Hội có vai trò tích cực trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em
(PNTĐ) - “Các cấp Hội Phụ nữ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể, có cơ chế phối hợp liên ngành để khi một vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ trẻ em xảy ra, bị hại có thể dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp mà không phải đi lại nhiều lần…” – bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội nhấn mạnh tại hội thảo “Vai trò đại diện của Hội Phụ nữ trong tư vấn, hỗ trợ giải quyết vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em” được tổ chức vừa qua.
Kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em
Năm 2022, Hội LHPN quận Ba Đình đã tham gia hỗ trợ, giải quyết tốt một vụ việc bạo hành gia đình xảy ra trên địa bàn phường Cống Vị. Theo đó, chị T.H bị em trai đánh gây thương tích, tổn hại 8% sức khỏe. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hội LHPN phường Cống Vị đã cử cán bộ Hội địa bàn nơi chị H sinh sống đến nhà gặp gỡ, tìm hiểu vụ việc, đồng thời báo cáo sự việc lên UBND phường, Hội LHPN quận để giúp đỡ, bảo vệ chị trước hành vi bạo lực của em trai. Đến nay, sau vụ việc đã được đưa ra xét xử, em trai chị H cam kết không đánh chị nữa…
Cũng trong năm 2022, Tòa án nhân dân quận Ba Đình giải quyết 5 vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình cho biết, qua khảo sát một số vụ việc xảy ra trên địa bàn quận thời gian qua cho thấy một số nguyên nhân gây ra do tệ nạn xã hội (chiếm 24%), do ảnh hưởng của mạng xã hội (chiếm 28,5%), do phụ nữ và trẻ em chưa nhận thức đầy đủ về kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại (chiếm 27,5%). Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ tương đối cao người được hỏi chưa có tinh thần cảnh giác tốt đối với các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, thậm chí thờ ơ, không quan tâm đến vụ việc. Nhiều nạn nhân còn giấu thông tin, không biết xử lý sao cho đúng khi vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, những người gây ra bạo lực, xâm hại thường là người thiếu hiểu biết, không nhận thức được hậu quả của hành vi, một số trường hợp do coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe danh dự và nhân phẩm của người khác, dẫn tới bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Ba Đình cũng lo ngại: Nguyên nhân xảy ra các vụ xâm hại là do sự nới lỏng của gia đình, trong khi đó, nhận thức của các em còn hạn chế, chưa được gia đình và nhà trường quan tâm. Có trường hợp, trẻ yêu đương dẫn đến bị lợi dụng nhiều lần… “Tôi đề nghị các trường cần tăng cường giáo dục về giới tính, pháp luật cho các em, đặc biệt phân nhóm đối tượng để giáo dục nhận thức chuyên sâu. Bên cạnh đó, các gia đình cần quan tâm, giáo dục và kiểm soát các con, đặc biệt là các con ở tuổi dậy thì” – bà Thủy nói.

Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh giải quyết vụ việc
Đánh giá về tình hình bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em trên toàn thành phố thời gian qua, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, theo thống kê, Hà Nội từ năm 2019 đến 2021 có 387 vụ việc bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân của các vụ việc chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Báo cáo của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong 3 năm 2019-2021 và 6 tháng đầu năm 2022 thì có 315 vụ việc xâm hại trẻ em… Chỉ trong tháng 4/2023, Hội LHPN TP Hà Nội đã nhận được 3 công văn từ Nhà Bình yên gửi, đề nghị phối hợp với các địa phương hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. “Đến nay, vẫn còn nhiều vụ bạo lực với phụ nữ mà các chị phải đi tạm lánh, hay khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra thì Hội mới biết đến. Một vụ việc xảy ra phải tiềm ẩn nguy cơ từ rất lâu rồi, nhưng khi công an vào cuộc hoặc báo chí đưa tin mới biết, cho thấy tính kịp thời của Hội vẫn còn hạn chế” – bà Kim Anh lo ngại.
Theo bà Kim Anh, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã nỗ lực cùng cộng đồng lên tiếng phòng ngừa xâm hại bạo lực phụ nữ trẻ em. Hội và các cấp Hội đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc như: Mô hình tư vấn để hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; mô hình làng quê an toàn, chủ nhà trọ an toàn, chung cư an toàn… Hội cũng đã đề xuất chính quyền địa phương chỉ đạo thành lập các mô hình CLB “Nam giới lên tiếng, đồng hành với sự an toàn của phụ nữ, trẻ em”; CLB Gia đình nói không với bạo lực….
“Năm 2022, Thành Hội đã trình UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2022-2026; phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tuyên truyền phổ biến pháp luật, giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, trước một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, chúng tôi mong muốn cán bộ Hội các cấp và ngành liên quan có thể đề xuất ý kiến và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm giảm thiểu các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em xảy ra” – bà Kim Anh nhấn mạnh.
Bà Kim Anh cho rằng: Các cấp Hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể, có cơ chế phối hợp liên ngành để khi một vụ việc xảy ra, bị hại có thể dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp mà không phải đi lại nhiều lần. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phòng ngừa cần được đẩy mạnh, đặc biệt quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa gia đình, tình yêu thương sẻ chia trong gia đình. Các cấp Hội cần chủ động nắm bắt vụ việc ngay từ khi vừa xảy ra, không để đến lúc nghiêm trọng mới vào cuộc…

Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình cũng khẳng định, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông về pháp luật, cần đề cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, khuyến khích sự tham gia của nam giới trong các hoạt động về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng và phát hành các sản phẩm truyền thông phổ biến chính sách pháp luật, tăng cường khai thác lợi ích của công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nhân rộng mô hình tốt, người có uy tín trong cộng đồng, thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em…
Bà Đỗ Cẩm Ly, điều tra viên Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Ba Đình cũng cho rằng, hiện nay, các vụ xâm hại trẻ em đa số người thân chọn cách im lặng. Do đó, cần nâng cao tuyên truyền và đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chủ động nắm bắt ngay từ đầu để giải quyết triệt để, không để vụ việc nghiêm trọng mới phát hiện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tư vấn pháp luật, chọn các cá nhân có hiểu biết về pháp luật để họ tư vấn cho các thành viên khác trong gia đình, từ đó tránh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tỉ lệ phạm tội sẽ giảm xuống…
Là chủ nhiệm nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật phường Phúc Lợi, quận Long Biên, chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường Phúc Lợi cho biết, CLB đã chủ động lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào chương trình pháp luật hàng quý, chuyển tải nội dung pháp luật mới, chủ động phối hợp ban ngành tư pháp, trợ giúp pháp lý trên địa bàn, tham gia vận động phụ nữ và nhân dân chấp hành tốt đấu tranh tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình… “Năm 2022, nhận được 1 đơn thư của phụ nữ bị bạo lực gia đình, chúng tôi đã kịp thời xuống cơ sở nắm bắt thông tin, tham vấn tổ hòa giải để giải quyết vụ việc. Anh chồng được giải thích đã hiểu hành vi của mình là sai và cam kết không đánh vợ. Hiện tại, cuộc sống vợ chồng họ đã hòa thuận” - chị Yến cho biết.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em cần được triển khai, nhân rộng. Bà Trần Ánh Hồng, Chủ nhiệm mô hình “Chung cư an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, mô hình đã mang lại sự phấn khởi, tin tưởng cho nhân dân ở 4 tòa: T18, Park 5, Park 6, Park 7 chung cư Park Hill Times City. Các câu lạc bộ “Khí công Himalaya”, câu lạc bộ “Yoga”, câu lạc bộ “Dân vũ”, câu lạc bộ “Văn nghệ”, “Tủ sách thiếu nhi”… được thành lập để tạo sự kết nối, giao lưu, chia sẻ giữa cư dân với Ban tự quản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chung cư an toàn và tạo sự thân thiện”…