Gửi mẹ

Bùi Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Tha thứ cho con, mẹ

Con đã quên lời mẹ ân cần

Con nhầm tưởng mình đã biết dại khôn

Con nhầm tưởng mình không là đứa trẻ

Trăm năm thèm tiếng vỗ về

 Mẹ đừng im lặng thế

Mẹ đừng xa xót thế

Sao mẹ không mắng con

Con đã đánh mất quyền được làm đứa trẻ

Quyền được sợ chiếc roi tre mẹ giắt ở mái nhà

 Con nào có gì sau năm tháng đi xa

Chỉ đôi tay đã bầm nhiều vết cứa

Chỉ đôi mắt dửng dưng tàn tro bếp lửa

Tiếng thở dài trong mỗi bước chân qua

 Con không giàu hơn sau năm tháng xa nhà

Nước mắt cũng nghèo đi

Niềm tin cũng nghèo đi

Và hạnh phúc là cánh diều ảo ảnh

 Mẹ ơi, con thèm được khóc

Thèm được mẹ dỗ dành

Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi mẹ

May ra con còn nước mắt

Con chưa lớn đó chính là sự thật

 Tha thứ cho con, mẹ

Con đã mang trái tim mẹ trong lồng ngực con đi

Và thương tổn

Con biết làm gì bây giờ

Khi máu chảy đã lạnh lùng sắc đỏ

 Mẹ đừng im lặng thế

Mẹ đừng xa xót thế

Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi mẹ...

                                            (11-3-1998)

                              Bình Nguyên Trang

Gửi mẹ - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Tháng Ba về, chúng ta nhớ đến ngày tôn vinh những người phụ nữ trên thế giới này (8/3). Trong đó, người mẹ vẫn làm ta xúc động nhất, chỉ cần nghĩ đến mẹ thôi đã thấy lòng bình yên đến lạ: “Con nhầm tưởng mình không là đứa trẻ/ Trăm năm thèm tiếng vỗ về”. Hai câu thơ ấy của nhà thơ Bình Nguyên Trang đưa chúng ta trở lại với tuổi thơ, với mái nhà yên ấm và bản ngã của mình.

Được khởi phát từ cái tứ là ước mơ được thơ bé lại, bài thơ Gửi mẹ đưa người đọc đi từ thú vị này đến thấm thía khác. Bài khá dài nhưng mạch mạc và nhiều triết lý, nhiều hình ảnh lạ hóa:

Sao mẹ không mắng con

Con đã đánh mất quyền được làm đứa trẻ

Quyền được sợ chiếc roi tre mẹ giắt ở mái nhà

Hóa ra, những điều tưởng như đã quá quen mà vẫn xa lạ. Hóa ra, nỗi sợ lớn nhất là lúc ta không còn được bé nhỏ, được mẹ dăn dạy để rồi thảng thốt về chính hình bóng xưa của mình. Nỗi ám ảnh này đã từng phảng phất trong thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh” (Mẹ và quả). Có điều, ở Bình Nguyên Trang, ngay cả sự va vấp, sự mất mát một người cũng đâu phải là vô tận. Khi dám nhìn thẳng vào nước mắt, vào niềm tin để nói như thế ta sẽ thấy lòng thanh thản.

Nước mắt cũng nghèo đi

Niềm tin cũng nghèo đi

Và hạnh phúc là cánh diều ảo ảnh

Từ cánh diều ảo ảnh bay trên bầu trời kí ức ấy, nhà thơ nhận ra một điều sâu sắc mà chỉ khi đứng trước mẹ mới gọi ra được thành câu thơ: “Con chưa lớn đó chính là sự thật”. Thế nên, ở độ tuổi này chúng ta chỉ ước lại được thấy mẹ “cầm lấy chiếc roi tre” để mà “May ra con còn nước mắt”.

Cái giá quá đắt mà thời gian đã lấy của mỗi người là gì nhỉ? Là tuổi trẻ, là nhan sắc, hay là sự hồn nhiên? Không, với nữ thi sĩ Bình Nguyên Trang điều quan trọng nhất ấy là được rung động trở lại sau bao va vấp khiến lòng ta vô cảm:

Tha thứ cho con, mẹ

Con đã mang trái tim mẹ trong lồng ngực con đi

Và thương tổn

Con biết làm gì bây giờ

Khi máu chảy đã lạnh lùng sắc đỏ.

Để máu đập trong tim con ấm áp trở lại, nhà thơ chỉ có một ước ao:

Mẹ đừng im lặng thế

Mẹ đừng xa xót thế

Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi mẹ...

Hình như chiếc roi ấy chính là chiếc đũa thần mà con mong những nhiệm màu từ mẹ… Cảm ơn những người mẹ đã đem đến những điều tốt đẹp của thế giới này để tâm hồn chúng ta thêm rung động trước những ngày tháng Ba…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.