Hội LHPN huyện Chương Mỹ:

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp do phụ nữ làm chủ

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đến nay, huyện Chương Mỹ có 2 Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp hữu cơ do phụ nữ làm chủ. Đây là một trong những mô hình hiệu quả được triển khai theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” do Hội LHPN huyện triển khai.

Phụ nữ thay đổi tư duy, cách làm kinh tế

Xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) thuộc vùng bán sơn địa, với hơn 65% hội viên trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Đại đa số nông dân vẫn sản xuất theo lối canh tác truyền thống, theo hình thức riêng biệt nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất thủ công, công nghệ thấp, thụ động trong sản xuất và tiêu thụ, rủi ro cao do phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thị trường. Quá trình sản xuất thường cho ra các sản phẩm có chất lượng không ổn định, giá trị hàng hóa thấp và đặc biệt là vấn đề kiểm soát quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Mặt khác, sợ rủi ro cao, chạy theo lợi nhuận, nông dân thường tự ý sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất không đúng quy định để bảo vệ cây trồng, gây nguy hại cho sức khỏe và cộng đồng…

Từ thực trạng trên, Hội LHPN xã Đông Sơn đã chỉ đạo tuyên truyền vận động; khảo sát, làm quy trình từng bước để thành lập HTX, nhằm nâng cao đời sống của thành viên HTX, góp phần xây dựng xã Đông Sơn sớm đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp do phụ nữ làm chủ - ảnh 1
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội tham quan mô hình HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn do phụ nữ làm chủ

Tại Hội nghị ra mắt HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn do phụ nữ làm chủ mới đây, bà Bùi Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sơn, thành viên HTX cho biết, đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Chương Mỹ trong việc định hướng phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hội LHPN xã Đông Sơn đã tham mưu xây dựng  mô hình kinh tế - xã hội với 3 thành viên nòng cốt vừa phát triển mô hình kinh doanh vừa tuyên truyền, vận động thêm các thành viên tham gia HTX. Ngày 3/8/2022 Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn được thành lập với 10 thành viên, số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, diện tích sản xuất 4,97ha, trong đó tập trung vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao như nho, ổi và các loại rau, củ hữu cơ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. 

“Để thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ do phụ nữ làm chủ, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình, Đề án của Hội cấp trên về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức kinh doanh cho cán bộ, hội viên phụ nữ có mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tập huấn về phương pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hướng dẫn quản lý, điều hành Hợp tác xã; đồng thời, phát huy hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường sự phối hợp giữa khoa học, công nghệ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp an toàn; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, tư vấn nghiệp vụ cùng nhau phát triển…” - bà Nguyệt cho biết. 

HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến) do phụ nữ sáng lập chính thức ra mắt từ tháng 4/2019 có vốn điều lệ ban đầu là 200 triệu đồng với 15 thành viên, sản xuất 7ha các loại rau, bưởi hữu cơ, bưởi VietGap. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất với 50ha trồng lúa hữu cơ, 2ha trồng bưởi hữu cơ, 10ha trồng bưởi VietGap, 8ha trồng các loại rau VietGap và chăn nuôi gà, vốn điều lệ tăng lên 400 triệu đồng. Ngoài ra, HTX đã tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng, 10-50 lao động thời vụ khi thu hoạch các sản phẩm (thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng). Bà Nguyễn Thị Mùi, sáng lập viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến cho biết, “để hoạt động của HTX thành công và hiệu quả, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN Thành phố, các sở, ngành trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về hạ tầng, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất nông sản, đào tạo cán bộ quản lý. Chính quyền xã coi trọng phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông nội đồng thuận lợi…”. 

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp do phụ nữ làm chủ - ảnh 2
Ra mắt mô hình HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Đông Sơn

Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao

Bà Bùi Minh Đức, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chương Mỹ cho biết, để động viên, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn, tự tin chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 4 mô hình kinh tế tập thể gồm: Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ sp a tại thị trấn Xuân Mai với 23 thành viên, trong đó 17/23 thành viên có cửa hàng kinh doanh các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, 6/23 thành viên kinh doanh lưu động với thu nhập trung bình từ 5-8 triệu đồng/tháng; tổ liên kết may gia công tại xã Thụy Hương với 20 thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn hàng và đầu ra cho sản phẩm; Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ do phụ nữ làm chủ tại xã Nam Phương Tiến và xã Đông Sơn… Hiệu quả kinh tế từ các mô hình đã khơi dậy tinh thần sức mạnh, nội lực của chị em phụ nữ, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, mở rộng chuỗi liên kết, kết nối trong kinh doanh; góp phần tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; khuyến khích chị em mạnh dạn đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp do phụ nữ làm chủ - ảnh 3
Chị Nguyễn Thị Mùi thăm vườn bưởi trồng theo hình thức VietGAP ở xã Nam Phương Tiến

Nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, Hội LHPN các cấp đã giới thiệu và hỗ trợ 6 nữ doanh nhân, phụ nữ mới khởi nghiệp tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm. Hội LHPN huyện tổ chức Ngày hội sáng tạo - khởi nghiệp thu hút hơn 1.000 phụ nữ tham gia. Qua đó tôn vinh, truyền cảm hứng từ những phụ nữ tiêu biểu trong lĩnh vực khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ mới khởi nghiệp. Tại các ngày hội, đã có 64 phụ nữ đăng ký ý tưởng/ sản phẩm sáng tạo; qua thẩm định có 31 sản phẩm/ý tưởng được lựa chọn trưng bày tại các gian hàng…” - bà Bùi Minh Đức cho biết.
Đánh giá cao mô hình HTX Nông nghiệp hữu cơ do phụ nữ làm chủ tại xã Đông Sơn và các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ trên địa bàn huyện Chương Mỹ, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ cơ sở đã tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, đồng thời chủ động hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; khuyến khích, hướng dẫn các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. 
Tính đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 19 HTX, 26 THT, 74 tổ liên kết (TLK) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hỗ trợ lẫn nhau sản xuất, kinh doanh với lĩnh vực hoạt động đa dạng gồm nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, nông sản an toàn), tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và theo xu hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp gắn với dịch vụ phục vụ lợi ích cho HTX, THT, TLK và thành viên. 

“Hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể đã tạo sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong xóm, ngoài làng, đồng thời phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân; góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương” - bà Thiên Hương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.