Hai cô bé không được chụp kỷ yếu

Chia sẻ

Do là năm cuối cấp nên trước khi năm học kết thúc, lớp của con tôi quyết định đi chụp ảnh kỷ yếu 2 ngày, một ngày ở trường và một ngày ở biển. Lũ trẻ tự bàn bạc thời gian, chương trình rồi báo cáo với cô giáo và ban phụ huynh học sinh lớp.

Đa phần các cha mẹ đều ủng hộ, tạo điều kiện cho các con có cơ hội được xả hơi một bữa xả láng. Nhưng, cũng có một số thì phản đối, cho rằng, các con sắp bước vào kỳ thi giữa học kỳ, nếu đi chơi như vậy thì sẽ bị xao nhãng tinh thần. Rồi năm nay là năm tuổi “xung” của các con nên việc đi ra biển chụp ảnh rất nguy hiểm.

Để trấn an các bố mẹ, ban phụ huynh học sinh lớp cam kết cử người đi cùng để trông chừng các con. Ngoài ra, các bố mẹ nào có nhu cầu cũng được mời tham gia hoạt động cùng lớp. Lũ trẻ thì cam đoan sẽ không nghịch ngợm quá đà để bị mất an toàn cũng như sau khi đi chụp ảnh kỷ yếu về sẽ chăm chỉ học tập. Chúng tha thiết đề nghị tất cả các bố mẹ đồng ý cho các con tham gia vì chụp ảnh kỷ yếu mà thiếu dù chỉ là 1 bạn cũng mất hết ý nghĩa.

Song vẫn có hai bạn không tham gia chụp ảnh. Trong đó, 1 bạn phải đi học thêm vì bố mẹ không muốn bạn đó nghỉ học, dù chỉ 1 buổi. 1 bạn ở nhà vì bố mẹ lo con ra ngoài tham gia tập thể có thể bị ốm sẽ ảnh hưởng tới việc học.

Theo kế hoạch đã định, cả lớp vẫn lên đường. Tối đó, khi lớp đang tổ chức Gala thì hai bạn gọi điện tới, đều khóc nức nở vì không được tham gia cùng các bạn. Mọi người phải xúm vào an ủi hai bạn mới bình tĩnh trở lại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khoảng 1 tuần sau, lũ trẻ bước vào kỳ thi giữa học kỳ 2. 1 trong 2 bạn học sinh phải ở nhà để đi học luyện thi lại có kết quả thi giữa học kỳ thấp nhất lớp. Kể lại chuyện này với mẹ, con tôi chia sẻ:

- Bạn ấy bảo giận bố mẹ lắm. Với bố mẹ bạn ấy, chỉ có việc học là quan trọng nhất mà không quan tâm bạn ấy còn có nhu cầu khác như được nghỉ ngơi, đi chơi, giao lưu với bạn bè. Hôm mà chúng con đi chụp kỷ yếu, bạn ấy đến lớp học thêm nhưng chẳng còn tâm trạng mà học hành gì nữa.

- Vậy, còn một bạn nữa thì sao? Bạn ấy cảm thấy thế nào khi không được tham gia chụp ảnh kỷ yếu với lớp?

- À, bạn ấy cũng rất chán nản. Bạn ấy nói, tự nhiên bố mẹ làm cho bạn ấy thấy ghét kỳ thi tốt nghiệp và thi vào đại học. Vì bố mẹ mà bạn ấy bỏ lỡ một ký ức đẹp. Trong kỷ yếu của lớp con đã không có sự hiện diện của bạn ấy.

Nói đến đây, con gái ôm chầm lấy tôi, nói lời cảm ơn:

- May mà mẹ của con thật tâm lý và cho con cơ hội được xõa hết mình với lớp. Nếu mẹ cũng như các bố mẹ kia, chắc con cũng sẽ thấy tổn thương lắm.

Tôi ôm lấy con, dí tay vào trán nó rồi bảo:

- Đấy nhé, con cảm ơn mẹ thì tới đây sẽ phải thi thật tốt.

Từ góc độ của người mẹ, tôi có thể hiểu cha mẹ nào cũng lo lắng cho tương lai của con. Nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp và đại học đang đến gần, cha mẹ luôn muốn thấy con mình tập trung học thay vì đi chơi, tụ tập bạn bè. Tuy nhiên, tôi nghĩ, việc được đi chơi, giải trí cũng không hẳn là lãng phí thời gian. Các con chúng ta cũng vẫn học được nhiều điều trong quá trình giao tiếp xã hội, cũng như việc được đi chơi cũng có thể trở thành động lực để chúng nỗ lực học tiếp sau đó. Cha mẹ không nên lấy suy nghĩ của mình để áp đặt con và lấy quyền làm cha mẹ buộc chúng phải nghe theo mình.

Đôi lúc, cha mẹ cũng cần nhún mình, miễn là cuối cùng vẫn đạt được mục đích. Con gái tôi không phải là một học sinh quá chăm chỉ. Nếu tôi buộc con phải ngồi vào bàn học đủ thời gian mỗi tối, tôi biết, con sẽ chỉ đối phó tôi mà thôi. Vì vậy, tôi đã thỏa thuận sẽ không quản lý thời gian học của con, miễn là cuối cùng, con sẽ chứng minh cho tôi bằng việc tiếp thu được kiến thức và có kết quả học tập tốt. Con tôi đồng ý và bằng cách đó mà tôi có thể quản lý được việc học của con. Thi thoảng, con tôi cũng muốn được thức muộn để xem hết bộ phim con thích, tôi đành đồng ý nhưng giao hẹn, những ngày sau, con sẽ phải đi ngủ đúng giờ, dậy sớm tập thể dục để đảm bảo giữ sức khỏe. Tôi biết, nếu không như vậy tôi sẽ đẩy con tới chỗ lén lút xem phim hoặc cháu sẽ lại mang ấm ức, giận dỗi trong lòng rồi ảnh hưởng tới việc học.

Cha mẹ có thể đặt ra các quy tắc cho con, nhưng, đôi khi việc linh hoạt, thậm chí cho phép con phá vỡ quy tắc cũng có mặt tích cực của nó.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.