Khổ vì bị mẹ chồng... soi

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghĩ rằng khi ra ở riêng cuộc sống của chị Mai sẽ thoải mái hơn. Nhưng không, hàng ngày mẹ chồng vẫn sang soi mói từ việc nhỏ nhặt nhất.

Chị Mai về làm dâu đã hơn chục năm. Lúc đầu sống chung nhà với bố mẹ chồng vì anh Toàn, chồng chị là con một. Bố chồng chị hiền lành, thoải mái, còn mẹ chồng thì kỹ tính, hay để ý soi mói nên có nhiều lúc va chạm do lối sống và giờ giấc sinh hoạt lệch nhau. Thế nên, khi con đầu lòng của chị Mai đi học mẫu giáo, vợ chồng chị Mai xin ra ở riêng. Mẹ chồng chị Mai không hài lòng về quyết định này nhưng vẫn đồng ý với điều kiện “mua nhà ở gần để tiện chạy đi chạy lại”.

Với tiền tiết kiệm dành dụm được, cùng bố mẹ hai bên cho thêm, vợ chồng chị Mai vẫn phải vay mượn một chút để mua căn hộ hai phòng ngủ cách nhà nội vài dãy phố. Ra ở riêng, chị Mai cố gắng chu toàn việc nhà, chăm sóc chồng và hai con, thế nhưng chị vẫn bị mẹ chồng soi mói đủ điều. Dường như chị làm việc gì cũng không vừa mắt của bà.

Ngày nào mẹ chồng cũng sang nhà nên yêu cầu chị Mai phải đánh riêng cho bà một bộ chìa khóa. Mỗi lần sang, bà như một giám sát viên, ngó nghiêng hết góc bếp đến ban công, rồi xét nét con dâu. Có những sáng vội chở con đi học, chị Mai chưa kịp gấp chăn hay rửa bát ăn sáng thì bà càu nhàu: “Ăn ở bừa bộn như thế này nhà khác gì cái chuồng lợn?”.

Khổ vì bị mẹ chồng... soi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Có những lần mẹ chồng sang vào lúc chị Mai đang kho cá, bà cũng thắc mắc: “Thằng Toàn nó có thích kho theo kiểu này đâu, nó chỉ thích ăn vị như mẹ vẫn làm thôi. Đưa đây xem nào”. Rồi bà lại ngó sang đĩa thịt gà rang chị Mai đang để trên bàn có úp lồng bàn hẳn hoi, bà nói: "Sao không hâm nóng lại mà ăn, còn kho thêm cá làm gì, thời buổi khó khăn chẳng biết tính toán, tiết kiệm".

Có hôm mẹ chồng sang thấy con dâu đang phơi quần áo, bà cũng nhìn vào máy giặt rồi nói: “Có vài chiếc quần áo thế này thì giặt luôn tay chứ dùng máy cho tốn điện, nước”. Thậm chí, các vật dụng để trong nhà bà cũng bảo là để thiếu khoa học: “Cái bàn học thì nên kê ở góc kia, lò vi sóng thì để xuống dưới thấp cho dễ dùng. Bát đũa cũng úp ở cái rổ để ngoài ban công cho khô ráo chứ để phòng bếp ẩm mốc đấy”… Rồi đến cái tủ lạnh bà cũng muốn sắp xếp theo ý mình.

Lần nào sang nhà chị Mai về, mẹ chồng lại ngồi than thở với bố chồng. Nếu chồng chị không có nhà bà cũng phải gọi điện để kể lể. Mặc dù bà làm giúp thì ít nhưng lại than thở rất nhiều và lần nào cũng làm chị Mai thấy nóng mặt. Chị không thuê giúp việc mà đều tranh thủ buổi tối và cuối tuần dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, nếu có ai khen nhà chị sạch sẽ mà mẹ chồng ở đó thì kiểu gì bà cũng nhận là do mình ngày ngày sang giúp đỡ con dâu.

Chị Mai nhiều lúc mệt mỏi với mẹ chồng nhưng được chồng tâm lý và chiều chuộng nên chị cũng bớt tủi thân phần nào. Chị biết tính bà như thế nên cũng chẳng mấy khi giận dỗi hay cãi lại bà. Thế nhưng, có một hôm chị sang bên nhà thì sững sờ khi bà Liên hàng xóm nói: “Cháu sướng thật đấy, có mẹ chồng tâm lý, đã mua nhà ở gần cho ở riêng rồi mà ngày nào cũng sang để dọn dẹp, nấu nướng cho. Cô là cô không chiều con dâu được như vậy đâu đấy. Nhưng mà, mẹ cháu bị huyết áp cao, hay mệt mỏi lắm, nhiều khi bà ấy than vất vả mà cô thấy thương”.

Rồi bà Liên lại nói tiếp: “Mà cô hỏi thật, có mẹ chồng chiều chuộng vậy mà ngày trước cháu lại từng bỏ về nhà mẹ đẻ à? Con dâu cô không dám làm thế đâu”.

Nghe hỏi vậy, chị Mai sững người, giận mẹ chồng thực sự. Về chuyện hàng ngày bà sang giúp đỡ con dâu việc nhà là hoàn toàn không có thật. Thỉnh thoảng hôm nào chị Mai về muộn bà mới cắm hộ nồi cơm, còn lại thì bà toàn sang chắp tay sau lưng chỉ trỏ rồi đi về. 

Còn về chuyện chị về nhà mẹ đẻ thì sự thật đâu có như vậy. Ngày ấy chị sinh con đầu lòng, trẻ người non dạ, chân tay lại vụng về nên không khéo chăm con. Trong khi mẹ chồng lúc ấy chưa nghỉ hưu, đi làm bận cả ngày nên chị Mai mới xin về nhà ngoại một thời gian. Chị Mai còn thầm biết ơn mẹ chồng tâm lý. Chuyện là vậy, chứ chị nào có giận dỗi hay bỏ về nhà mẹ như lời bà hàng xóm nói.

Khổ vì bị mẹ chồng... soi - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chị Mai ấm ức lắm, giận mẹ chồng vì hay kể chuyện nhà cho bà Liên hay ngồi lê đôi mách. Chị phàn nàn với chồng, rằng mẹ đi nói xấu con dâu khiến chị không hài lòng. Mọi lần chồng chị sẽ bênh mẹ, cho rằng tính bà chỉ hay nói chứ không ghét bỏ gì con dâu nhưng lần này anh im lặng. Đáp lại thái độ của anh, hơn hai tuần chị không đặt chân sang nhà bố mẹ chồng. Mẹ chồng chị có sang nhà thì chị chào hỏi rồi lảng đi, chứ không nói chuyện với bà. Chưa bao giờ chị lại giận mẹ chồng như thế.

Một hôm, chồng chị Mai từ bên nhà bố mẹ về, anh giục chị: “Mẹ ốm mấy hôm nay. Em qua nhà xem mẹ thế nào”. Chị vẫn vùng vằng: “Chắc bà cảm cúm thôi chứ gì?”. Chồng chị nghiêm giọng: “Mẹ có đau đầu thôi thì em vẫn phải qua. Em nghĩ lại cách xử sự của mình xem, có đúng không?”. Nghĩ đi nghĩ lại, chị Mai nén cơn giận, ra chợ mua ít thức ăn và hoa quả rồi sang thăm mẹ chồng.

Mẹ chị bị cúm A, tuy đã khỏi rồi nhưng vẫn còn ho và đau mỏi khắp người. Chị Mai qua nhà thì thấy bà đang ngủ nên đi vào bếp nấu một nồi cháo thịt bằm. Một lúc sau, thấy bà tỉnh dậy, chị Mai bưng bát cháo nóng hổi vào trong phòng ngủ nói: “Mẹ dậy ăn bát cháo cho đỡ đói”. Mẹ chồng chị “ừ” một tiếng rất nhẹ.

Mẹ chồng ăn xong, chị Mai ngồi xuống bên giường, ngượng ngùng bóp chân cho bà nhưng vẫn không nói gì. Mẹ chồng chị thở dài: “Con giận mẹ phải không? Thấy con không sang bên này, lại không vui vẻ khi gặp mẹ là biết ngay có chuyện. Nhưng mà vừa nãy thằng Toàn nói mẹ mới biết cụ thể. Mẹ thật thà kể mấy chuyện, rồi cũng kêu hay đau chân, đi lại khó khăn chứ ai ngờ người ta lại thêm mắm dặm muối như vậy. Mẹ thật lòng không cố ý nói xấu về con. Có gì không phải thì bỏ qua cho mẹ nhé. Với lại tính mẹ hay để ý, xét nét, giờ già rồi lại càng thêm khó, nhưng mẹ sẽ rút kinh nghiệm thoải mái với con hơn”.

Nghe mẹ chồng nói vậy, chị Mai cảm thấy nhẹ lòng. Cơn giận bỗng chốc nguôi ngoai hết. Chị đáp lời: “Con cũng xin lỗi mẹ vì có nhiều điều sai sót. Con sẽ cố gắng học theo mẹ để lo toan việc gia đình chu đáo hơn. Con mong mẹ con mình ngày càng hiểu nhau hơn”.

Thế rồi, hai mẹ con nhìn nhau cười, không khí gia đình lại trở nên vui vẻ hơn bao giờ hết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.