Hè về

Chia sẻ

Khi mặt trời thức dậy sớm hơn và đi ngủ muộn hơn; khi những đám mây cứ mỗi chiều lại bay vội vã về phương xa; khi tiết trời đã chuyển từ se lạnh sang ấm nóng và đâu đó nơi hàng cây của phố, nơi sân trường những cánh bằng lăng, những bông phượng vĩ đầu tiên đã bắt đầu bung nở. ấy là khi hè về.

Hè về, ngày như dài ra để những chú chim mải nhảy nhót líu lo trên cành mà quên về tổ. Chiều buông rồi vẫn ríu ran trò chuyện, góp thêm cho cuộc sống những âm thanh trong trẻo, thiện lành. Tôi chợt ngẩng đầu nhìn qua cửa sổ lên cây ổi ngay cạnh. Đôi chim chích nhỏ bé đang đứng ngó nghiêng nhìn vào tò mò kiểu như “Cô gì đó ơi, chiều hè, cô làm chi mà chăm chú, bỏ mặc cả làn gió mát rượi ghé qua”. Tôi không nỡ đánh tiếng, sợ đôi chim giật mình nhưng có lẽ chúng biết được sự có mặt của mình đã bị con người phát hiện nên đập cánh vụt bay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hè về, nắng tinh nghịch trải vàng muôn lối. Nắng mải mê rong chơi khắp mọi nẻo từ thành thị với những ngôi nhà cao tầng đến vùng quê bát ngát đồng xanh, từ những vùng biển mênh mông đến núi non điệp trùng, có nơi nào nắng chẳng ghé qua! Và mưa thì bất chợt. Mưa mùa hè cũng tinh nghịch như một đứa trẻ, có khi như một người con gái hay nũng nịu, dỗi hờn, chợt ào ào đến rồi chợt đi.

Hè về, tôi lại nhớ về những trò chơi của một thời thơ bé. Thời không có điện thoại, tivi như bây giờ; thời bọn trẻ như tôi cứ đầu trần chân đất mà nhảy nhót khắp nơi, bì bõm bờ ngang ngõ dọc. Lúc thả diều vui chơi, khi chăn trâu cắt cỏ. Tôi nhớ hè ngày đó, sao mà vui, mà thương đến tận bây giờ.

Ngày đó bọn trẻ chúng tôi nhiều trò lắm nhưng vui nhất là trò câu công cống. Công cống hình dáng thì có vẻ giống con sâu mà nó khỏe hơn sâu. Một con công cống trưởng thành dài khoảng hơn một cen-ti-mét, nó có bộ hàm khỏe, nhìn như hai gọng kìm được thu nhỏ lại. Nó đào lỗ sâu dưới đất, có lỗ phải đến cả gang tay người lớn. Công cống nóng tính, háu chiến, hễ có kẻ lạ mặt xâm nhập là tấn công, dùng bộ hàm khỏe của nó ngoạm chặt đối phương không nhả. Chúng tôi tuốt những búp lá tre, hoặc những thân cỏ non, lúi húi trên đê đi tìm lỗ công cống. Cứ thấy cái miệng lỗ tròn xoe, nhỏ như hạt gạo, đích thị nó. Cho đầu non của búp tre xuống xoay xoay, chọc chọc chạm vào công cống. Bị chọc tức, nó đớp ngay kẻ địch, bọn tôi sẽ nhanh tay kéo lên, có con gần đến miệng lỗ thì nhả ra, chui ngay lại bên trong, nhưng bị chọc vẫn không sợ mà cắn tiếp. Có con nhấc ra khỏi lỗ rồi vẫn không chịu nhả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chúng tôi say mê với trò chọi công cống. Mỗi đứa chọn cho mình những con cống to khỏe nhất rồi cứ một cặp cho chọi với nhau. Những con thắng lại vào đấu tiếp với nhau để phân ra con chiến thắng cuối cùng. Đứa sở hữu con công cống “bất bại” sẽ sung sướng cười to. Giọng cười như được gió hè hùa theo đưa đi vang cả triền đê. Bọn còn lại ngẩn ngơ tiếc xen lẫn thán phục, thả lũ công cống xuống bờ đất cho chúng tự tìm đường về tổ. Hoặc không, chúng có thể dùng bộ hàm gọng kìm của mình đào một cái tổ mới ngay chỗ được “trả tự do”.

Tục ngữ có câu: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng”, cũng có nghĩa là ngày của mùa hè kéo dài hơn bình thường. Nhưng đối với bọn trẻ chúng tôi, những ngày mùa hè sao trôi nhanh quá đỗi. Bởi đến cuối ngày, khi mặt trời đã về bên núi nghỉ ngơi, bao giờ chúng tôi cũng phải dừng lại trò chơi trong dùng dằng tiếc rẻ. Câu chuyện về bao trò chơi thú vị còn theo chân chúng tôi về đến tận ngõ, tận nhà rồi len cả vào trong giấc ngủ đêm. Tiếng cười trong mơ giòn tan như nắng hạ.

Mấy chục năm đã trôi qua, tôi bé thơ của ngày xưa bây giờ có thể coi như đã bước qua bên kia cái dốc của cuộc đời với bao bận rộn lo toan. Vậy nhưng trong những ngày hè vội vã, tôi vẫn dành riêng cho mình những khoảng thời gian sống thật chậm để được đắm mình với những kỷ niệm ấu thơ thuở chân đất đầu trần ngày xưa ấy.

TRƯƠNG THÚY

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.