Giúp phụ nữ di cư hồi hương tái hoà nhập cộng đồng

Chia sẻ

Nhiều phụ nữ di cư hồi hương gặp khó khăn như tình trạng pháp lý không rõ ràng, hạn chế tiếp cận thông tin và dịch vụ hỗ trợ, thậm chí bị sang chấn tâm lý nặng nề, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Do đó, việc hỗ trợ nhóm phụ nữ này tái hoà nhập cộng đồng là vô cùng cần thiết…

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

Tìm đến văn phòng Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (OSSO), chị O (trú tại Hà Nội) cho biết, chị kết hôn năm 1990 và có 3 con. Năm 1997, chị đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và đều đặn gửi tiền về nước. Tuy nhiên, chồng chị nghiện ngập, cờ bạc. Bao nhiêu tiền chị chắt chiu làm ăn ở xứ người đều bị chồng “nướng” hết vào chiếu bạc. Năm 2017, chị O về nước và đơn phương ly hôn chồng. Ra đi với hai bàn tay trắng, chồng cũ vẫn không buông tha, thường xuyên nhắn tin đe doạ, hành hung khiến chị O luôn sống trong lo sợ. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, chị O gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp… Các cán bộ văn phòng OSSO đã tư vấn hỗ trợ chị phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, cung cấp một vài số điện thoại khẩn cấp khi cần…

Sau khi ly hôn chồng, chị K (Ba Vì, Hà Nội) “khăn gói” đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với mong muốn cải thiện cuộc sống khó khăn hiện tại. Sau 2 năm làm ăn ở xứ người, chị K về nước, nhưng lại “vấp” phải sự kỳ thị của hàng xóm, người thân, bị thêu dệt những chuyện không hay. Chị K bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, mặc cảm, ngại tiếp xúc bên ngoài… Sau một thời gian được cán bộ OSSO Hà Nội tư vấn, hỗ trợ, chị K đã giải toả căng thẳng, có lối sống tích cực, tự tin hơn và cải thiện sức khỏe, đồng thời đã tìm được một “bến đỗ mới” yêu thương mình. Hay chị H.K trở về từ Hàn Quốc trong tình cảnh đang ẵm trên tay đứa con 4 tháng tuổi, không thu nhập, không người thân thích. Chỉ qua dòng tin nhắn, chị đã nhận được sự hỗ trợ của Văn phòng OSSO Hải Dương. Chị cho biết, đến nay, ngoài được hỗ trợ pháp lý, động viên tinh thần, mẹ con chị còn được Văn phòng hỗ trợ trên 20 triệu đồng cùng việc làm ổn định tại siêu thị…

Truyền thông hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ của OSSO (Ảnh: OSSO)Truyền thông hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ của OSSO (Ảnh: OSSO)

Đây là ba trong số rất nhiều trường hợp phụ nữ di cư hồi hương gặp khó khăn khi hoà nhập cộng đồng. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước có 41.383 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 14.912 lao động nữ. Đánh giá của tổ chức Di cư quốc tế IOM cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao, đồng thời, tỷ lệ ly hôn trung bình cũng lên tới 30%. Một kết quả khảo sát khác của Hội LHPN Việt Nam trên 189 phụ nữ hồi hương tại 5 tỉnh gồm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang thì: 44% phụ nữ đã ly hôn nhưng không mang theo giấy tờ xác nhận tình trạng ly hôn khi về nước, 18% trẻ em chưa có giấy khai sinh, 70% phụ nữ có nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý.

Tại Hà Nội, khảo sát nhanh của Hội LHPN Hà Nội năm 2020 cho thấy, trên địa bàn Hà Nội, có 452 phụ nữ di cư kết hôn với người nước ngoài, 88 phụ nữ di cư hồi hương. Phần lớn, đối với nhóm phụ nữ kết hôn tại xứ người, bên cạnh có chị em tìm được hạnh phúc thì không ít người, gặp bất hạnh bởi rào cản về văn hoá, ngôn ngữ, lối sống, bạo lực gia đình. Khi hôn nhân đổ vỡ, một số cô dâu Việt trở về quê hương đã gặp phải nhiều khó khăn trong tái hòa nhập với cộng đồng do bị kỳ thị, không có việc làm, tình trạng pháp lý hôn nhân không rõ ràng. Nhiều trẻ em được sinh ra từ những cuộc hôn nhân đa quốc gia cũng gặp khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, giáo dục…

Tại lễ mít-tinh ngày Quốc tế Người di cư với chủ đề “Tiếng nói của Người di cư trong đại dịch Covid-19” ngày 17/12, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Không chỉ di cư ra nước ngoài mà hàng năm, số người di trong nước cũng ngày càng tăng. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm hơn 7,3% tổng dân số; phần lớn người di cư thuộc nhóm trẻ tuổi từ 20- 39%. Về điều kiện chăm sóc sức khoẻ và cuộc sống, phụ nữ di cư có mức sinh thấp hơn phụ nữ không di cư, chất lượng nhà ở, việc làm cũng không bằng người không di cư.

Cần “lưới” an sinh đủ rộng

GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dân số Gia đình và Trẻ em cũng thừa nhận, trong bối cảnh dịch bệnh, toàn dân khó khăn nhưng với người di cư thì còn khó khăn gấp bội. Sự lây lan của đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi tác động của dịch bệnh hơn những người không di cư vì các yếu tố cá nhân, môi trường xã hội. Người di cư không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. Quan trọng hơn, người di cư cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như người dân của các nước sở tại, song, rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Lao động di cư gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19Lao động di cư gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19

“Bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người di cư, vẫn cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vì người di cư luôn là người yếu thế trong hoàn cảnh kinh tế, xa nhà... Tháng 5/2021, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật sức khoẻ người di cư bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành các cơ quan Liên hợp quốc và các cơ quan trong lĩnh vực sức khoẻ người di cư. Việc thực hiện kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người di cư Việt Nam bằng cách đưa ra các chính sách và tạo ra các dịch vụ y tế đáp ứng được nhu cầu của người di cư” – GS Cử cho biết.

Đa số phụ nữ di cư hồi hương khi trở về đều gặp khó khăn khi hòa nhập vào cộng đồng, có người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì không áp dụng được các kỹ năng và kinh nghiệm đã học từ nước ngoài một cách phù hợp vào thị trường lao động trong nước. Tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm và các khó khăn khác như thiếu sự tư vấn về mặt pháp lý, tâm lý để người di cư hồi hương có thể giải quyết các vấn đề của mình và con cái của họ có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Để hỗ trợ phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ được tái hòa nhập bền vững, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã chú trọng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của phụ nữ; xây dựng các mô hình hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ di cư hồi hương; tham gia xây dựng chính sách và thực hiện giám sát, phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ. Đặc biệt, mô hình Văn phòng Dịch vụ một điểm đến đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (gọi tắt là OSSO) được thành lập tại 5 tỉnh, thành phố từ năm 2019, có chức năng tham vấn giải quyết và hỗ trợ chuyển tuyến pháp lý; hỗ trợ kỹ năng mềm, kỹ năng xây dựng đời sống gia đình, chăm sóc con cái, đồng thời kết nối đến các ban ngành, đoàn thể, trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các chị em hồi hương. Sau 2 năm triển khai, văn phòng đã tư vấn, giúp đỡ cho hàng trăm phụ nữ di cư hồi hương ổn định cuộc sống…

Đánh giá về công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, Thành Hội cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng di cư an toàn; kiến thức, kỹ năng, hoạt động cụ thể để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình hòa nhập cộng đồng bền vững; đồng thời truyền thông, quảng bá về các dịch vụ mà văn phòng OSSO Hà Nội cung cấp tới các cán bộ, hội viên, phụ nữ di cư hồi hương. “Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là một công việc phức tạp, rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng và các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội khẳng định.

Đại diện Công an TP Hà Nội, bà Vũ Thị Kim Yến cho rằng, Công an TP Hà Nội đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cho quần chúng nhân dân, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Hội LHPN các cấp và ban ngành cần đẩy mạnh tuyền thông, trợ giúp pháp lý cho đối tượng phụ nữ lao động di cư và hồi hương; xây dựng cách truyền thông linh hoạt, sáng tạo để nhóm đối tượng này dễ tiếp cận các văn bản pháp luật…

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.