Khám phá vẻ đẹp Hà Nội qua các tượng đài

Bài, ảnh Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Một trong những điểm đến của Hà Nội được du khách bốn phương quan tâm là những tượng đài.

Nét đẹp tượng đài, những dấu ấn lịch sử

Nằm trong không gian di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, tượng vua Lý Thái Tổ luôn là điểm đến đầu tiên của du khách khi đến Hà Nội. Tượng đài Vua Lý Thái Tổ được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tượng đài là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp, nhằm tôn vinh vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), người có công khai sáng kinh thành Thăng Long. Tượng đài được khởi công ngày 17/8/2004, khánh thành ngày 7/10/2004, do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác, được làm bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1m (tượng cao 6,8m, bệ cao 3,3m), hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm.

Tượng đài khắc hoạ hình tượng người có công khởi lập và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến - vua Lý Thái Tổ, đầu đội mũ bình thiên, tay phải cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ xuống nơi định đô. Tượng được đặt trên đài hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu hình bốn cổng thành Hà Nội, phần bệ gồm ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời - địa lợi - nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận Thiên.

Khám phá vẻ đẹp Hà Nội qua các tượng đài - ảnh 1
Tượng vua Lý Thái Tổ.

Nằm bên bờ Tây hồ Hoàn Kiếm, tượng đài vua Lê Thái Tổ là tượng đài cổ nhất Hà Nội. Theo sử cũ, khu vực xây dựng tượng đài xưa kia từng có một tượng đài vua Lê Thái Tổ. Đến năm 1894, tượng đài được dựng lên trên nền đất cũ để tưởng nhớ vua Lê vì Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết vua trả gươm cho thần Kim Quy. Tượng đài này nằm trong khuôn viên rộng lớn trồng nhiều cây xanh, các công trình từ ngoài vào trong gồm cổng, nhà phương đình và tượng đài. Phần tượng đài dựng trên một cấp nền cao hơn 0,8m, có bậc tam cấp dẫn lên ở giữa, hai bên có tượng hổ chầu, phía sau có bình phong. Trên đỉnh trụ tượng vua Lê Thái Tổ. Tượng cao 1,2m, tạo hình trong tư thế đứng, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, tay trái chống vào hông. Đầu vua đội mũ bình thiên, bốn góc có treo kim tòng, mình mặc áo long bào, đeo đai lưng. Toàn bộ các hạng mục của khu tượng đài có sự kết hợp hài hòa với khung cảnh của hồ Hoàn Kiếm, vừa mang vẻ trang nghiêm vừa không kém phần nên thơ.

Trong không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm, nằm cạnh đền Bà Kiệu , đối diện với cổng đền Ngọc Sơn còn có tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hay còn gọi là tượng đài Quyết tử, là một công trình tôn vinh cuộc kháng chiến toàn quốc ở Hà Nội cuối năm 1946 đầu năm 1947. Tượng đài Quyết tử được cố nghệ sĩ Kim Giao sáng tác năm 1984, công trình thể hiện hình ảnh ba nhân vật: Người chiến sĩ Vệ quốc đoàn, anh công nhân và cô gái mặc áo dài. Ba hình tượng đều được thể hiện với tinh thần chiến đấu cao, là đại diện cho ba lực lượng vũ trang công nhân, binh lính và trí thức tham gia cuộc Toàn quốc kháng chiến. Phía dưới ba hình tượng này là bệ tượng đài được thể hiện như một khối thép nung đầy góc cạnh, ở giữa là khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, lời trích từ bức thư động viên của Bác Hồ gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Từ Trung tâm hồ Hoàn Kiếm lên quận Ba Đình, Tây Hồ, qua Đống Đa, Hai Bà Trưng, du khách cũng dễ dàng nhìn thấy những tượng đài mang vẻ đẹp, dấu ấn riêng là những chứng nhân của lịch sử. Nằm trên đường Điện Biên Phủ đối diện với cột cờ Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là tượng đài Lê Nin ở Công viên Lê Nin, biểu thị cho tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Đến đầu đường Thanh Niên cạnh hồ Tây lộng gió, du khách sẽ bắt gặp tượng đài anh hùng Lý Tự Trọng, người đoàn viên, thanh niên ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Xuôi về gò Đống Đa, du khách sẽ thấy vẻ đẹp, sự bề thế, uy nghi của tượng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Đến Công viên Thống Nhất - quận Hai Bà Trưng du khách sẽ được ngắm nhìn nét đẹp tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn do nhân dân miền Nam gửi tặng. Nằm ở bên ngoài Công viên Thống Nhất trên phố Trần Nhân Tông từ cuối năm 2022 mới khánh thành cụm tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”, công trình tượng đài có tính biểu tượng, khái quát cao, trang nghiêm, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử truyền thống Công an nhân dân. 

Khám phá vẻ đẹp Hà Nội qua các tượng đài - ảnh 2
Tượng đài Lê Nin.

Trong khu vực các quận nội thành, ngoài những tượng đài tiêu biểu trên, du khách sẽ dễ dàng thấy những tượng đài mang biểu trưng, biểu tượng như Đài Độc lập, Hòa Bình, Chiến Thắng, Công nhân…., sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống phi công Mỹ… Ra ngoài khu vực ngoại thành, du khách sẽ được khám phá nét đẹp của chân dung danh nhân Nguyễn Trãi ở vườn hoa Hà Đông, tượng Phụ nữ Ba đảm đang ở Đan Phượng. Đẹp và ấn tượng phải kể đến là tượng đài “Phù Đổng Thiên Vương” của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân được đúc bằng đồng nguyên chất nặng hơn 85 tấn, cao 15m với độ vươn xa gần 20m, tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, xã Phù Linh, Sóc Sơn, mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tay cầm tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Đây là một công trình văn hóa tâm linh mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đáp ứng nhu cầu du lịch, tâm linh, tín ngưỡng, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.

Trải nghiệm, kết nối tượng đài với các điểm đến

Các tượng đài ở Thủ đô được thiết kế, đặt trong không gian công cộng, thuận tiện cho du khách đến chiêm ngưỡng, cảm nhận về giá trị của tượng đài và điểm đến nói riêng, Thủ đô nói chung. Trong không gian của tượng đài cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm, dâng hương, tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí dành cho mọi người. Chính vì thế khi đến Hà Nội, du khách tham gia vào citytour trên xe du lịch, xe điện, xích lô thậm chí đi bộ, ngoài việc được ngắm nhìn nét đẹp của tượng đài, dâng hương tưởng niệm, tìm hiểu những câu chuyện gắn với mỗi tượng đài, còn được khám phá nét đẹp, nét văn hóa, trải nghiệm trong không gian của tượng đài được kết nối cùng các điểm đến mà hiện nay các Công ty lữ hành đã và đang tổ chức phục vụ cho các đối tượng khách.

Khám phá vẻ đẹp Hà Nội qua các tượng đài - ảnh 3
Du khách nước ngoài vui chơi tại không gian tượng đài Lê Nin.

Tùy theo nhu cầu, du khách có thể lựa chọn, đặt tour theo các tuyến như tham quan các tượng đài tiêu biểu của Thủ đô; tour tham quan tượng đài khám phá phố cổ, thưởng thức ẩm thực, xem rối nước; tour tham quan tượng đài thăm các làng nghề thủ công; tour tham quan tượng đài khám phá các công trình kiến trúc thời Pháp; tour tham quan tượng đài khám phá các di tích danh thắng, đền, chùa, quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây…

Ra ngoại thành, cùng với việc tận hưởng không khí trong lành, du khách có thể đăng ký tour du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe do Wondertour, Sunvina Travel tổ chức bao gồm đầy đủ các dịch vụ du lịch thông thường, nhưng được nâng lên mức cao hơn. Tour bao gồm cả hoạt động trải nghiệm, chiêm bái, cầu an; dự Lễ Thượng nguyên tại đền Sóc và chùa Non Nước theo nghi thức tâm linh nguyên bản, tham dự hội Gióng ở đền Sóc, chụp ảnh, dâng hương tại tượng đài Thánh Gióng. Du khách cũng được tham quan và tìm hiểu về Phật giáo tại Học viện Phật Giáo Việt Nam…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xuân về trẩy hội làng Chuông

Xuân về trẩy hội làng Chuông

(PNTĐ) - Trong những vùng đất làm nghề truyền thống thì làng nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi khá đặc biệt. Với những kỹ nghệ làm nghề điêu luyện, vùng đất này đã từng có những chiếc nón được dùng làm cống phẩm để tiến dâng lên hoàng hậu, công chúa.