con. Tôi không đồng ý ly hôn”, anh kiên quyết.

Đó là những gì diễn ra ở phiên Tòa sơ thẩm. Chị N sau đó đã có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm, đề nghị được ly hôn với anh H, yêu cầu được nuôi con và chia tài sản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

HĐXX xét thấy mâu thuẫn giữa chị N với anh H chỉ là những mâu thuẫn xảy trong cuộc sống hàng ngày. Người chồng do yêu vợ nên phát sinh tính ghen tuông. Người vợ cũng có lỗi khi đi chơi với bạn bè không báo cho chồng biết. Trong cuộc sống vợ chồng, cả hai đều phải có sự tôn trọng, thông cảm, chia sẻ với nhau. Anh H xác định vợ chồng cần cùng nhìn nhận lại mâu thuẫn và nghĩ cho tương lai của các con. HĐXX thấy rằng cần tạo điều kiện cho anh H và chị N có thêm thời gian để khắc phục mâu thuẫn. Do đó yêu cầu kháng cáo của chị N không được HĐXX chấp nhận.

Có thể nhận thấy, điểm chung giữa hai vụ án ly hôn trên đều xuất phát từ sự kiểm soát quá mức của người chồng, và những nỗi lòng chưa được thấu hiểu của người vợ, dẫn đến những “biến chứng” tai hại khiến hôn nhân rơi vào bế tắc. Tòa án – với vai trò của mình, luôn cố hết sức để trả lại hạnh phúc, đoàn tụ cho mỗi cặp vợ chồng. Vậy nhưng, để hôn nhân luôn được thuận hòa, thì rất cần sự chừng mực, vừa phải và đủ tinh tế để hiểu nhau của người trong cuộc. Có lẽ, trước khi quyết liệt mang đơn ra tòa, chấp nhận từ bỏ cuộc sống chung một mái nhà với người chồng mình từng rất yêu thương, thì người phụ nữ - dù yếu đuối hay mạnh mẽ đều ít nhất một lần ao ước “Giá như…” để biết đâu đó, hạnh phúc vẫn tìm về.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.