Giáo dục trẻ tương tác lành mạnh trên không gian mạng

Bài và ảnh: Thái An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở thời đại 4.0, mạng xã hội phát triển đem lại nhiều thuận lợi cho người sử dụng nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy, tác động tiêu cực đến người trẻ tuổi, nhất là đối với trẻ em, lứa tuổi chưa có sự phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, trang bị kỹ năng, nâng cao nhận thức cho trẻ về sử dụng internet, bảo vệ, hỗ trợ, giáo dục trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng là vấn đề cần được quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực như nhận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích hay tăng cường tương tác xã hội thì môi trường mạng internet cũng chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên không gian mạng ngày một thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây về tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam thì có tới 87% số người sử dụng Internet hàng ngày. Song chỉ 36% (hầu hết là trẻ em lớn, độ tuổi 16-17 tuổi) tham gia khảo sát trả lời đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng. Lợi dụng điều này, các thủ đoạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành thì điều quan trọng cần có sự quan tâm, quản lý của các bậc phụ huynh khi các em tương tác trên mạng xã hội.

Giáo dục trẻ tương tác lành mạnh trên không gian mạng - ảnh 1
Trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý nếu không được giáo dục tương tác lành mạnh trên mạng xã hội (Ảnh internet)

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Hiện nay, Internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống, không chỉ người lớn mà trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và những điều mình thích. Để an toàn trên môi trường mạng, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Theo thống kê của Cục Báo chí, 9 tháng đầu năm 2022, đã có hàng trăm nghìn tin, bài phản ánh liên quan đến trẻ em. Số lượng này rất lớn đối với các lĩnh vực khác.

Một nghiên cứu khác cho thấy, Việt Nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nêu rõ, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Không thể phủ nhận những lợi ích của việc học trực tuyến cũng như tác động tích cực của những thông tin lành mạnh trên mạng đối với trẻ em. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nghiện mạng xã hội để lại hậu quả rất lớn với trẻ, nhất là trẻ vị thành niên, khi trẻ đang có sự phát triển mạnh mẽ về thể chất và tinh thần. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, nhắc nhở, định hướng và điều chỉnh kịp thời của phụ huynh, thầy cô giáo, ngành chức năng thì vô tình những thông tin độc hại trên môi trường mạng có thể tác động xấu đến tâm sinh lý và hành động của trẻ. Trẻ có thể thu mình vào thế giới ảo để rồi xa rời thực tế, thậm chí các đối tượng xấu có thể lợi dụng môi trường mạng để dụ dỗ và xâm hại. 

Giáo dục trẻ tương tác lành mạnh trên không gian mạng - ảnh 2
Cần giáo dục trẻ tương tác lành mạnh trên mạng xã hội

Cũng theo bà Hoa, để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ, ứng dụng viễn thông, internet và thông tin trên mạng. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại nhà trường, cộng đồng dân cư về phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, những kỹ năng nhận biết, phòng ngừa đối với tội phạm này. Tích cực tuyên truyền pháp luật tại các trường học về phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Qua đó, giúp các học sinh có thể tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho người thân, bạn bè biết được rõ hơn về các quy định pháp luật, lợi ích và mặt trái của mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, hơn ai hết các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, theo dõi con em mình khi các em tiếp xúc với môi trường mạng xã hội, đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, người dân nên trình báo với cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ngày 9/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 với 5 điều. Trong đó: 
Điều 33 của Nghị định quy định thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Cụ thể “thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”. 
Điều 36 của Nghị định cũng quy định “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”. Khi có trường hợp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. 
Điều 37 của nghị định quy định “cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý Nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em và cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.” Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em và tôn trọng pháp luật, cha mẹ, thầy giáo, người giám hộ cần hiểu được các mối nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến bé và lắng nghe ý kiến của trẻ, khi đưa các hình ảnh, thông tin của trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.