Giáo viên, cha mẹ đồng hành cùng trẻ học trực tuyến

Chia sẻ

Những ngày này, học sinh tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, do dịch bệnh Covid-19 nên phải tạm dừng tới trường và học trực tuyến. Hình thức học này rất mới mẻ cả với giáo viên, học sinh và gia đình các em.

Vậy, giáo viên, cha mẹ có thể làm gì để đồng hành, hỗ trợ trẻ học trực tuyến, tránh cho trẻ nguy cơ cảm thấy chán học, hay học không hiệu quả?

Dưới đây là tư vấn của bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại buổi tập huấn “Đồng hành với trẻ học trực tuyến” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Bác sĩ  Nguyễn Trọng AnBác sĩ Nguyễn Trọng An

Những vấn đề trẻ gặp phải khi học trực tuyến

Học online và học trực tuyến có điểm chung là phương pháp trao đổi, tiếp cận nội dung, kiến thức trên các thiết bị điện tử kết nối mạng internet, nhưng thực chất lại là 2 cách học khác nhau.

Về hình thức: Học online là học viên phải tự tìm hiểu những tài liệu, video sẵn có trên mạng internet và tự nghiên cứu, đặt câu hỏi trên mạng và tìm câu trả lời, biến kiến thức tổng hợp được thành kiến thức của bản thân.

Học trực tuyến là học viên được kết nối, trò chuyện, hỏi đáp trực tiếp với giáo viên thông qua hình thức gọi video, sử dụng các ứng dụng zoom, skype, meeting…

Do học trên thiết bị điện tử có kết nối mạng internet, nên trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề không mong muốn. Chẳng hạn như mạng internet và trang thiết bị kết nối mạng yếu, chập chờn; Nhiều trẻ trong các gia đình nghèo không có máy tính, điện thoại thông minh để kết nối mạng, hoặc có thì thiết bị cũ, không đảm bảo an toàn khi học. Trong quá trình học, cũng phát sinh nhiều tình huống như giáo viên, người học quên không tắt míc, nhiều tiếng ồn, thậm chí cả tiếng nói tục, chửi bậy lọt vào lớp học… Một số thầy cô giáo chưa có kỹ năng dạy trực tuyến, bài giảng đơn điệu tẻ nhạt không thu hút được trẻ. Về phía người học, nhiều trẻ khi học trực tuyến có cha mẹ, người thân luôn ngồi bên cạnh liên tục nhắc nhở khiến trẻ bị áp lực, mất hứng thú học trực tuyến.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bên cạnh đó, trong thời gian các nhà trường, địa phương triển khai dạy học trực tuyến đã ghi nhận một số vụ tai nạn đáng tiếc như một cháu bé bị điện giật khi đang học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Điều này cho thấy, trong thời gian trẻ tạm dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến, có nhiều nguy cơ tai nạn thương tích có thể xảy tới với trẻ ngay trong chính ngôi nhà thân thuộc của mình. Việc trẻ tiếp xúc nhiều với internet cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc với thông tin xấu, bị lạm dụng trên mạng xã hội…

Ngồi học trực tuyến thay cho học trực tiếp tại trường, cũng khiến trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng tới sức khỏe cả về thể chất và tinh thần như mắc các bệnh khúc xạ mắt, đau tê mỏi, gù vẹo, béo phì chậm chạp; Sang chấn tâm lý và rối nhiễu tâm trí ở trẻ nhỏ như trẻ cảm thấy bức bối khó chịu, chọc ngoáy ko tập trung nghe giảng; Thờ ơ lơ đãng, ngáp vặt, buồn ngủ; Trẻ cãi lại thầy cô, chọc ghẹo bạn bè; Đêm về trẻ giật mình, khóc thét, gặp ác mộng, trầm cảm.

Đồng hành cùng trẻ trong thời gian học trực tuyến

Đó là điều giáo viên, cha mẹ cần làm để giúp trẻ điều chỉnh tâm lý, giải tỏa áp lực tinh thần. Đặc biệt, cha mẹ, thầy cô giáo cần quan tâm tới hai đối tượng là trẻ nhỏ lớp 1 và trẻ chuyển cấp (từ lớp 5 lên lớp 6).

Trẻ mẫu giáo mới vào lớp 1 có đặc điểm là quen chạy nhảy vui chơi, chưa tạo tính kỷ luật trong một lớp nghiêm túc, khó ngồi yên một chỗ…

Với học sinh chuyển cấp cũng gặp phải khó khăn là thay đổi môi trường học, trẻ có nhiều thầy cô mới, nhiều bạn mới, lạ. Cách học ở cấp THCS cũng khác với nhiều môn học mới, kiến thức mới, cách học cũng tự chủ hơn so với khi học cấp tiểu học.

Để có thể giúp trẻ, nhất là trẻ nhỏ, các cha mẹ cần có sự chuẩn bị:

+ Hãy thiết lập một góc học tập xinh xắn, chuyện trò với con khi con đã là học sinh thực thụ ngồi trong một lớp học nghiêm túc, có thầy cô giáo và nhiều bạn bè, động viên khích lệ sự chủ động và tự tin, hướng dẫn, uốn nắn và chia sẻ cùng con.

+ Tùy theo điều kiện của gia đình, có thể trang bị cho con các thiết bị, đồ dùng học tập để học trực tuyến. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý vấn đề an toàn kết nối thiết bị với nguồn điện, kiểm tra pin máy tính, máy tính bảng, chất lượng micro, tai nghe và giúp trẻ chuẩn bị sẵn các tài liệu học tập.

+ Tạo môi trường học tập tốt cho trẻ: Cha mẹ cần xây dựng cho trẻ không gian học tập hợp lý; Nắm vững thời khóa biểu, kế hoạch học tập ở trường; Kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên việc ghi bài, làm bài tập hàng ngày của con.

+ Giúp con uốn nắn tư thế ngồi, theo dõi thời gian nghỉ giữa giờ hợp lý, mức độ tập trung, mức độ tham gia vào bài học, việc hoàn thành bài tập và tâm trạng của con để có thể giúp con kịp thời.

+ Quan sát quá trình học của con và đưa ra những nhận xét tích cực giảm bớt cảm giác tự ti của trẻ, khuyến khích các con cố gắng làm tốt hơn cho những lần sau, tạo động lực phát triển từ những điều tích cực.

+ Kiểm tra sau giờ học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hỏi con về những kiến thức con đã học được sau buổi học; Cùng con xem lại nội dung mà con gặp khó khăn hoặc củng cố kiến thức con đã học được; Cùng con xem lại bài tập con đã hoàn thành sẽ giúp bạn nắm được sơ bộ sự tiếp thu của con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với trẻ đã lớn hơn, trẻ chuyển cấp, cha mẹ có thể trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của con. Cách tốt nhất là tham gia vào các nhóm zalo do giáo viên (hoặc nhóm phụ huynh) lập để nắm bắt, trao đổi các hoạt động của trường, tình hình học tập của con; Hỗ trợ con khi vào tiết học để không bị chậm trễ, hoặc không lúng túng các thao tác lúc vào học, hoặc khi làm và gửi bài tập, chuyển đổi đường link giữa các tiết học, môn học. Nếu có điều kiện, phụ huynh có thể kèm cặp trực tiếp khi con đang học. Nhưng chú ý là chỉ hỗ trợ chứ không học thay, làm thay cho con.

Cùng với cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo cũng đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả giờ học trực tuyến, nhất là khi học sinh là các bé còn nhỏ tuổi thông qua việc chuẩn bị tài liệu bài giảng và trang thiết bị dạy học phù hợp, sinh động. Các giáo viên có thể chú ý màn giới thiệu/chào đón học sinh trước khi giảng bài, giúp trẻ tự tin hơn và kiểm tra học sinh trước giờ học theo một cách rất khéo léo, tự nhiên như hỏi trẻ về những hoạt động ngày hôm qua tại nhà; Khuyến khích trẻ kể một mẩu chuyện vui ấn tượng nhất. Trong thời gian dạy, chú ý có sự tương tác, hỏi han, chia sẻ thông tin với học sinh.

Lưu ý mỗi giáo viên cần phải làm chủ được công nghệ, tìm tòi, khám phá và không ngừng thay đổi bài giảng để thu hút học sinh. Tăng cường sự giao tiếp, động viên để tạo sự dễ tiếp thu cho học sinh.

LAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.